Xuất phát với vai trò của một người trợ lý pháp luật nhưng chị Amy Nguyễn lại phát huy tối đa thế mạnh với ngành dịch vụ bán lẻ. Đến với thương hiệu trang sức Trollbeads bắt đầu từ bản năng phái nữ và qua một cái duyên tình cờ chưa hề tìm hiểu về thể loại trang sức xỏ hạt, chính chị là nhân tố quan trọng đã góp phần đưa thương hiệu này có mặt và ghi dấu ấn tại Việt Nam. Xuyên suốt buổi trò chuyện, chị Amy Nguyễn đã rất hào hứng chia sẻ cùng chúng tôi về niềm tự hào cũng như những kế hoạch phát triển thương hiệu mà chị đang ấp ủ.

Nỗ lực tạo dấu ấn

Chào chị! Được biết chị từng kinh qua nhiều vị trí khác nhau ở nhiều thương hiệu bán lẻ trong suốt 8 năm qua, khi đến với Trollbeads chị nhận thấy thị trường trang sức xỏ hạt có điều gì mang đặc điểm chung của ngành bán lẻ và điều gì là khác biệt?

Một đặc điểm chung rõ nét nhất chính là sự “yêu thích trải nghiệm” của người tiêu dùng. Khi họ chọn lựa một sản phẩm nào đó, chưa chắc là do họ thật sự “cần” đến nó, nhưng họ đang muốn khám phá và trải nghiệm chính những mẫu mã đẹp của sản phẩm, thương hiệu nổi tiếng hay dịch vụ khách hàng tốt.

Thông thường, đối tượng của ngành bán lẻ rất rộng và họ rất ít được kết nối và biết đến nhau. Nếu bạn mua mỹ phẩm hay quần áo, bạn chỉ cần mua theo nhu cầu và không hề quan tâm đến những vị khách khác. Nhưng đối với dòng trang sức xỏ hạt, khi bạn là khách hàng và sở hữu loại trang sức này, bạn không chỉ sở hữu món trang sức yêu thích, mà còn có thể dần dần hình thành nên rất nhiều mối quan hệ dựa trên sở thích chung, để rồi những mối quan hệ này sẽ tạo nên một cộng đồng kết nối với nhau. Đây là điều nổi trội cũng như khác biệt mà thị trường trang sức chuỗi hạt đang tạo ra.

Đặc biệt, đối với mặt hàng này, yếu tố trùng lặp hay thường gọi là “đụng hàng” sẽ không mang tính đại trà. Mỗi người sẽ tự chọn những mẫu hạt trang sức có thể nói lên ít nhiều câu chuyện của chính họ. Vì vậy, vượt qua giá trị vật chất của một món trang sức, đây giống như một vòng nhật ký nơi bạn gửi gắm những ý niệm khác nhau trong hành trình của cuộc đời. Chưa kể, các sản phẩm của Trollbeads đều được làm thủ công, nên sau khi được người mua chọn lựa và thiết kế xâu chuỗi theo ý thích, mỗi thành phẩm đều mang hình dáng và màu sắc vô cùng riêng biệt, không hòa trộn với bất kỳ ai.


Hơn 3 năm gắn bó, dấu ấn của chị trong thời gian làm việc tại Trollbeads Việt Nam là gì? Điều gì khiến chị tự hào đã mang đến những thay đổi khác biệt và thành quả cho thương hiệu này tại Việt Nam?

Nếu nói dấu ấn rõ nhất thì đó chính là việc góp phần phát triển hệ thống. Sau 3 năm, tôi đã cùng công ty phát triển được 10 cửa hàng tại 5 nước trong khu vực gồm Việt Nam, Hongkong, Malaysia, Singapore và Campuchia cùng với việc ra mắt thêm một nhãn hàng trang sức mới cho giới trẻ là Xjewellery. Ngoài ngoài quản lý hoạt động của 2Rek Group tại Việt Nam và Campuchia, tôi còn phụ trách đào tạo và marketing cho toàn bộ thị trường mà công ty quản lý.

