Đa tài, đầy tâm huyết, hai mẹ con doanh nhân Đoàn Thị Thu Thủy và du học sinh Nguyễn Khánh Vương Anh đang “bọc lót” cho nhau, hết mình quảng bá ẩm thực – du lịch Việt ra thế giới, theo cách sáng tạo riêng. Gần đây, những tập phim khám phá ẩm thực – thắng cảnh Tây Bắc của cô gái xinh đẹp 23 tuổi Vương Anh, phát trên Youtube bằng hai ngôn ngữ Việt và Anh, đã gây sốt cộng đồng mạng. Ít ai biết rằng, kế hoạch này đã được hai mẹ con nhà “Cô Ba” Thủy, vạch ra từ ba năm trước.

* Ban đầu, chị hay con gái nghĩ ra chiến lược: quảng bá văn hóa ẩm thực – thắng cảnh Việt lồng vào món ăn đặc sắc vùng miền, qua kênh Youtube?

Bắt nguồn cảm xúc từ cuốn sách ẩm thực Cô Ba và hành trình món Việt của tôi, mà Vương Anh có ý định đi khám phá những vùng đất mới chưa từng đi qua. Vương Anh cũng ngỏ ý, muốn giới thiệu ẩm thực Việt Nam cho bạn bè thế giới qua kênh Youtube. Vậy là, chúng tôi lên kế hoạch và bắt tay vào làm.

* Dự án này có mấy giai đoạn? Mục tiêu kỳ vọng của hai mẹ con chị là gì?

Bản thân tôi làm gì cũng có kế hoạch, có những kế hoạch 10, 15 năm. Từ năm Vương Anh 20 tuổi (ba năm trước), tôi đã nói “Con hãy có kế hoạch cho cuộc đời mình. Nếu con muốn 30 tuổi con là ai thì ngay bây giờ, con phải lên kế hoạch và từng bước chinh phục nó”.

Mặc khác, đây là dự án của Vương Anh, nên cô ấy hoàn toàn độc lập. Thậm chí, cô ấy muốn 30 tuổi sẽ trở thành người như thế nào, tôi cũng không được biết. Đó là suy nghĩ và cuộc đời của cô ấy, tôi không muốn can thiệp sâu quá vào cuộc đời con mình. Tôi cho cô ấy kiến thức, hỗ trợ cô ấy về tài chính.Tôi cho cô ấy đôi cánh, còn có đập cánh bay lên hay không là do sự cố gắng và nỗ lực của con.

* Từ lúc nào, chị đã truyền lửa đam mê ẩm thực sang con gái?

Vương Anh đi cùng tôi qua những năm tháng cực khổ khi rời quê (Giồng Riềng, Kiên Giang) về TP.HCM, lớn lên cùng tôi và trưởng thành cùng tôi. Cho nên, những điều tôi làm, những dự án tôi ấp ủ, Vương Anh đều biết. Có lẽ, hai mẹ con ảnh hưởng bởi nhau chứ không phải là truyền lửa hay truyền đam mê. Những thứ đó phải thực sự yêu thích và tự nhiên đến, chứ không gượng ép được.

Nhớ có lần, Vương Anh thích làm bánh Âu, từ năm học lớp 8 hay 9 gì đó. Cô ấy học trên mạng và làm hư lên hư xuống. Cuối cùng, dù không mặn mà lắm món bánh Âu, nhưng tôi cũng đi học để làm cùng con cho được. Tôi có câu slogan trên facebook là “đường đến miền hạnh phúc đi qua gian bếp của gia đình”. Bởi qua kinh nghiệm từ cuộc sống, tôi nhận ra rằng, gia đình nào giữ được lửa cho gian bếp ấm, giữ hòa khí trong nhà thì mới sống vui vẻ hạnh phúc với nhau lâu dài. Có câu “đường đi đến trái tim đi qua bao tử” đó thôi! Bữa cơm ngon canh ngọt mỗi ngày, là sợi dây gắn kết yêu thương trong mỗi gia đình.

* Nghe nói dù bận rộn công việc đến mấy chị vẫn tranh thủ những khoảnh khắc gần gũi, giao lưu cùng các con. Bản năng của người mẹ tự nhiên là thế, hay kỹ năng làm mẹ buộc chị phải thế?

