Tháng 5/2018, bà Trương Tú Phương là một trong 10 nữ doanh nhân của Việt Nam được
vinh danh tại Lễ trao tặng danh hiệu “Doanh nhân nữ ASEAN tiêu biểu” của Mạng lưới
Doanh nhân nữ khối ASEAN (AWEN) diễn ra tại Thái Lan

Chuỗi Những chuyến đi dài không mệt mỏi

Khi nói về các khu công nghiệp của tỉnh Hải Dương, nhiều nhà quản lý, nhà đầu tưđều nhắc tới Khu công nghiệp Đại An. Không những thành công trong việc tạo ra một môi trường đầu tư tương đối hoàn chỉnh, có khả năng thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong lĩnh vực công nghệ cao, hiện đại, ít nhân công, không gây ô nhiễm, mà khu công nghiệp này còn hoàn thành được vai trò xây dựng và cải thiện môi trường địa phương từ văn hóa nông nghiệp sang văn hóa công nghiệp. “Tôi rất tự hào về điều đó”, bà Phương chia sẻ.

Bất kỳ doanh nghiệp, doanh nhân đã thành công hay đang thành công đều phải trải qua sự khởi đầu non trẻ với bao khó khăn. Đang sinh sống và làm việc ổn định tại TP.HCM, năm 2001, bà cùng với 2 người bạn quyết định ra Hà Nội thành lập Công ty cổ phần Đại An. Quãng thời gian sau đó là chuỗi những chuyến đi dài không biết mệt mỏi. Đi để khảo sát mô hình khu công nghiệp, đi để chọn điểm đầu tư, đi để tìm đường đi riêng cho công ty... “Đó còn là quá trình thuyết phục và giúp đỡ người dân vùng dự án ổn định cuộc sống để nhường đất cho Khu công nghiệp”, bà Phương trải lòng khi nói về “đứa con” của mình.

Năm 2002, sau 5 tháng khảo sát tại 6 tỉnh phía Bắc, bà Phương cùng các cộng sự quyết định đầu tư một khu công nghiệp có quy mô lớn, có tính chiến lược. Bà đã chọn Hải Dương vì địa thế thuận lợi, trọng điểm, nằm giữa Hà Nội và Cảng biển quốc tế Hải Phòng với khoảng cách 51 km. Tháng 3/2003, Khu công nghiệp Đại An chính thức được thành lập. Không thể kể hết những vất vả mà cả tập thể đã trải qua để đưa một doanh nghiệp vỏn vẹn vốn đăng ký ban đầu là 3,5 tỷ đồng trở thành nhà đầu tư Khu công nghiệp Đại An có quy mô hơn 640 ha, tổng vốn đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng như bây giờ. 

Hiện tại, trên cả nước, Khu công nghiệp Đại An là một trong 3 khu công nghiệp có lãnh đạo là nữ. Có lẽ vì vậy mà khu công nghiệp này có những điểm khác biệt. Đại An phát triển theo mô hình hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp gắn liền với hạ tầng xã hội, hay là phát triển khu công nghiệp gắn liền với khu dân cư và các dịch vụ phục vụ công nhân và chuyên gia làm việc trong Khu công nghiệp. Đó chính là mô hình “Làng trong khu công nghiệp - khu công nghiệp trong làng”, hay như cách gọi dân dã của bà Phương là khu công nghiệp không bao giờ đóng cổng. 

Với quan điểm trên, bà Phương đã tạo cơ hội việc làm cho hàng vạn người dân địa phương và vùng lân cận. Họ đã gắn bó với các nhà máy trong Khu công nghiệp Đại An, sinh cơ, lập nghiệp, tạo dựng cuộc sống tốt ngay trên mảnh đất nơi họ sinh ra, lớn lên. 

Hiện tại, tỷ lệ lấp đầy giai đoạn I của Khu công nghiệp Đại An đạt 95%, giai đoạn II đạt 74%. Khu công nghiệp đã tiếp nhận 87 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký 1,5 tỷ USD và 2.500 tỷ đồng, hơn 43.000 người lao động và 400 chuyên gia nước ngoài đang làm việc. “Không có sự ủng hộ của người dân địa phương, Khu công nghiệp Đại An không thể có được hiệu quả hoạt động trọn vẹn như hiện tại”, bà Phương nhấn mạnh.

Các doanh nghiệp FDI có nhà máy tại Khu công nghiệp Đại An đều là các doanh nghiệp uy tín như Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản), Tập đoàn Hyundai (Hàn Quốc), Tập đoàn Tiffany&Co (Mỹ). “Hơn 15 năm hoạt động, chúng tôi tự hào vì đã gây dựng được thương hiệu Đại An theo đúng chuẩn khu công nghiệp, là cầu nối gọi vốn FDI hiệu quả, là công cụ chuyển hóa nông nghiệp địa phương thành nền công nghiệp mang tính quốc tế”, bà Phương tâm đắc.

