Toàn cảnh phiên họp


Chú trọng an sinh xã hội
 
Trong 2 ngày 23 và 24/10, tại Hà Nội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ, TB&XH) phối hợp với Ban Thư ký ASEAN tổ chức cuộc họp Ủy ban Phụ nữ ASEAN (ACW) lần thứ 17. Tại cuộc họp, các đại biểu đã được nghe báo cáo về kết quả triển khai và thực hiện các dự án, hoạt động, sáng kiến trong khuôn khổ Kế hoạch công tác giai đoạn 2016 - 2020 của Ủy ban Phụ nữ ASEAN cũng như việc thực hiện các ưu tiên của Ủy ban về xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ, tăng cường quyền năng kinh tế cho phụ nữ, lồng ghép giới trên cả 3 trụ cột của Cộng đồng ASEAN.
 
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ LĐ, TB&XH Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh, ACW là một cơ chế hợp tác của phụ nữ, vì phụ nữ và hướng tới tương lai tốt hơn cho phụ nữ trong toàn khu vực. Trong những năm qua, ACW đã thực sự góp phần thiết thực vào việc nâng cao vị thế của phụ nữ, tăng cường bình đẳng giới trong khu vực. Các cam kết, ưu tiên của ASEAN trong lĩnh vực an sinh xã hội, phụ nữ và bình đẳng giới ngày càng được chú trọng và đẩy mạnh thực hiện.
 
Nhờ cam kết của các nước, ASEAN đã đạt được những thành tựu tích cực trong thực hiện các ưu tiên của ASEAN liên quan đến vấn đề của phụ nữ ở những cấp độ khác nhau về đời sống chính trị, kinh tế và xã hội, qua đó, góp phần thúc đẩy bình đẳng giới và tăng cường quyền năng cho phụ nữ.
 
Tuy nhiên, trong ASEAN hiện nay, một số chính sách vẫn còn bất cập khiến phụ nữ gặp khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ an sinh xã hội. Tỷ lệ phụ nữ làm việc tại khu vực phi chính thức còn cao, thu nhập thấp hơn nam giới. Bất bình đẳng giới vẫn còn và có nguy cơ đẩy lùi sự phát triển của châu Á nói chung và ASEAN nói riêng.
 Rất nhiều phụ nữ bị trả công thấp, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế phi chính thức và thiếu cơ hội được tiếp cận vào hệ thống an sinh xã hội. Theo đó, các chính sách và chương trình an sinh xã hội cần phải được xem xét các yếu tố về giới, kể cả các dịch vụ xã hội dành cho đối tượng đặc thù như nạn nhân bị bạo lực tình dục hoặc mua bán người. Mặt khác, trong bối cảnh tốc độ già hóa dân số của khu vực ngày càng nhanh với số lượng phụ nữ sống thọ hơn nam giới, phụ nữ già, cô đơn, không nơi nương tựa thì những vấn đề về an sinh xã hội cho phụ nữ cao tuổi cũng là những nội dung cần phải được các nước thành viên chú trọng.

Các đại biểu tham dự cuộc họp Ủy ban Phụ nữ ASEAN lần thứ 17 
 
Hội LHPN Việt Nam là thành viên tích cực của ACWO
 
Trong khuôn khổ cuộc họp, các đại biểu ACW cũng đã có phiên họp mở với các đối tác tiềm năng bao gồm Liên đoàn các tổ chức phụ nữ ASEAN (ACWO), UN Women, ASEAN- USAID, qua đó, cập nhật về tiến độ hợp tác và thúc đẩy hợp tác hơn nữa trong tương lai.
 
Chiều 23/10, tại phiên họp của ACW về nâng cao quyền năng cho phụ nữ nông thôn, thay mặt Liên đoàn các tổ chức phụ nữ ASEAN (ACWO), đại diện Hội LHPN Việt Nam đã có bài trình bày về hoạt động của ACWO.
 
Bà Trần Anh Thu - Phó Ban Quốc tế, Hội LHPN Việt Nam cho biết, ACWO gồm 10 tổ chức thành viên tham gia và Hội LHPN Việt Nam gia nhập ACWO từ tháng 6/1996. Mục tiêu của ACWO là gắn kết các ủy ban trong ASEAN như ACW, Ủy ban Thúc đẩy và Bảo vệ quyền phụ nữ và trẻ em ASEAN (ACWC). Những vấn đề ACWO quan tâm rất đa dạng: Từ phụ nữ trong công nghệ thông tin, phát triển kinh tế, tham chính, bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, phòng chống buôn bán người, phòng chống bạo lực gia đình, đến tham gia thực hiện các cam kết quốc tế về phụ nữ… ACWO đã khẳng định vai trò đại diện, đoàn kết và tập hợp phụ nữ ASEAN trong việc thực hiện mục tiêu của ASEAN từ góc độ giới. ACW và ACWO cần tăng cường hợp tác để tận dụng thế mạnh chung, qua đó có thể phản ánh tiếng nói của người dân và phụ nữ trong cộng đồng ASEAN, góp phần thực hiện tầm nhìn ASEAN.
 
Đại hội đồng ACWO lần thứ 18 sẽ nhóm họp vào cuối tháng 11/2018 tại Myanmar với chủ đề “Không để ai lại phía sau: Nâng cao quyền năng và chất lượng cuộc sống cho phụ nữ nông thôn và gia đình ở ASEAN. Chia sẻ những kinh nghiệm hay”. Qua đó, ACWO hướng tới nâng cao vai trò, quyền năng của phụ nữ nông thôn và gia đình họ trong xã hội; đảm bảo sức khỏe, chế độ dinh dưỡng, giáo dục và đào tạo cho các nhóm tuổi trong hộ gia đình. 
 
Ở vai trò là thành viên của ACWO, với 17 triệu hội viên, Hội LHPN Việt Nam xác định nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ và thúc đẩy bình đẳng giới thực chất là những ưu tiên hàng đầu. Hội tập trung hỗ trợ cho phụ nữ về tín dụng, về đào tạo nghề, hỗ trợ doanh nghiệp, mô hình kinh tế tập thể. Trong thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục tham gia và đóng góp tích cực, hiệu quả hơn trong tổ chức này, đồng thời thông qua ACWO để tăng cường hợp tác song phương với đối tác phụ nữ các nước, hướng tới bảo vệ phụ nữ Việt Nam ở nước sở tại.

Theo Phunuvietnam.vn