Điều tự hào nhất cho đến thời điểm hiện tại là việc tôi có thể truyền cảm hứng cho đội ngũ nhân viên ngày càng thêm yêu thích công việc của mình, hài lòng với những sản phẩm do mình thiết kế. Bên cạnh đó, tôi cũng rất vui vì đã có thể góp phần gắn kết những người đam mê dòng trang sức này lại với nhau để tạo nên cộng đồng sử dụng trang sức xỏ hạt tại Việt Nam ngày một lớn mạnh.

Quan niệm “Ăn chắc mặc bền” khiến người tiêu dùng Việt đã quen và cảm thấy an toàn hơn với việc đầu tư vào các loại trang sức kim hoàn cao cấp. Chị đã gặp những trở ngại nào trong chuyện xây dựng một định nghĩa mới trong ngành trang sức tại đây?

Tôi luôn hiểu rằng người Việt thường chỉ thích đeo những loại trang sức kim hoàn vì ngoài trang trí, nó còn là tài sản. Tuy nhiên, khi tiếp nhận và tìm hiểu về ngành hàng trang sức xỏ hạt, tôi nhận ra những vòng chuỗi này cũng có giá trị rất đặc biệt. Về mặt vật chất, chúng vẫn có những giá trị nhất định tùy thuộc độ quý hiếm của chất liệu. Tuy nhiên, không chỉ đơn thuần là phụ kiện thời trang, những ai tìm đến với trang sức xỏ hạt còn muốn theo đuổi những giá trị về tinh thần lâu dài, thể hiện những điều có ý nghĩa với bản thân một cách nghệ thuật và sáng tạo. Điều này đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong một xã hội hiện đại và phát triển. Cũng như những món đồ hàng hiệu, việc đeo trang sức kiểu “độc nhất” như trang sức xỏ hạt sẽ có thể giúp họ thể hiện được cá tính, đẳng cấp và thần thái rất riêng của mình.

Tuy nhiên, trên con đường đi này không hẳn chỉ có những trở ngại. Những năm gần đây, chúng tôi ngày có nhiều khách hàng mới hoặc những khách hàng chưa bao giờ sử dụng sản phẩm tương tự. Chính những khởi sắc này đã gợi lên tiềm năng trong tương lai cho ngành.

Trên thị trường trang sức xỏ hạt hiện nay có khá nhiều thương hiệu của nước ngoài và cả Việt Nam đang hoạt động. Vậy theo chị, lý do nào khiến người tiêu dùng tìm đến Trollbeads?

Tuy có nhiều dòng sản phẩm tương tự, nhưng Trollbeads chính là thương hiệu lâu đời nhất, được ví như “cái nôi” sáng tạo ra những hạt xỏ và ý tưởng xỏ hạt trang sức đầu tiên trên thế giới. Nghiêng về nghệ thuật hơn là thương mại, khách hàng đến với Trollbeads sẽ có hai nguyên do, thứ nhất là tìm kiếm một điều gì đó mới mẻ và không phổ biến để trở nên độc nhất. Thứ hai, xuất phát từ quan niệm xa xưa của người Việt Nam nói riêng và người châu Á nói chung, mọi người luôn dành sự yêu thích đặc biệt cho các sản phẩm từ đá tự nhiên được mài giũa thủ công nhằm giữ được sắc thái nguyên bản mà vẫn mang trong mình một dáng vẻ riêng biệt. Sở thích sưu tầm những viên đá quý luôn mang đến niềm hứng khởi vô tận. Điều mà chúng tôi mang lại cho khách hàng, không phải là 10 viên đá giống y như một, mà là cho dù bạn có sở hữu 50 viên đá cùng dòng, mỗi viên đều có hình dáng và sắc thái riêng. Đến với Trollbeads, bạn sẽ hiểu không còn là cảm giác bình thường khi sở hữu một viên đá, mà là cảm giác đọc được câu chuyện từ mỗi viên đá khác nhau mà chỉ người sở hữu mới nhìn thấy.

