Tại Việt Nam, có khoảng 30 dân tộc thiểu số có nghề dệt thổ cẩm truyền thống lâu đời. Vải thổ cẩm không chỉ cung cấp chất liệu may mặc, mà còn thể hiện nhân sinh quan, thế giới quan của các đồng bào dân tộc thông qua việc bố trí màu sắc, họa tiết. 

Tuy nhiên, nghề truyền thống này đang bị mai một dần. Quá trình giao lưu văn hóa giữa các tộc người đang diễn ra mạnh mẽ nên xu hướng Việt (kinh) hóa hoặc Âu hóa đang diễn ra với tốc độ nhanh chóng. Thay cho trang phục bằng vải thổ cẩm truyền thống, đồng bào dân tộc đang sử dụng nhiều trang phục hiện đại trong cuộc sống hằng ngày, vải thổ cẩm dần ít được sử dụng hơn. 

Nghề dệt thổ cẩm là một nét văn hoá truyền thống đặc sắc của nhiều dân tộc thiểu số ở Việt Nam
Nghề dệt thổ cẩm là một nét văn hoá truyền thống đặc sắc của nhiều dân tộc thiểu số ở Việt Nam
Cách bố trí màu, hoạ tiết thể hiện nhân sinh quan, thế giới quan của cộng đồng dân tộc đó
Cách bố trí màu, họa tiết thể hiện nhân sinh quan, thế giới quan của cộng đồng dân tộc đó

Các nghệ nhân dệt thổ cẩm ngày càng ít. Số nghệ nhân có kinh nghiệm truyền dạy cũng đã quá lớn tuổi hoặc đã mất. Tại tỉnh Đắk Nông, theo thống kê của Sở Văn hoá  - Thể thao và Du lịch, hiện có 643 nghệ nhân làm nghề dệt thổ cẩm, nhưng chỉ khoảng 50 người có khả năng truyền nghề.                                

Nghệ nhân Hồ Văn Hồi (dân tộc Vân Kiều, huyện Khe Sanh, tỉnh Quảng Trị) cho biết: “Nghề này bị mai một rồi. Hiện tại, ở đây vẫn còn một số nghệ nhân làm nghề nhưng họ không còn mặn mà với nghề nữa. Đây là thực tế rất đáng buồn”.

Lực lượng trong độ tuổi lao động cũng không còn nhiều người thiết tha với nghề dệt vì thu nhập không đủ sống. Họ có nhiều lựa chọn khác: đi làm công ăn lương, rời buôn, bản lên thành phố kiếm sống, hoặc đi học cao hơn...

Anh Hồi quyết tâm giữ nghề dù nhiều khó khăn
Anh Hồi quyết tâm giữ nghề dù nhiều khó khăn

Anh Hồi cho rằng nếu có chính sách đầu tư hợp lý của nhà nước, cùng những biện pháp thực tế tạo được đầu ra tốt cho sản phẩm, nghề dệt thổ cẩm mới thu hút được nhiều nghệ nhân, nhất là những người trẻ. 

Nhiều nghệ nhân người Ê-đê cho biết khó khăn hiện tại của họ là vốn để đầu tư, thứ hai là đầu ra cho các sản phẩm thổ cẩm. Có giải quyết được vấn đề này mới có thể mang đến hy vọng sáng sủa hơn.

 

Theo phunuonline.com.vn