Cô sinh viên Nguyễn Ngọc Linh (21 tuổi), người thực hiện dự án thu gom dầu thừa tái chế thành xà phòng - Ảnh: NVCC

Trên một cộng đồng chia sẻ những ý tưởng tái chế, tái sử dụng, Ngọc Linh ngỏ lời thu gom dầu ăn đã qua sử dụng để tái chế thành xà phòng.

"Dầu ăn đã qua sử dụng nếu đổ xuống cống sẽ ảnh hưởng tới hệ thống thoát nước và môi trường", cô nói. Đổi lại, với mỗi lít dầu được cho đi, người tặng sẽ nhận về một bánh xà phòng 40 gram.

Những bánh xà phòng "xanh"

Ngọc Linh chia sẻ cô mong muốn theo đuổi lối sống xanh từ rất lâu. Ban đầu, Linh cố gắng dùng những sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên như enzyme bồ hòn. Tuy nhiên, sử dụng bồ hòn có một số bất tiện như khó tẩy sạch những chén bát dính quá nhiều dầu mỡ. 

Bên cạnh đó, Linh nói các thành viên trong gia đình cô không thích mùi chua của nước rửa chén làm từ bồ hòn. Do vậy, Linh quyết định tìm đến một phương pháp sống xanh khác là tái chế dầu ăn đã sử dụng để làm ra các bánh xà phòng.

Quá trình tái chế gồm nhiều công đoạn, trong đó bước đầu tiên là lọc bỏ các tạp chất như cặn bẩn, nước có trong dầu cũ. Sau đó, Linh ngâm dầu đã lọc với các loại thảo mộc như hoa cúc khô hoặc lá trà khô để khử bớt mùi hôi, rồi lọc lại một lần nữa. 

Cuối cùng, Linh trộn các nguyên liệu gồm dầu đã lọc sạch cùng các thành phần khác như dầu dừa, các loại bột như cà phê, bột nghệ hoặc các loại tinh dầu theo sở thích và xút, rồi đổ vào khuôn. 

Sau một tuần, Linh sẽ tháo khuôn, cắt xà phòng thành các miếng nhỏ hơn và tiếp tục phơi trong 3-4 tuần để có được thành phẩm hoàn chỉnh.

"Khó nhất là công đoạn lọc dầu và khử mùi. Vì là dầu đã qua sử dụng nên dễ bị hỏng do để quá lâu. Việc khử mùi cũng khó khăn nếu dầu bị lẫn nhiều tạp chất hoặc mùi quá nặng", Ngọc Linh nói.

Trong suốt hành trình từ lúc bắt đầu tập tành tái chế dầu ăn cũ để làm thành xà phòng, Linh chia sẻ cô học hỏi được rất nhiều từ cộng đồng Skillful Hands, một lớp học thủ công hướng dẫn làm xà phòng, son dưỡng với nhiều clip đăng tải trên Facebook. 

Bên cạnh đó, sự ủng hộ từ các bạn trẻ yêu môi trường trong cộng đồng cũng là nguồn động lực lớn dành cho cô bạn 21 tuổi.

"Mình nhận được rất nhiều tin nhắn tình nguyện đóng góp dầu ăn thừa mà không cần đổi lấy bánh xà phòng. Nhiều bạn trẻ cũng hỏi mình cách làm thế nào để tự tái chế dầu cũ tại nhà", Ngọc Linh kể.

Với mỗi lít dầu, Linh có thể làm được 12-13 bánh xà phòng loại 40 gram. Để hoàn thành một mẻ xà phòng 6-12 bánh, Linh mất hơn 2 tháng. Nhờ quá trình lọc dầu và khử mùi kỹ, các bánh xà phòng thành phẩm có hương thơm rất nhẹ từ thảo mộc hoặc các loại tinh dầu do Linh kết hợp trong quá trình pha nguyên liệu. 

Đến nay, Linh đã làm khoảng 20 mẻ xà phòng với 3 mùi hương chính là oải hương, bạc hà và cà phê.

"Mẻ xà phòng đầu tiên bị hỏng do mình quá nóng vội được nhìn thấy thành phẩm. Mình mắc khá nhiều lỗi, như không kiểm tra độ nóng của xút khiến thành phẩm không được đẹp mắt, hay cắt xà phòng quá sớm nên thành phẩm không đủ độ cứng và khó tạo hình, không được đẹp mắt. 

Tuy nhiên, đây cũng là một trong số những kinh nghiệm rất đẹp mà mình được trải nghiệm", Linh trải lòng.

Mơ ước về những ngày "xanh" hơn


Hiện tại, vì chỉ thực hiện công việc tái chế một mình và còn đang là sinh viên, nên hầu hết các sản phẩm xà phòng làm ra được Linh sử dụng trong gia đình, mang tặng người thân, và dùng trong chương trình đổi dầu cũ lấy xà phòng, với mong muốn giảm bớt lượng dầu thừa thải ra môi trường. 

Trong tương lai, Linh nói cô mong được mở bán sản phẩm xà phòng làm từ dầu ăn cũ và nhiều sản phẩm thân thiện với môi trường khác, vừa để lan tỏa việc sống xanh, vừa mở rộng việc thu gom và tái chế lượng dầu thừa.

"Mình nung nấu ước mơ này, bởi có nhiều bạn tâm sự họ ở xa địa điểm thu gom, không có điều kiện tham gia dự án. Mong muốn sống xanh trong cộng đồng là rất lớn. Mình mong bản thân trở thành điểm đến để giúp mọi người lựa chọn lối sống xanh hơn", Linh chia sẻ.

Ngọc Linh cũng vừa hoàn thành việc nghiên cứu phát triển dòng sản phẩm xà phòng mới từ dầu ăn thừa: xà phòng dạng lỏng. Với tình yêu dành cho lối sống xanh, ở Linh sự tìm tòi những phương thức tái chế, tái sử dụng để hạn chế rác thải ra môi trường trở thành niềm vui và động lực.

"Xà phòng từ dầu ăn thừa chỉ nên dùng để rửa tay hay làm sạch đồ vật như rửa chén, giặt đồ, không nên dùng để tắm. Vì vậy, nếu để dạng bánh thì khá khó cho việc phát huy hết tác dụng của thành phẩm. Do đó, mình quyết định thử làm xà phòng dạng lỏng để tiện cho việc sử dụng", Linh giải thích.

Với xà phòng dạng lỏng, người dùng có thể sử dụng để rửa chén, lau nhà và thậm chí giặt đồ, tiện hơn rất nhiều so với sử dụng một bánh xà phòng.

"Hiện tại mình đã nghiên cứu được thành phẩm xà phòng rửa bát từ dầu rán thừa", Linh cười tiết lộ.

Theo tuoitre