Tôi dù làm gì thì cũng chỉ là một bà mẹ bình thường, yêu thương con theo cách của một người mẹ quê. Tôi nghĩ, con cái cần tình thương yêu chăm sóc của người mẹ chứ đâu cần cái hào quang, tiền bạc của người mẹ! Hồi con gái còn nhỏ, đi đâu tôi cũng mang con theo, kể cả đi học. Sau này, có con trai nhỏ, tôi dành ba năm ở bên cạnh con, gần như bỏ hết công việc. Bởi tôi biết rằng con tôi cần tôi. Sau này quay trở lại công việc, tôi cũng hạn chế đi xa dài ngày.Tôi chỉ làm việc ban ngày, tối về chơi với con, nên ít xuất hiện trong các event hay tiệc tùng, dù có nhiều lời mời.


Mẹ con tôi ở nhà, thường chế ra những bài hát riêng cho mình. Ví dụ, buổi sáng tôi thường đánh thức con tôi bằng bài đồng dao: “Cốc cốc cốc… ai gọi đó…”. Ôm con một chút! Chào buổi sáng, rồi sửa soạn đưa con đến trường. Bao nhiêu năm nay, từ Vương Anh đến con trai sau này, tôi đích thân lái xe đưa con tới trường chứ không phải tài xế. Tôi muốn đó là không gian riêng của hai mẹ con, để thỏa sức hát hò hoặc giãi bày tâm sự. Buổi tối, tôi thường đọc sách cùng con hoặc hát ru con ngủ. Điều đó làm con tôi vui và tôi thấy hạnh phúc hơn phải trang điểm xinh đẹp, đi dự tiệc tùng ngoài kia. Tóm lại, quan trọng là mình sắp xếp công việc của mình thế nào, để dành thời gian cho con. Đó phải là thời gian nhàn nhã thảnh thơi cùng con chứ không phải “tranh thủ”.

* Quay sang chuyện kinh doanh, ở thị trường hàng quán TP.HCM, theo chị bán văn hóa ẩm thực Việt có “dễ ăn” hay không – nhất là chọn khai thác thị trường ngách: chuyên món Quảng Nam – Đà Nẵng, món ăn dành cho giới địa chủ thời thuộc Pháp, món dân gian lục tỉnh?

Tôi thấy bây giờ người ta chuộng mở nhà hàng món Nhật, món Hàn, món Hoa mà ít chú trọng món Việt. Nhưng tôi lại nghĩ món Việt là món ăn quen thuộc của mọi tầng lớp, quan trọng mình làm sao để thực khách cảm thấy thích thú mà tìm đến thưởng thức. Tôi đi khắp Việt Nam, thấy mỗi miền có một phong cách ẩm thực riêng.

Theo đó, gia vị nêm nếm và món ăn đều khác, nên tôi muốn làm mỗi nhà hàng một phong cách khác nhau, nhằm thể hiện văn hóa của mỗi vùng miền. Đồng thời, tôi cũng muốn thử thách chính mình, qua những thiết kế và món ăn khác nhau của mỗi thương hiệu, chứ không muốn làm một cái rồi mở chuỗi nhân rộng ra. Tất nhiên, lách vào thị trường ngách không hề dễ ăn chút nào.

* Nếu khó, sao chị vẫn làm? Đơn cử như với nhà hàng Bếp Nhà Lục Tỉnh vừa chính thức mở cửa, nhiều thực khách đã rất ngạc nhiên khi phần lớn không gian ở nơi được coi là đất vàng của Sài Gòn, chị lại dành cho “ngắm” hơn “ăn”…

Việc dễ, người ta làm hết rồi. Cho nên, tôi phải làm cái khó thôi. Nhưng ngẫm lại, việc khó hay dễ còn tùy tâm lực mỗi người. Kiếm tiền đàng hoàng, không có việc gì dễ hết. Riêng nhà hàng Bếp Nhà Lục Tỉnh, tôi làm với tâm tình thương nhớ đồng bưng, nơi tôi đã lớn lên và đã xa thăm thẳm! Tôi nghĩ, ai cũng có một miền quê trong ký ức. Miền Tây là nơi tôi sống hơn 25 năm, nên yêu thương gắn bó. Tôi am hiểu kiến trúc, văn hoá, ẩm thực nơi đây như máu thịt của mình.


* Ngoài dự định mở nhà hàng món ngon Huế ở TP.HCM, nghe nói chị còn muốn “làm cho tới” một số nhà hàng chuyên bán món ngon vùng miền khác?
Khi bắt tay vào xây dựng, tôi là người đi kiếm từng tấm tranh kiếng kiểu xưa, từng cái lu, cái kiệu, cái xuồng, từng cái cây, cọng cỏ, từng cái nơm, cái lợp… cho đúng với một miền Tây chơn chất. Tôi muốn đưa một miệt đồng hoàn hảo nhất về thành, để ai đó khi đến đây bắt gặp cái táo đong lúa, chang đước cạnh chiếc xuồng hay giọt mưa rớt sau hè mà nghe nhớ thương một miền quê trong ký ức.

