Trưởng thành trong chiếc nôi có mẹ là nhà thiết kế thời trang Thúy Nga, Anna Võ vốn được xem là “con nhà nòi” trong làng thiết kế thời trang. Cơ hội được tiếp xúc với thế giới nghệ thuật của những cây kim, sợi chỉ cùng những thước vải từ những ngày còn thơ bé dần dà nuôi dưỡng ước mơ lớn hơn cho con đường sáng tạo của cô trong tương lai. Chuẩn bị nền tảng cho sự phát triển nghề nghiệp bền vững và lâu dài, cô theo đuổi chương trình học về kinh doanh và kinh tế trong nhiều năm tại Mỹ và Anh, sau đó viết tiếp ước mơ khi quyết định theo học thạc sĩ về thiết kế thời trang và trang sức tại Milan. Đây cũng là xuất phát điểm đầu tiên của cô thiết kế trẻ trên đường phát triển sự nghiệp trong ngành thời trang với những kinh nghiệm thực tập quý giá tại nhiều thương hiệu danh tiếng thế giới cùng cơ hội gặp gỡ kết giao với nhiều nhà chuyên môn và bạn bè trong giới, đồng thời thành lập cho mình thương hiệu thời trang riêng mang tên “Anna Võ”. Quãng thời gian chứa đựng nhiều khó khăn, áp lực ở thời tuổi trẻ đương rực rỡ đó dường như càng làm cháy bỏng hơn ngọn lửa đam mê, dẫn dắt cô về Việt Nam với khát vọng được phát triển sự nghiệp riêng khởi nguồn từ chính quê nhà. 


Chào chị, hồi tưởng một chút về quãng thời gian trước đây khi mới trở về Việt Nam, khó khăn lớn nhất chị gặp phải để đưa thương hiệu thời trang của mình phát triển đến ngày hôm nay là gì?

Khoảng thời gian đầu, tôi dành thời gian để cảm nhận thị trường, và nhận thấy bản thân cực kỳ ngỡ ngàng khi không thể nắm bắt được tư tưởng, xu hướng tâm lý khách hàng và cách tư duy công việc ở quê nhà. Lúc ấy, tôi và thương hiệu còn non trẻ của mình may mắn được ra mắt sớm hơn dự kiến vào năm 2012 nhờ vào sự hậu thuẫn của mẹ. Thế nhưng, có thể nói tôi mất 1, 2 năm đầu tiên thất bại khi đứa con tinh thần của mình lại được đón nhận nhiều hơn bởi khách hàng nước ngoài thay vì Việt Nam bởi sự không tương đồng với vóc dáng và xu hướng của người Việt. Đó chính là bài học đầu tiên của tôi về việc dung hòa tính ứng dụng trong thiết kế với những ý tưởng sáng tạo bay bổng. Sau thất bại đó, tôi ngồi lại và suy ngẫm, nhận ra mình khá chủ quan khi quá tập trung vào việc thiết kế mà quên đi vai trò của một người làm kinh doanh với những bước xây dựng chiến lược phát triển thương hiệu, phân tích thị trường ngay từ điểm khởi đầu. Tôi bắt đầu hành trình tìm kiếm và tái định nghĩa hình ảnh “người phụ nữ của Anna Võ” – đối tượng khách hàng mục tiêu của mình, và đánh dấu sự tái xuất đầy tự tin tại Việt Nam Design Fashion Week năm 2014. Từ bước khẳng định tại thị trường nội địa đó, tôi tiếp tục phát triển thương hiệu ra quốc tế dựa trên mạng lưới bạn bè và đối tác đã xây dựng trong những năm ở nước ngoài, đến nay chúng tôi đã có một số cửa hàng tại Ý, Mỹ… và dự kiến mở rộng hơn trong thời gian tới.

Chị xây dựng thương hiệu với triết lý như thế nào? Trong những năm gần đây, thị trường bán lẻ thời trang của Việt Nam khá sôi động với sự đổ bộ của nhiều thương hiệu quốc tế từ fast-fashion đến high-fashion, điều này có làm chị lo ngại?