Bí quyết để thành công 

“Nếu luôn nghĩ mình làm được, thì không thể thất bại dù chỉ 1%. Song tôi vẫn luôn bám lấy mục tiêu đề ra để thực hiện được hoàn hảo và trọn vẹn. Đây chính là thái độ thử thách tích cực với công việc”, bà Phương nói về phương châm hành động của mình. 

Sinh ra trong thời kỳ đất nước còn chiến tranh, kinh tế nghèo nàn và lạc hậu, có lẽ chính môi trường khắc nghiệt này đã cho bà Phương “số mệnh không thể không nỗ lực” và cũng là lý do mà bà “ngủ thì ít mà làm thì nhiều”. “Tôi thấy hạnh phúc vì được sinh ra trong giai đoạn này. Đây chính là động lực khiến tôi phải làm việc chăm chỉ và trân trọng thành quả đạt được. Nắm bắt công việc chính là chủ động được thời gian, nếu chúng ta tập trung cao độ để giải quyết vấn đề trong 2 tiếng, thay vì phải mất 5 tiếng mới hoàn thành, thì chúng ta có cơ hội đuổi kịp các nước tiên tiến trên thế giới”, bà Phương chia sẻ.

Bà Phương đã ứng dụng các triết lý trên làm nền tảng xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Bà cho rằng, xã hội hay tổ chức phải được đặt ở vị trí ưu tiên và cá nhân phải hy sinh là điều không tránh khỏi. Dù vận dụng triết lý Ngũ thường của Khổng Tử (Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Dũng), nhưng bà lại đề cao quyền lợi của mỗi cá nhân. Nhân viên gắn bó với công ty vì họ cảm thấy công ty đáp ứng được mong muốn của mình.

Những ngày đầu của Khu công nghiệp Đại An, bên cạnh những ý kiến đồng tình, ủng hộ dự án, cũng có những đối tượng chống đối, gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Nhưng bà Phương vẫn có niềm tin mãnh liệt vào thành công của dự án, cứ làm việc chăm chỉ và để thời gian chứng minh tất cả.  

“Làm ăn kinh doanh là phải có lợi nhuận, nhưng tôi xem trọng chữ “tín” hơn tất cả. Vì vậy, toàn bộ cán bộ, nhân viên Công ty phải có ý thức và trách nhiệm phục vụ các doanh nghiệp của Khu công nghiệp Đại An. Nghĩa là cần đặt quyền lợi của nhà đầu tư lên trên hết, như thế mới bảo tồn được quyền lợi của Công ty và trường tồn được thương hiệu”, bà Phương nói.

Mục tiêu của bà Phương là phát triển Đại An thành khu công nghiệp kiểu mẫu và toàn diện về mọi mặt liên quan đến công nghiệp, dịch vụ, đời sống an sinh và xã hội. Vì vậy, bà quyết tâm thực hiện đầy đủ các loại hình công nghiệp và dịch vụ để phục vụ các doanh nghiệp, từ doanh nghiệp lớn đến doanh nghiệp nhỏ và vừa, từ doanh nghiệp FDI đến doanh nghiệp nội. “Tôi tin chính điều này đã xây dựng nên thương hiệu cho Khu công nghiệp Đại An”, bà Phương khẳng định.

Những điều tâm đắc của doanh nhân Trương Tú Phương
Tôi luôn đặt ra mục tiêu cao hơn bình thường và cố gắng hết sức thực hiện điều đó. Tất cả những ý tưởng, mục tiêu, kế hoạch đều phải luôn luôn đi trước sự chờ đợi của người khác từ 1 đến 2 bước và tôi phải đạt được các mục tiêu đó vô điều kiện.
Để đạt được thành tựu thì đương nhiên đôi khi phải chấp nhận hy sinh cái tôi cá nhân. Tôi thuận theo thuyết “cân bằng”, được và mất chỉ là thái độ và cách thức chúng ta chấp nhận và đối mặt. 
Khi mất đi một khối tài sản, một mối quan hệ, một công việc…, thì điều đó chưa chắc đã là mất, mà đó còn là được. Được những bài học, được kinh nghiệm và được nhất là biết nhìn lại mình một cách kỹ càng, để rồi lại đứng dậy, hướng tới tương lai tốt đẹp. Thế nên, “mất” và “được” cũng chỉ là cách nhìn của mỗi cá nhân.
Trải qua thực tế, điều tôi thấy tâm đắc nhất là “Không bao giờ là thất bại, tất cả chỉ là thử thách”. Đó là triết lý sống mà tôi đang theo đuổi. Tôi không bị ràng buộc bởi các học thuyết, nhưng tôi được nuôi dưỡng và trưởng thành trong một thời kỳ đất nước vô cùng khó khăn và đã được chứng kiến từ thời bao cấp đến cơ chế thị trường hội nhập kinh tế quốc tế, nếu không nỗ lực thì không thể sinh tồn. Khó khăn, thử thách chính là động lực khiến tôi phải làm việc thật chăm chỉ, phải kiên cường và mạnh mẽ.

Theo Báo Đầu tư