Trong kế hoạch, tôi còn một nhà hàng món Huế với những món ăn cung đình, nhà hàng Tây Bắc với các món ăn mang âm hưởng núi rừng nhờ gia vị đặc biệt, món ăn đường phố Sài Gòn tái hiện cảnh xưa với xe lam, xích lô, áo dài… Còn nhiều dự án nữa. Đã đăng ký thương hiệu, chỉ chờ có mặt bằng là triển khai.

* Từng làm dịch vụ vận chuyển đường sông bằng sà lan, rồi thi công cầu đường và nạo vét luồng lạch cảng, chắc chắn chị phải đi nhiều, cơ hội nếm trải đặc sản vùng miền cũng không ít. Đó có phải là thế mạnh của chị khi bước sang lĩnh vực kinh doanh nhà hàng?

Tôi đi nhiều nên có nhiều trải nghiệm. Mỗi vùng miền công trình đi qua, đều phải từ vài tháng đến vài năm. Cho nên tôi hiểu khá rõ về ẩm thực và văn hóa con người tại đó. Tôi nghĩ đó là thế mạnh, để tôi mạnh dạn bước sang lĩnh vực nhà hàng.

* Theo chị, việc điều hành một công ty (về cầu đường, nạo vét cảng) so với lèo lái một nhà hàng có gì khác biệt hay bổ trợ cho nhau?

Tôi nghĩ, khả năng quản trị của một chủ doanh nghiệp, có thể áp dụng vào tất cả các mô hình. Nếu làm nhà hàng mà chỉ biết bếp, không có khả năng bao quát nhìn xa trông rộng, quản trị không tốt cũng khó thành công. Bởi, nó là kinh doanh chứ không phải làm nghề.

* Cha mẹ gốc Huế, sinh chị ở Đà Nẵng, song dường như chị ưu ái nhiều món thơm thảo Tây Nam bộ. Kiến thức nấu nướng căn bản của chị được truyền thụ từ má hay những dì, cô thợ nấu giỏi ở Kiên Giang? Hay tất cả họ?

Tôi lớn lên với tình chòm xóm của cô dì, chú bác ở quê. Hễ có đám giỗ, đám cưới trong xóm là những cô gái gần xa đi phụ. Tôi học nấu ăn từ những buổi đi phụ đám đó. Học làm“bánh trái” cũng từ các dì, các chị ở quê.

* Chị từng nói về mình: hễ buông cái này là bắt cái kia, nhưng thật ra những công việc ấy đều bổ trợ cho nhau. Vậy niềm đam mê đọc truyện kiếm hiệp có giúp ích gì cho chị không?

Tôi ham đọc từ nhỏ. Hồi ở quê, có cuốn gì đọc cuốn đó. Đọc kiếm hiệp cũng mê mẩn. Trong đó, thiện – ác rõ ràng, để ý kỹ một chút sẽ có những triết lý sống rất đáng học hỏi. Tôi lại có tánh bông đùa, nên nhiều khi cũng viết tưng tửng cho con gái kiểu như truyền bí quyết võ lâm, như: “Cửu âm chân kinh cho gái đẹp”. Và xin bật mí một chút, cả tôi và con gái đều giỏi võ. Vương Anh đã từng quật một tên đàn ông xuống sàn, khóa tay, cho bạn gọi cảnh sát ở bên Mỹ. Cô ấy còn biết lái mô tô, cưỡi ngựa, bơi lặn… Những kỹ năng sinh tồn đó được học từ rất nhiều năm trước.

* Ngoài những dự án viết sách, quay clip ẩm thực, chị còn ấp ủ những việc ý nghĩa nào?

Mong muốn lớn nhất của tôi là mở một bếp ăn từ thiện gần bệnh viện Ung Bướu TP.HCM, trợ giúp cho bà con bệnh nhân nghèo mỗi ngày. Tôi tin tôi sẽ làm được. Hiện nay, mỗi tháng tôi nấu được một, hai lần mang đến cho bà con. Mỗi lần, trao 500 phần cơm có thịt. Còn lượng sữa và mì gói thì tùy vào vận động bạn bè.

* Khối lượng công việc trong ngày của chị quá đồ sộ, vậy mà chị bảo chỉ làm việc ở các công ty, nhà hàng đến 5 giờ chiều mỗi ngày…?

Quan trọng là bạn biết giao việc và kiếm được người giỏi để giao.

Theo Doanh nhân Plus/Doanh nhân Sài Gòn