Tôi thật sự không quá lo lắng về sự cạnh tranh này vì thương hiệu Anna Võ được định vị theo hướng “nique boutique”, phục vụ cho những nhóm khách hàng riêng biệt. Những thiết kế của Anna Võ phải đem đến được sự cao cấp nhưng thanh lịch và không khoa trương, không hướng đến những vật chất xa hoa vượt ngoài tầm với của khách hàng, và trên hết là sự chú trọng đến chất lượng được đặt ở một bậc cao hơn lợi nhuận. Tôi luôn kỳ vọng từ sự tinh tế trong phom dáng, chất liệu, đường cắt may, mỗi thiết kế của Anna Võ phải tôn lên được phong thái và sự tự tin của người mặc. Vì lẽ đó, Anna Võ không phải là một thương hiệu đại chúng, mà dành cho những khách hàng thật sự thấu hiểu và đồng cảm với triết lý, phong cách thiết kế và cá tính của thương hiệu.

Chọn phục vụ những khách hàng thật sự hiểu mình, vậy khi tìm đến thương hiệu của chị liệu họ có cần điều chỉnh bản thân để có thể mặc các thiết kế của Anna Võ hay chính thương hiệu cũng có những giải pháp “dung hòa” theo người mặc?

Nhiệm vụ của một nhà thiết kế là nhận ra những ưu điểm sẵn có của khách hàng, nương theo những vẻ đẹp rất riêng ấy và tôn nó lên, tuyệt đối không thay đổi. Khi khách hàng đã chọn đến mình, tôi khuyến khích họ hãy là chính họ. Hãy dũng cảm hơn khi lựa chọn khoác lên người những trang phục khác nhau vì suy cho cùng, lụa là cũng chỉ quyết định một phần nhỏ trong việc tôn vinh vẻ đẹp. Một thiết kế trang phục ấn tượng có thể giúp người mặc đẹp hơn hay không còn phụ thuộc vào phong thái, cử chỉ tự tin và tổng thể toát lên những cá tính nhất định từ họ. Để giúp người mặc tự tin nhất với bộ trang phục, tôi còn thực hiện các điều chỉnh thiết kế trong một chừng mực nào đó theo yêu cầu của từng vị khách. Chính vì sự “hòa hợp” này mà các khách hàng của tôi giờ đây không phải là “khách hàng mục tiêu” đơn thuần, mà một cộng đồng những người có cùng quan điểm về thẩm mỹ và chia sẻ triết lý chung về thời trang với thương hiệu của tôi.


Bàn về công việc Giám đốc Sáng tạo tại PNJ hiện nay, là một nhà thiết kế thời trang có cá tính riêng mạnh mẽ và nhất quán như vậy, chị làm thế nào để hòa nhập vào môi trường mới tại công ty? Phương châm làm việc chị áp dụng khi bắt tay tiếp quản và xây dựng đội ngũ sáng tạo của PNJ là như thế nào?

Là người lãnh đạo trẻ nhất tại PNJ hiện nay, chặng đường gắn bó tại đây trong hai năm qua đã giúp tôi trưởng thành hơn rất nhiều. Tôi có cơ hội rèn luyện bản thân để có cái nhìn đa chiều hơn trong mọi vấn đề, biết điều tiết cái tôi của mình để đưa ra được những quyết định đúng đắn và phù hợp trên cơ sở cân bằng cá tính riêng bên cạnh văn hóa chung của doanh nghiệp.

Thời gian đầu khi tiếp nhận công việc này, tôi tập trung vào việc lắng nghe và quan sát đội ngũ để hiểu nhiều hơn về những ưu – nhược điểm của họ. Hiểu được những gì họ còn thiếu, thay vì thay đổi họ, việc của tôi chỉ là bổ sung thêm cho họ những gì “họ cần mà tôi có” chính từ những kinh nghiệm, kiến thức mà tôi đã tích lũy. Kim chỉ nam trong công việc của tôi xoay quanh ba vấn đề cốt lõi. Một là luôn luôn đề cao sự trao đổi, giao tiếp để cảm thông và thấu hiểu không chỉ với các nhân viên mà với những lãnh đạo khác. Hai là sự tôn trọng – đây là nền tảng phẩm chất tôi được truyền dạy từ gia đình, rằng luôn phải biết tôn trọng, khéo léo và uy tín trong mọi ứng xử. Điều thứ ba vô cùng quan trọng là bất kể lúc nào cũng phải truyền được cảm hứng và tạo động lực cho đội ngũ nhân viên hăng say và đam mê trong công việc.

