Bà Lê Thị Thái Tần (trái) trình bày công nghệ đọc trí não tại một hội thảo

Sau một thời gian làm việc cho hãng luật hàng đầu thế giới Freehills, Lê Thị Thái Tần (tên tiếng Anh là Tan Le) quyết định rời bỏ sự nghiệp đang rộng mở để bắt đầu hành trình khởi nghiệp trong một lĩnh vực hoàn toàn xa lạ là công nghệ. “Từ lúc còn ngồi trên ghế nhà trường, tôi đã đọc những quyển sách về hành trình khởi nghiệp công nghệ thành công. Tôi nhận ra rằng bản thân đang sống trong thời kỳ khoa học kỹ thuật tiên tiến và nảy ra nhiều ý tưởng nhằm tạo ra những công cụ mới”, nữ doanh nhân 41 tuổi chia sẻ với Đài CNBC.
Ban đầu, bà thử sức với nhiều sản phẩm khác nhau như ứng dụng gia sư trực tuyến, phần mềm kết hợp thiết bị quét mã vạch quản lý sản phẩm, cổng thông tin liên lạc giữa doanh nghiệp và khách hàng… Đến năm 2003, nữ doanh nhân đã bán được công ty công nghệ đầu tiên khi mới 26 tuổi. Có nguồn vốn trong tay, bà Tần cùng các đồng sự dấn thân vào lĩnh vực đầy thách thức là ứng dụng công nghệ vào khoa học thần kinh. Bước ngoặt đến vào năm 2011 với sự ra đời của Công ty Emotiv và sản phẩm mang tên Epoc+.
Theo chuyên trang TechRadar, với kích thước nhỏ gọn nhưng mang nhiều điện cực phức tạp, Epoc+ được đeo lên đầu người sử dụng để ghi lại mọi tín hiệu xung điện trong não rồi truyền đến các máy móc, thiết bị tương ứng. Với công nghệ này, người dùng chỉ cần dùng ý nghĩ và cảm xúc để điều khiển máy bay không người lái, chơi game, cử động cánh tay giả robot và thậm chí lái xe. Đặc biệt hơn, giá thị trường của Epoc+ chỉ có 299 USD (6,9 triệu đồng). Ngoài ra, đây là thiết bị mã nguồn mở nên nếu bỏ thêm 500 - 2.500 USD, khách hàng có thể tự phát triển phần mềm hay ứng dụng riêng cho Epoc+ và lợi nhuận phát sinh được chia sẻ với tỷ lệ 70% cho nhà phát triển, còn Emotiv hưởng 30%. Đến nay, Epoc+ đã thu hút nhiều tên tuổi lớn như Tập đoàn sản xuất máy bay Boeing và Tập đoàn giải trí điện tử Nintendo (Nhật Bản) với nhiều phát triển ứng dụng đa dạng.
Tháng 8 năm ngoái, các trang công nghệ thế giới “phát cuồng” khi Rodrigo Hubner Mendes, 45 tuổi, sử dụng Epoc+ để trở thành người liệt tứ chi đầu tiên trên thế giới điều khiển xe đua F1. Ông bị liệt sau khi trúng đạn vào cột sống trong một vụ cướp xe ở TP.Sao Paulo, Brazil lúc mới 18 tuổi và sau đó thành lập Tổ chức phi lợi nhuận RMI để hỗ trợ người khuyết tật. Chiếc xe đặc biệt này không có bánh lái, cần số hay bàn đạp và Mendes hoàn toàn chỉ dùng ý nghĩ được truyền tải bằng Epoc+ để điều khiển. “Chỉ có tôi, đường đua và chiếc xe mà thôi. Ban đầu rất khó tập trung nhưng trải nghiệm sau đó thật không thể tin nổi”, chuyên trang eTeknix dẫn lời ông kể.
Chưa hết, hồi tháng 3.2018, khi gặp nhau trong một sự kiện ở Dubai, Mendes đã thách đấu ngôi sao đua xe F1 Lewis Hamilton và tay đua người Anh hào hứng nhận lời. Ban đầu, Mendes muốn đối thủ điều khiển xe đua bình thường còn mình sử dụng Epoc+ nhưng Hamilton nhất quyết rằng cả hai sẽ tranh tài bằng sóng điện não của mình. Theo TechRadar, chi tiết về quá trình chuẩn bị cho cuộc đua tài vẫn đang được giữ kín và giới công nghệ đang hồi hộp chờ đợi sự kiện đặc biệt này.
Chào đời ở Việt Nam, Lê Thị Thái Tần cùng mẹ di cư sang Úc vào năm 1981 khi mới 4 tuổi. Định cư tại TP.Melbourne, gia đình cô thời gian đầu gặp nhiều khó khăn trong việc hòa nhập nơi xứ người. “Tôi từng bị chọc ghẹo ở trường học, nhất là giờ ăn trưa. Bạn bè trong lớp mang theo hộp thức ăn với bánh mì sandwich. Riêng tôi có đồ ăn do mẹ nấu và thật sự ban đầu tôi rất sợ khi mở hộp ra do bạn bè trong lớp không quen với mùi thực phẩm châu Á”, bà kể với CNBC.
Tuy nhiên, nữ doanh nhân khẳng định chính những khó khăn thách thức thuở ban đầu đã góp phần nung nấu nghị lực và quyết tâm để bà theo đuổi giấc mơ. Ngoài thành tích học tập xuất sắc, ngay từ khi còn ngồi ghế giảng đường, bà Tần tham gia nhiều hoạt động tình nguyện nổi bật trong cộng đồng người Việt. Chính vì thế, sau khi tốt nghiệp ngành luật và thương mại tại Đại học Monash vào năm 1998, bà nhận danh hiệu Người Úc trẻ tuổi của năm (Young Australian of the Year) và được bình chọn là một trong 30 phụ nữ dưới tuổi 30 thành công nhất nước này. Năm ngoái, bà trở về VN để giới thiệu các sản phẩm công nghệ của Emotiv cũng như trò chuyện truyền cảm hứng cho giới trẻ về khởi nghiệp sáng tạo



Theo Thanh niên