Quản lý không phải là “chỉ tay 5 ngón”

Là một nữ quản lý trẻ, có điều gì là khó khăn với chị khi quản lý nhân viên dưới quyền không? Làm thế nào để nhân viên tin tưởng vào định hướng và những chiến lược của chị?

Tương tự khách hàng, với vị trí là người quản lý, tôi cũng đang cung cấp dịch vụ cho những nhân viên của mình và xem họ như những “khách hàng tiềm năng”. Nếu những khách hàng bên ngoài luôn cho mình biết họ muốn gì thì nhân viên lại thường ngại chia sẻ và nói lên mong muốn thực sự của họ. Vì vậy tôi luôn cố gắng cung cấp “dịch vụ” một cách tốt và hoàn hảo với từng người nhất để họ cảm thấy hài lòng và được trân trọng như chính những vị khách.

Tất cả chiến lược mà tôi đưa ra đều sẽ được lập kế hoạch và trao đổi cụ thể, kể cả với những nhân viên bán hàng trực tiếp. Từ mục tiêu nhỏ đến mục tiêu lớn hơn, tôi luôn làm hết mức trong khả năng của mình để hỗ trợ nhân viên với những chỉ dẫn cụ thể nhất, tạo động lực thôi thúc họ chinh phục và đạt kết quả tốt nhất. Một khi thấy được sự phát triển của công ty cũng như nhận được mức thu nhập xứng đáng, chính bản thân các nhân viên sẽ tin tưởng vào sự dẫn dắt của tôi và muốn gắn bó.

Vậy trong nhiều năm làm việc trong ngành bán lẻ, đâu là tác phong làm việc chị đúc kết được mang tính đặc thù của ngành này?

Có hai yếu tố tôi thường lấy để làm tiêu chí trong công việc cũng như nhắc nhở bản thân thường xuyên đó là “hướng dẫn” và “theo dõi”. Hướng dẫn cho nhân viên thực hiện công việc và theo dõi tiến độ cũng như những khó khăn mà nhân viên có thể gặp phải để hỗ trợ kịp thời cho đến khi hoàn thành dự án.

Qua nhiều năm làm việc, tôi rút ra được một bài học đó là đối với bất kỳ ai kể cả bản thân mình, tôi nên cho họ thời gian để nắm bắt và xử lý. Thỉnh thoảng khi một sự cố xảy ra, tôi chỉ luôn hỏi nhân viên phương án dự phòng là gì, tôi thường không trách móc hay nhắc lại lỗi sai đó của nhân viên, mà chỉ tập trung vào thời gian khắc phục sai sót và thành quả cuối cùng mà họ có thể cung cấp cho tôi. Tôi luôn để một câu hỏi mở cho nhân viên và không bao giờ ràng buộc họ phải thực hiện theo khuôn khổ hay cứng nhắc.


Phong cách làm sếp của chị theo đuổi hình mẫu nào? Thân thiện, dễ chịu hay nghiêm khắc, cách biệt?

Phong cách của tôi không quá rạch ròi cấp bậc, trong nhiều hoạt động tôi đều hỗ trợ và làm chung với nhân viên, chứ không phải là người “chỉ tay năm ngón”. Tôi quan niệm, chỉ khi trực tiếp làm cùng nhân viên, tôi mới hiểu được khó khăn của họ ở đâu và họ đang cần gì. Dĩ nhiên sẽ có những nguyên tắc trong công việc và nhân viên không được phép vượt qua, nhưng ngoài những điều đó ra thì họ có thể thoải mái sáng tạo, tôi rất cởi mở trong việc lắng nghe những ý kiến và đóng góp của nhân viên trong từng mục tiêu công việc.