Theo chị đâu là tiêu chuẩn giá trị cốt lõi để kiến tạo nên một đội ngũ sáng tạo chất lượng?

Đội ngũ của tôi đã dần đi vào quỹ đạo ổn định khi sở hữu những bạn trẻ nhanh nhẹn, chủ động học hỏi và không ngừng nỗ lực trong công việc. Ngoài những đặc tính đó, tôi cho rằng các yếu tố tạo nên đội ngũ sáng tạo chất lượng bắt nguồn từ sự chân thành trong tính cách, sự tôn trọng khi lắng nghe những người xung quanh, biết cách cân bằng cái tôi của tất cả các thành viên. Đặc biệt, đối với người làm sáng tạo, để thành công họ cần có tinh thần phóng khoáng cũng như biết cách mở lòng với thế giới xung quanh nhằm đem đến cho bản thân những góc nhìn độc đáo, khác biệt.


Khi quản lý những cái đầu chuyên sáng tạo khác biệt đó, chị có những cách thức “khác biệt” nào không?

Tôi áp dụng cách giao việc cho nhân sự dựa trên khả năng của từng người thay vì chỉ đơn thuần theo cấp bậc, giảm tính áp đặt trong công việc bằng cách cho họ tự do sáng tạo theo định hướng. Mỗi khi xảy ra vấn đề nào đó, tôi sẽ soi chiếu bản thân trước tiên với vai trò là người dẫn đầu để tìm ra phương thức giải tỏa. Và khi đối diện với đội ngũ của mình, tôi không còn là cấp trên nữa mà là một người đồng nghiệp, cùng họ tìm phương cách giải quyết vấn đề. Có thể nói, con người là nhân tố quyết định cho thành công của bất kỳ đội ngũ sáng tạo nào. Để những “vũ khí” ấy mãi sắc bén, việc trao đổi và trò chuyện trực tiếp để thấu hiểu nhau, nhanh chóng giải tỏa áp lực, căng thẳng là điều quan trọng nhất.

Là một nhà thiết kế làm quản lý, liệu tính nghệ sỹ hay sự bay bổng lãng mạn có xuất hiện phần nào trong các quyết định công việc của chị?

Nếu hỏi tôi có phải là người nghệ sỹ bay bổng trong công việc không thì câu trả lời chắc chắn là “không”. Tôi chỉ bay bổng khi chơi piano hoặc lúc sáng tạo các mẫu thiết kế mà thôi (cười). Tôi là người khá thực tế và luôn đặt bàn chân dưới đất để đi những bước vững chắc cho chính mình. Điều này có được nhờ sự thấm nhuần các bài học kinh doanh mà cha thường kể cho tôi nghe từ khi còn bé trong những bữa cơm gia đình. Biết con gái đam mê sáng tạo, cha luôn dặn tôi rằng: “Con có thể làm bất cứ việc gì, thiết kế ra những sáng tạo đột phá, nhưng cuối cùng con phải bán được sản phẩm của mình, nếu không coi như thất bại”. Sau này cộng thêm nền tảng kiến thức kinh doanh đã học, tôi tin mình luôn giữ được sự tỉnh táo và thực tế cần thiết để điều tiết các quyết định trong công việc một cách chuyên nghiệp.


Có thể thấy chị đã đạt được nhiều thành tựu ở độ tuổi còn khá trẻ, chị có lời khuyên nào dành cho các bạn trẻ nuôi khát vọng để bước đến thành công?

Không chỉ mang ý nghĩa tiêu cực, những vấp ngã sẽ phần nào giúp chúng ta trưởng thành hơn và tôi tin rằng mỗi người đều có cho mình những nguồn động lực khác nhau để có thể vực dậy tinh thần. Song song đó, vấp ngã còn đem đến cho bạn cái nhìn thực tế hơn về cuộc sống để từ đó tự thân không ngừng trau dồi để bước lên những nấc thang mới. Dĩ nhiên, chúng ta không thể cho phép mình thất bại đến lần thứ hai khi gặp cùng một bài học, mà những vấp ngã ấy sẽ giúp ta vượt qua chúng một cách dễ dàng để đến với những điều mới mẻ hơn.


