Từ xa xưa, người ta vẫn truyền tai nhau rằng, ai đến Bạc Liêu kiếm sống cũng có nhiều cơ hội làm ăn và phát đạt, thậm chí “đất cào lên muối làm giàu như chơi”. Ấy là câu nói vui về nghề làm muối truyền thống của vùng đất này. Nhưng cái biệt danh “xứ cơ cầu” cũng bắt nguồn từ đó.

Nếu đã từng nghe qua “danh tiếng” hay trót mê đắm đặc sản cá chốt, thì khi đến khu vực miệt vườn Cửu Long, du khách có thể thưởng thức món ăn này ở bất cứ nơi đâu. Nhưng những người cầu kỳ, sành ăn thì cho rằng, chỉ có ở Bạc Liêu thì cá chốt mới thơm ngon và chế biến đạt hương vị “chuẩn” nhất.

Cá chốt thường sống theo đàn ở vùng nước lợ và nước ngọt. (Ảnh: thuysanvietnam)

Cá chốt còn được gọi là cá gai hay cá ngạnh, thuộc họ cá da trơn, thịt có màu vàng óng hoặc trắng. Chúng chỉ sống ở những khe đá tại khu vực nước chảy xiết, mực nước sâu từ 7 đến 7,5m. Do đặc tính thích bơi ngược dòng nên thịt cá chốt vừa chắc, vừa dai lại thơm. Đặc biệt phần da rất dai, vị béo ngậy.

Mới nhìn thấy cá chốt lần đầu, nhiều người có thể nhầm lẫn với loài cá chình sống ở các sông suối dọc miền Trung hoặc loài cá tra, cá basa của Tây Nguyên. Những loài cá kể trên đều có hình dáng khá giống nhau: đầu bẹt, râu loe hoe, da trơn và phần bụng có mỡ vàng ươm. Tuy nhiên, cá chốt là loài nhỏ bé nhất, tối đa cũng chỉ nặng 1kg.

Đã từng có thời điểm, cá chốt nhiều và rẻ đến nỗi người dân Bạc Liêu phải đặt ra câu so sánh: “rẻ như cá chốt”. Có không ít người cho rằng, cá chốt là loại ăn tạp, lại sống dưới sông nên thịt rất bẩn, không dám ăn. Lúc đó, cá chốt là món ăn chỉ dành cho các gia đình nông dân thiếu thốn, bần cùng. Còn ngày nay, cá chốt lại trở thành đặc sản, được đặt cùng các món ăn đắt tiền trong mọi nhà hàng sang trọng ở miền Tây.

Cá chốt còn được gọi với tên khác là cá ngạnh hay cá gai. (Ảnh: Internet)

Vào mùa mưa, cá chốt từ những con sông lớn tràn lên đồng đẻ trứng. Khoảng tháng 10 Âm lịch, khi nước dâng cao, ngập lênh láng khắp đồng, cá chốt con nổi đầu, hớp bọt trắng xóa. Đến thời điểm nước rút, cá lại ẩn mình xuống kênh rạch. Lúc này, người dân cầm miệng chài lội dọc theo mé sông để bắt cá chốt. Ngoài ra, đặt lọp, cắm câu, giăng lưới cũng là những cách thức khá được ưa chuộng.

Sau khi mang cá chốt về nhà, các bà, các mẹ làm sạch nhớt cá bằng cách rắc vào một ít tro, tiếp theo mới tiến hành chặt ngạnh, mổ bụng và rửa cá cho thật sạch. Món ăn đơn giản và nhanh chóng nhất, có lẽ là món cá chốt nướng.

Bếp than dùng nướng cá phải thật đỏ nhưng không được quá đượm để khỏi cháy da cá. Thịt cá chín từ từ mới cho hương vị ngon nhất. Ăn kèm với cá chốt nướng là các loại rau sống, rau gia vị, bánh tráng và muối. Khi thưởng thức, vị cay ngọt, thơm của muối cộng với thịt cá nướng béo ngậy bên cạnh ly rượu nồng khiến nhiều người nghĩ mình đang được thưởng thức cao lương mỹ vị nào đó.

Cá chốt kho tiêu, cá chốt kho sả,.... là món ăn khá được ưa chuộng ở Bạc Liêu. (Ảnh: Internet)

Nếu là người con của miệt vườn Cửu Long, chắc hẳn sẽ khó lòng quên được món cá chốt kho sả. Ngay khi vừa chín, mùi cá quyện với mùi sả sẽ kích thích vị giác, khiến người ta chỉ muốn được ngồi vào mâm cơm ngay lập tức . Bữa cơm dọn ra, chỉ có đĩa cá kho mà có thể “đánh bay” 3 – 4 bát.

Đến mùa so đũa nở rộ, người miền Tây còn dùng cơm mẻ làm chất chua để nấu canh cá chốt và bông so đũa. Hương vị của hai nguyên liệu này hòa quyện một cách kỳ lạ, nó nhuần nhuyễn đến mức khiến cả những thực khách khó tính cũng phải thầm khâm phục sự khéo léo, tài hoa của người dân chân chất, mộc mạc.

Cá chốt ăn không hết có thể phơi khô để dự trữ trong nhà hoặc làm quà biếu cho khách phương xa. Mặc khác, dân quê còn đem cá chốt làm mắm, tạo nên nét đặc sắc của ẩm thực vùng miền. Mắm cá chốt ngon nhất là được xé trộn với tỏi ớt ăn kèm cơm nguội.

Mắm cá chốt là đặc sản đậm nét vùng miền. (Ảnh: Internet)

Bên cạnh đĩa rau đồng, trái chuối chát xắt lát kẹp với mắm cá chốt thơm ngon, vừa ăn vừa cắn trái ớt hiểm xanh cay xé lưỡi thì còn thú vị nào bằng. Món ăn tuy dân dã, mộc mạc nhưng dư vị để lại của nó thật đậm đà, khó cưỡng, ăn một lần rồi sẽ nhớ mãi không thôi.

Theo Dân trí