Trung tâm luyện thi Duc Dinh của cộng đồng người Việt tại Houston đìu hiu - ẢNH: PHẠM BÍCH NGỌC

Tiệm cắt tóc, tiệm nail của người Việt lèo tèo khách

Các tiệm nail và tiệm tóc ở Houston đã vắng khách từ đầu năm nay khi có dịch Covid-19. Anh Trung (chủ tiệm tóc người Việt nổi tiếng nhất nhì ở đây) cho biết: “Tiệm vắng khách lắm, ai cũng có tâm lý sợ lây bệnh tránh đám đông. Nhiều ngày phải đóng cửa sớm, làm có nửa ngày thôi".

Lúc tôi đến cắt tóc, chỉ có lèo tèo vài khách, thợ làm đon đả, chiều chuộng khách hơn bình thường. Thợ và khách đều đeo khẩu trang 100% thời gian trong tiệm.

Tiệm làm đẹp đóng cửa 3 ngày mỗi tuần vì quá vắng - ẢNH: PHẠM BÍCH NGỌC

Tiệm nail, massage không có khách -ẢNH: PHẠM BÍCH NGỌC

Cô Việt (64 tuổi, chủ tiệm nail gần 20 năm) nói: “Trong đời tui chưa từng thấy lúc nào như đợt dịch Covid-19 này. Ai cũng sợ hết nên tiệm vắng lắm. Một tuần chỉ làm 4 buổi để cầm chừng".

Một tiệm làm đẹp khác của người Việt vừa mới khai trương hoành tráng chưa được bao lâu thì dịch bệnh bùng phát. Tiệm chỉ có 1/3 số nhân viên đi làm, số khách ít hơn số thợ. Anh chủ tiệm vui vẻ mời khách ngồi máy mát xa và phục vụ các loại đồ uống miễn phí.

Ông chủ tiệm nail pha chế nước uống phục vụ khách để tiết kiệm chi phí - ẢNH: PHẠM BÍCH NGỌC

Tiệm cắt tóc Trung nổi tiếng Houston nay mỗi ngày chỉ có 1 - 2 khách - ẢNH: PHẠM BÍCH NGỌC

Khu vui chơi giải trí Houston khủng hoảng

Không chỉ trong thành phố, các khu du lịch sinh thái cách Houston 1 - 2 tiếng lái xe cũng lâm vào tình trạng khủng hoảng kinh tế vì không có khách.

Công viên cá sấu chỉ có 10 - 15 khách mỗi ngày - ẢNH: PHẠM BÍCH NGỌC

Khi tôi đến thăm trại nuôi cá sấu nổi tiếng, nơi này vắng tanh chỉ có khoảng 10 đến 20 khách, ít hơn số nhân viên. Để có chi phí mua hàng chục, hàng trăm kg thịt mỗi tuần nuôi cá sấu, trại phải rất chật vật, khó khăn.

'Khao khát' trở lại trường

Hàng năm, cứ đến cuối tháng 8 là các sinh viên ở Houston bắt đầu nô nức đi học lại sau những tháng hè nghỉ ngơi thoải mái. Các bạn trẻ phấn khởi, háo hức được trở lại trường lớp, gặp lại thầy cô và bạn bè.

Nhưng năm nay vì Covid-19, các trường đại học tại Houston đều cho sinh viên học trực tuyến vào học kỳ thu đông (Fall 2020 Semester). Riêng hệ thống trường Cao đẳng Cộng Đồng Houston thì tháng đầu tiên học trực tuyến, sau đó đến giữa tháng 9 các em được đến lớp nếu tình hình dịch bệnh khả quan hơn.

Các thầy cô lớn tuổi rất ủng hộ luật này, nhưng nhiều bạn sinh viên và thầy cô trẻ lại muốn được gặp gỡ và giao tiếp trên giảng đường. Cô Linda (một giảng viên ngành bán hàng, 71 tuổi) đã quyết định về hưu sớm sau học kỳ mùa xuân vì lo lắng phải lên trường khi chưa có vacine phòng dịch bệnh. Trong khi đó, anh Henry Phạm (giảng viên ngành Marketing) lại mong được đứng lớp vào đúng ngày khai giảng thường niên là ngày 24.8.

Những giảng viên trẻ đều mong muốn sớm trở lại giảng đường vì việc giao tiếp trực tiếp với sinh viên hiệu quả hơn việc dạy trực tuyến - ẢNH: PHẠM BÍCH NGỌC

Anh Henry Phạm nói: “Tuần đầu tiên đi học quyết định tâm lý của giáo viên và kỷ luật của học sinh. Nên tôi rất muốn trường mở cửa sớm. Dạy về kinh doanh mà không có thực hành, giao tiếp trên lớp thì không được hiệu quả".

Rất nhiều sinh viên cũng đã bày tỏ nguyện vọng được trở lại trường. Em Janet Phan, Việt kiều Mỹ, chia sẻ: “Em đăng ký 4 lớp cho học kỳ này nhưng em đang cân nhắc có nên trì hoãn tới năm sau không. Em học ngành kế toán nên không muốn học trực tuyến".

Hầu như tất cả các sinh viên ở đây sẽ học ở nhà ít nhất đến gần cuối tháng 9 (Cao Đẳng Cộng Đồng) hay 100% trực tuyến (các trường đại học Houston). Nhiều bạn vẫn giữ thói quen đi chơi vào tuần lễ cuối cùng trước khi bắt đầu năm học (19 - 23.8). Vì vậy thời gian này, khu giải trí ở phố Á châu đường Bellaire chủ yếu có người trẻ đến.

Chùa Việt Nam ở Houston vắng vẻ

Chùa chiền Việt Nam ở Houston cũng không được phép tổ chức các lễ hội đọc kinh từ mấy tháng nay. Như ngôi chùa có tên Chùa Việt Nam nổi tiếng, có sức chứa cả trăm người, chính điện và hồ sen vừa xây xong đều đóng cửa im lìm. Chỉ có những đệ tử thân thuộc mới được vào cầu nguyện mỗi tối bằng lối cửa sau, cũng chỉ khoảng từ 3 đến 6 người ngồi giãn cách, lọt thỏm giữa chánh điện rộng mênh mông.

Hồ sen trước sân chùa Việt Nam vắng vẻ - ẢNH: PHẠM BÍCH NGỌC

Bãi đậu xe của chùa Việt Nam thường đón hàng chục ngàn chiếc vào dịp lễ Phật nhưng nay tối đa chưa đến 10 chiếc - ẢNH: PHẠM BÍCH NGỌC

Chùa Bà Thiên Hậu nổi tiếng linh thiêng cũng không một bóng người - ẢNH: PHẠM BÍCH NGỌC

Mỗi tối, các thầy đều cầu nguyện cho các nạn nhân Covid-19 sớm được khỏi bệnh, cầu cho các hương hồn của những người mất vì Covid-19 sớm được siêu thoát, cầu cho thế giới hết dịch bệnh trở lại bình yên.

Đó cũng là niềm khắc khoải, niềm cầu mong của tôi và của tất cả mọi người. Dịch bệnh Covid-19 đã khiến chúng ta nhận ra rằng: Sức khỏe là tài sản quý giá nhất của con người, nó quyết định và chi phối tất cả!

Theo thanhnien