Làm nghề sáng tạo có lẽ không hiếm khi chị tiếp nhận nhiều lời bình luận khen – chê, ứng xử của chị khi gặp các ý kiến trái chiều là như thế nào?

Vốn dĩ người làm sáng tạo ai cũng có cái tôi riêng của mình. Cái tôi đó thậm chí khá lớn khiến họ khó chấp nhận những ý kiến đóng góp của những người xung quanh. Tuy nhiên, cơ hội được đi nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người, làm việc trong nhiều môi trường và đặc biệt là từ cha mẹ đã dạy tôi sự khéo léo, uyển chuyển trong việc lắng nghe và tiếp thu các điều chỉnh của người khác trên cơ sở kiên định với những triết lý sống và làm việc của bản thân. Miễn là các góp ý mang tính tích cực và chân thành, tôi tin rằng đều đáng để suy ngẫm. Chỉ khi chúng ta còn có những khuyết điểm cho người khác góp ý, chúng ta mới có cơ hội hoàn thiện và phát triển bản thân lên những bậc cao hơn.

Vậy đúc kết lại quan điểm sống của chị là gì?

Hãy sống thuận theo tự nhiên. Đừng tự đưa ra những mục tiêu để ép mình theo chuẩn mực, khi đó bạn được là chính mình và được cảm nhận hạnh phúc. Và tôi nghĩ quan điểm này giờ đây đã trở nên phổ biến hơn rồi, bởi vì mỗi người cần hiểu rằng nghề nghiệp không quyết định phong cách sống. Hãy học cách nuôi cho mình một khát vọng, tập trung hoàn thành mục tiêu đặt ra và bạn sẽ nhận thấy cuộc sống của mình không ngừng biến chuyển theo hướng tích cực hơn rất nhiều.

Từ góc nhìn của một nhà thiết kế thời trang, vẻ ngoài của một người như thế nào sẽ gây được ấn tượng nơi chị?

Để ấn tượng về vẻ ngoài của một ai đó, bộ trang phục đối với tôi chỉ là một phần nhỏ. Một bộ đồ được xem như đẹp phải phù hợp với địa điểm bạn đang đến, bên cạnh đó phải có sự cộng hưởng từ phong thái, cách ứng xử, nói chuyện đi đứng của người mặc. Cha mẹ luôn dạy tôi phải luôn chỉn chu khi ra ngoài, nhưng sự chỉn chu đó không có nghĩa là lúc nào cũng trang điểm trau chuốt hay áo quần lộng lẫy. Ngoài ra, tôi đặc biệt nhấn mạnh đến quyền năng của phụ kiện, trang sức. Cùng một bộ trang phục nhưng kết hợp với những món phụ kiện khác nhau sẽ tạo ra nhiều phong cách hoàn toàn khác biệt, dù chỉ là những vật dụng nhỏ bé nhưng có thể gây ấn tượng vô cùng mạnh mẽ.

Nếu một nữ doanh nhân tìm đến chị để có những lời khuyên về phong cách trang phục, thì chị sẽ tư vấn điều gì?

Với tôi, độ tuổi là một trong những tiêu chí hàng đầu cần được ưu tiên và kế đến là nghề nghiệp khi lựa chọn trang phục. Một điểm chung là đa số các nữ doanh nhân thời nay còn trẻ, độc lập, có trải nghiệm đa dạng cùng lối tư duy cởi mở. Và với những người phụ nữ hội tụ tất cả những yếu tố trên thì vẻ ngoài đóng vai trò quan trọng thậm chí quyết định đến thành công của họ. Tính chất công việc đó sẽ đòi hỏi sự linh hoạt trong trang phục để dễ thích ứng với nhiều không gian khác biệt, vì vậy, những thiết kế đơn giản, thanh lịch, không quá nhiều chi tiết và có những điểm nhấn tập trung là đáp án chung dành cho những người phụ nữ hiện đại.

Theo nudoanhnhan