Anh Hùng giới thiệu những mẫu đèn tre do anh sản xuất - V.T

Giới thiệu những chiếc đèn điện làm bằng thân tre, được thiết kế nhiều kiểu dáng rất sinh động và bắt mắt, anh Trương Văn Hùng (32 tuổi), giảng viên Trường cao đẳng Kỹ thuật công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc, cho biết anh chỉ mất 10 phút để làm ra một sản phẩm đèn tre, bởi tất cả đều được sản xuất theo công nghệ tự động do anh sáng chế. Chia sẻ về sản phẩm đèn tre của mình, anh Hùng cho biết anh sinh ra ở làng Yên Hòa, xã Hưng Thịnh, H.Hưng Nguyên, Nghệ An, nơi có rất nhiều nguyên liệu tre nứa.

Anh Hùng cũng chia sẻ khi tìm hiểu về các sản phẩm làm từ mây tre, anh đã nhận ra hạn chế của ngành mây tre đan là còn phụ thuộc quá nhiều vào tay nghề người thợ, trong khi thu nhập lại thấp nên các làng nghề mây tre đan cứ ít dần. Trong khi đó, nhu cầu nhập khẩu của thị trường thế giới như châu Âu, châu Mỹ... khi cần số lượng lớn sản phẩm từ tre, luồng chế tác kỹ xảo, tinh vi thì hầu như các cơ sở sản xuất ở Việt Nam vẫn chưa thể đáp ứng được đơn hàng.

“Đây cũng là điểm yếu khiến tính thương mại của sản phẩm tre, luồng Việt Nam chưa phát huy hết giá trị khi đến với các nước. Tại sao không áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại để chế tác, thổi hồn cho những cây tre, luồng mộc mạc, giản dị có thêm giá trị? Từ đó, tôi bắt đầu nghiên cứu, tìm tòi và chế tạo máy để sản xuất đèn tre xuất khẩu”, anh Hùng cho biết.

Là kỹ sư công nghệ tốt nghiệp Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM với chuyên ngành chế tạo máy, anh đã nghiên cứu để cho ra đời một chiếc máy có thể chế tác tre thành nhiều loại vỏ đèn điện. Sau đó, anh dùng các linh kiện công nghiệp để làm hoàn chỉnh những chiếc đèn điện bằng tre.

Với sản phẩm độc đáo này, dự án khởi nghiệp làm đèn tre xuất khẩu của anh chỉ trong một thời gian ngắn đã được đầu tư và đưa ra thị trường. Tuy nhiên anh Hùng cho biết, khi làm ra sản phẩm, anh không chỉ nghĩ với mục tiêu để bán mà còn muốn làm được những điều lớn hơn. Ví dụ, anh đã nghiên cứu sử dụng hoàn toàn nguyên liệu tre mà không có bất kỳ loại hóa chất nào nên sản phẩm rất thân thiện với môi trường. Hiện đèn tre đã được nhiều khách hàng trong nước đặt mua để trang trí ở các nhà hàng, quán cà phê...; nhưng điều anh mong muốn là sản phẩm sẽ có mặt trên thị trường thế giới để quảng bá về Việt Nam. “Mục tiêu của tôi là sản xuất các mặt hàng thành phẩm từ tre, đáp ứng các tiêu chuẩn thế giới để xuất khẩu sang các thị trường châu Âu, châu Mỹ”, anh Hùng bày tỏ.

Anh Hùng "thổ hồn" vào đèn tre bằng máy móc công nghệ cao do anh sáng chế -Vũ Thơ

Do làm chủ được công nghệ nên việc sản xuất ra những chiếc đèn tre này có giá thành thấp hơn so với các sản phẩm hiện có. Độ tinh xảo của sản phẩm cũng cao hơn, do chiếc máy của anh có thể chế tạo được nhiều mẫu mã theo sở thích của khách. Vì vậy, sản phẩm đèn tre không ngại “đương đầu” với các mặt hàng cùng loại trên thị trường. Anh Hùng cũng khẳng định, khi dự án được triển khai thành công, anh sẽ thay đổi hoàn toàn về cách thức, tư duy sản xuất của ngành tre Việt Nam, bởi bài toán công nghệ, mẫu mã, tư duy về ngành nghề thủ công sẽ thay đổi, đưa nhiều sản phẩm gần gũi với thiên nhiên đến với người tiêu dùng.

Nói về mong muốn của mình, anh Hùng , người thực hiện dự án đèn tre, bộc bạch: “Lập thân, lập nghiệp vốn là nhu cầu trong đời sống thanh niên. Với nhiều khát vọng, trăn trở, tôi cũng mong muốn làm được một điều gì đó mới mẻ cho bản thân, gia đình và xa hơn là xã hội”.

Theo thanhnien