Sếp cấp trên của tôi hiện nay cũng là người hướng dẫn tôi rất nhiều trên con đường quản lý. Vốn quan tâm đến đời sống tinh thần của nhân viên, anh ấy đã tạo cho tôi một đức tính đó là không bao giờ được có định kiến đối với nhân viên dù họ làm tốt hay không. Kể cả khi nhân viên mắc phải lỗi lầm thì cũng hãy luôn nhìn họ với con mắt vị tha, đừng quá chú trọng tìm kiếm những nhân sự giỏi ngay từ đầu mà hãy tạo điều kiện cho những người mới trở nên giỏi hơn.

Luôn chọn “niềm vui” trong công việc

Điều mang đến hạnh phúc cho chị mỗi ngày là gì? Làm thế nào để chị có thể tìm kiếm thành công khi vẫn giữ cho mình đủ hạnh phúc?

Điều mang đến hạnh phúc cho tôi mỗi ngày chính là được tự do làm việc trong ngành nghề mình yêu thích. Ở đây tôi được thỏa sức sáng tạo và quyết định định hướng phát triển cho doanh nghiệp với sự tin tưởng 100% từ các cổ đông. Bên cạnh đó, tôi còn có gia đình cũng là những thành viên quan trọng đã hỗ trợ tôi hết mình để hoàn thành tốt vai trò trong công việc cũng như cuộc sống.

Khi lựa chọn làm việc, tôi không đặt mục tiêu là phải thành công, tôi chỉ hy vọng mình sẽ tìm được niềm vui trong công việc. Tôi mong rằng phái nữ hãy luôn tìm kiếm thứ mình thích và theo đuổi nó. Khi thật sự yêu thích công việc, dẫu có khó khăn bạn sẽ dễ dàng vượt qua, ngược lại rất dễ bỏ cuộc dù là những trở ngại nhỏ nhất. Làm gì cũng vậy, mình nên yêu quý và nhận thấy giá trị của công việc mình đang làm, dù là khó khăn hay thuận lợi, thì bạn cũng có thể lạc quan tiến lên phía trước.


Dường như chị có một tinh thần rất lạc quan đúng không? Bí quyết của chị là gì?

Đúng vậy (cười). Tôi nghĩ mình là người lạc quan và thường duy trì nó bằng cách ghi nhớ những câu chuyện hay, những sự việc tích cực rồi chia sẻ những điều đó với mọi người xung quanh để không chỉ cho bản thân luôn hướng tới những điều tốt đẹp mà còn tạo được một môi trường nhiều năng lượng tích cực quanh mình. Với những điều bất như ý, tôi luôn để cho nó trôi qua nhanh nhất có thể bằng cách chỉ tập trung vào những gì mình muốn nhớ tới mà thôi.

Chị đã từng chia sẻ khi tham dự một buổi tiệc của tạp chí Nữ Doanh Nhân rằng ngay cả trong những dịp lễ Tết, chị cũng thường không được nghỉ ngơi vì tính chất công việc. Vậy đâu là cách chị thư giãn để lấy lại năng lượng?

Cách mà tôi vẫn thường áp dụng để giảm căng thẳng đó là ngồi phối và xỏ hạt những bộ trang sức đá quý. Màu đá thì muôn hình vạn trạng còn tôi thì rất thích chơi với màu sắc, vì vậy khi có thời gian tôi vẫn thường tự ngồi thiết kế và xâu chuỗi những hạt đá hay thủy tinh cho mình một mẫu trang sức rồi chụp ảnh chia sẻ với bạn bè hay cộng đồng những người cùng mê giống tôi. Việc mọi người được truyền cảm hứng và yêu thích những chuỗi vòng tôi thiết kế là điều đem đến cho tôi nguồn năng lượng vô tận trong công việc.

Cám ơn chị!

Theo nudoanhnhan