Nghề dệt thổ cẩm của làng đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia

Làng Teng (xã Ba Thành, Ba Tơ, Quảng Ngãi) đã từ lâu nay vẫn thường rộn lên tiếng khung cửi. Thổ cẩm của làng sau một thời gian dài dường như đã “ngủ quên” sau ngọn nương, con rẫy. Nhưng rồi, nghề dệt thổ cẩm của làng đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Thế nhưng, có những bàn tay tài hoa đang ngày ngày âm thầm đánh thức khung cửi truyền thống của dân tộc mình, giữ màu cho nghề dệt truyền thống của người H’rê trên mảnh đất này.

Theo già Phạm Thị Triều (63 tuổi) cho biết, thì nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người H’rê ở đây đã có từ thời xa xưa. Theo thời gian và những biến thiên của lịch sử, đặc biệt là qua thời kỳ chống Pháp đến thời chống Mỹ, nghề dệt thổ cẩm của bà con nơi đây đã bị mai một rất nhiều. UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có chính sách mở các lớp dạy nghề dệt thổ cẩm, góp phần đẩy lùi nguy cơ mai một của nghề dệt thổ cẩm, giải quyết thời gian nhàn rỗi, cải thiện được đời sống cho bà con nơi đây.

Phụ nữ ở Làng Teng hiện nay, ngoài việc làm đồng, thì hầu hết từ già đến trẻ đều biết nghề dệt thổ cẩm.

Tại làng Teng, cứ từ mờ sáng là những người phụ nữ, con gái trở dậy ngồi bên khung cửi dệt thổ cẩm. Không chỉ dệt những tấm kàtu cho phụ nữ mà bây giờ áo cho đàn ông, khăn choàng đầu, khăn quàng cổ và cả túi xách cũng được dệt bằng thổ cẩm. Đồng bào H'rê chưng diện tất cả trong ngày lễ hội và xem đó là niềm tự hào của dân tộc Hrê.

Thiếu nữ H'rê xinh đẹp trong trang phục thổ cẩm.

Chị Phạm Thị Sinh, một người H’rê nhưng rất khéo buôn bán và là người đưa những tấm thổ cẩm của bà con nơi đây đi rất xa khắp trong nam ngoài bắc chia sẻ: “Nghề dệt của làng mình giờ đang hồi sinh lại rồi. Nhiều khung dệt của bà con đã bắt đầu hoạt động lại rồi. Cuộc sống bà con bây giờ khá giả hơn trước nên bà con đòi hỏi màu sắc phải phù hợp, đường dệt phải đều phải đẹp hơn thì mới bán được. Nhiều người dưới xuôi, hay cả người nước ngoài thích những tấm thổ cẩm này lắm. Mình cũng bảo bà con làm nhiều sản phẩm hơn như khăn quàng, túi xách… để dễ bán hơn!”.

Nhiều người dưới xuôi, hay cả người nước ngoài thích những tấm thổ cẩm này.

Phụ nữ ở Làng Teng hiện nay, ngoài việc làm đồng, thì hầu hết từ già đến trẻ đều biết nghề dệt thổ cẩm. Cứ sau vụ mùa thu hoạch có thời gian nhàn rỗi thì bà con bắt tay vào việc dệt thổ cẩm để cung cấp cho các nơi. Thời xưa và cả bây giờ, với người H’rê thì con gái trong làng phải biết nghề dệt và xem đó là điều cần phải biết trước khi đi lấy chồng.

Nhiều trẻ em H'rê cũng rất thích thú với thổ cẩm của làng mình.

Để có một tấm kàtu thành phẩm, phải mất thời gian từ 2 - 3 ngày dệt liên lục. Vất vả nhiều nhưng mỗi tấm kàtu bán được từ 300.000 - 350.000 đồng. Giá thành tính ra cũng khá đắt, nhưng cuộc sống của đồng bào vùng cao Ba Tơ hôm nay khá giả hơn trước, nên bà con ai cũng muốn mình có một chiếc váy đẹp mặc trong dịp Tết cổ truyền dân dộc hay ngày lễ, ngày hội.

Ông Lữ Đình Tích, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi) cho biết: "Trong thời gian tới tỉnh Quảng Ngãi sẽ định hướng phát triển làng nghề truyền thống này gắn với phát triển du lịch, nhằm vừa bảo tồn, vừa phát huy, gìn giữ được bản sắc văn hóa của dân tộc H’rê vừa thúc đẩy phát triển kinh tế tại địa phương".

Theo thoidai