Càng yêu quê hương, càng muốn gìn gữ truyền thống
 
Để cho ra những sản phẩm truyền thống với cách làm truyền thống như nhuộm vải thổ cẩm, làm hương, làm trà thảo mộc từ cách làm cũ của đồng bào Mông, chị đã phải nghiên cứu rất kỹ và phải đấu tranh với những sản phẩm làm nhanh bằng công nghiệp từ khắp nơi đổ về. 
 
 
“Mới đây, mình được tham dự “Ngày phụ nữ khởi nghiệp” do Hội LHPN tỉnh tổ chức và đoạt giải suất sắc với ý tưởng “Nhuộm tự nhiên, chè thảo dược, hương thảo mộc”. Giải thưởng này là động lực cho mình bắt đầu khởi nghiệp để làm sống lại những giá trị đã dần mai một”, chị Lan chia sẻ. 



 
Với nghề nhuộm vải, chị Lan cho biết, nghề này bắt nguồn từ bố mẹ chị. Ban đầu bố mẹ chị chỉ nhuộm vải để phục vụ nhu cầu mặc của gia đình chứ không bán. Sau này khi du khách đến Sa Pa nhiều và yêu thích những đồ thổ cẩm làm bằng tay nên chị quyết định tự làm rồi bán cho khách. Nhưng điều chị trăn trở nhất chính là làm thổ cẩm bằng tay thường không đẹp bằng những loại sản công nghiệp có sẵn xuất xứ từ Trung Quốc hoặc từ dưới xuôi mang lên. Những người dân ở đây cũng dần dần chuyển sang mua vải thổ cẩm ở nơi khác rồi về may công nghiệp theo mẫu mã. Phải làm sao vừa đẹp, vùa bền, vừa đúng họa tiết cổ, vừa an toàn cho người sử dụng, đó là điều mà chị Lan quyết tâm làm cho bằng được. 
 
Ban đầu, chị tìm hiểu từ những thế hệ đi trước rồi tự vào rừng tìm tràm, củ ấu, nghệ lá…. rồi tìm công thức nhuộm. Nhuộm đi nhuộm lại, chị làm hỏng không biết bao nhiêu vải, nhiều lúc chị cũng thấy nản trí nhưng rồi quyết tâm phải làm gì đó “khác” lại vực chị dậy. Cho đến bây giờ, chị tin rằng mình đã thành công với việc khôi phục cách làm truyền thống, cho ra những sản phẩm đẹp, không độc hại, thân thiện với môi trường và làm hoàn toàn bằng hương liệu của rừng. 


 
Không chỉ nghề nhuộm vải, chị Lan còn làm hương theo cách truyền thống, đây cũng là một thử thách đối với chị để làm ra những cây hương thơm tự nhiên và bảo quản được lâu. Chị từng thử đi thử lại nhiều lần với các công thức khác nhau và cũng đã “đổ xuống sông xuống biển” bao nhiêu tiền bạc. Nhưng cái khó không làm chị nản lòng. Hết lần này đến lần khác chị cũng đã cho ra những cây hương thơm tự nhiên từ cây trầm hoàn toàn bằng tay không dùng máy móc, đặc biệt là hương có thể để được lâu mà không bị hỏng. 
 
“Du khách không chỉ mua sản phẩm mà còn mua giá trị và câu chuyện phía sau sản phẩm”
 
Ngoài ra, chị Lan còn làm thêm các loại trà thảo mộc tốt cho sức khỏe từ các loại cây trong rừng như quế, hồi, giảo cổ lam, đương quy… Trước khi đến với người tiêu dùng thì bà con ở đây cũng đã dùng bởi không chỉ tốt cho sức khỏe mà còn có giá thành hợp lý.



 
Chị Lan cho biết, chị không thích cách làm công nghiệp chỉ việc đi mua cái có sẵn về làm, chị muốn khôi phục lại những nghề truyền thống đã mai một, đặc biệt là nhuộm vải thổ cẩm. “Ở đây có rất nhiều cửa hàng đẹp lung linh nhưng mà khách rất ít vào, tuy mình làm như thế này rất ít hàng bày bán nhưng lại đông khách vì họ đến đây không chỉ mua sản phẩm mà còn mua giá trị và câu chuyện đằng sau mỗi sản phẩm. Là một người trẻ, nếu mình không giữ được truyền thống thì đến vài thế hệ nữa sẽ bị mai một hoàn toàn. Những thứ hợp tác xã mình làm ra không có hóa chất, không phẩm màu, mà nguồn vốn lại ít, phù hợp với tình hình kinh tế của bà con”. 
 
Nói về những người đang đồng hành với mình để giữ gìn nét văn hóa truyền thống này, chị Lan không khỏi xúc động. Chị cho biết những thành viên trong hợp tác xã của chị đều là hộ nghèo, trong đó có 5 hộ nghèo, 1 hộ cận nghèo, 2 thành viên nằm trong gia đình chính sách, chỉ duy nhất 1 người có gia cảnh bình thường.
 

Để dễ dàng tạo việc làm cho họ, chị Lan tìm đất, tìm giống về cho các hộ gieo trồng. “Không thể bắt họ góp vốn với mình vì mọi người là hộ nghèo, vì thế mình tự bỏ tiền ra mua giống, hướng dẫn gieo trồng, trả tiền công mỗi người 120 ngàn đồng/1 ngày có nuôi cơm. Đối với những sản phẩm khó hơn như đan vải lanh thì 200 ngàn/1 ngày có nuôi cơm. Mình tự tìm mối bán sản phẩm, lỗ lãi mình chịu nhưng điều mình vui nhất là họ có thu nhập đều để cuộc sống đỡ khốn khó hơn”, chị Lan chia sẻ.
 
 
Nói về quyết tâm bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống, chị Lan cho biết, trước đây chị được Hội LHPN tỉnh Lào Cai giới thiệu đi dự hội thảo và tham quan học hỏi ở 4 tỉnh miền Bắc về mô hình khởi nghiệp của tổ chức phi chính phủ. Khi được tập huấn chị đã nắm bắt kỹ năng “phải làm cái gì đó khác” thì mới trở nên đặc biệt. Chính vì vậy, chị nghĩ khi nghề bị mai một thì phải khôi phục lại thì mới cho ra những sản phẩm khác lạ nhưng lại bắt nguồn từ chính truyền thống lâu đời. Dù biết sẽ rất khó khăn nhưng chị vẫn dấn bước. 
 
“Vấn đề không phải bán được số lượng bao nhiêu mà là người mua có thực sự yêu thích và trân trọng nó hay không. Những món đồ truyền thống này chủ yếu bán cho du khách nước ngoài. Mình được biết nhiều người mua về treo trong nhà chứ không dùng, họ để làm kỷ niệm và khi có bạn bè đến chơi, họ sẽ kể cho bạn nghe về cách làm ra món đồ đó. Những hương liệu lấy từ rừng, cách pha chế, nhuộm, dệt vải kỳ công… trải qua hàng chục công đoạn mới hình thành… đó chính là giá trị của sản phẩm mà mình làm ra và “bán” cho họ”, chị Lan chia sẻ trong niềm tự hào và hạnh phúc. 
 
Chia tay chúng tôi, chị nói một lời tự đáy lòng: Không phải thứ gì bán cũng là để kiếm tiền. Trong mỗi món đồ này đều là công sức của những con người dầm mình trên rẫy, dệt từ đôi bàn tay để giá trị cổ truyền không bị mai một, không bị mất đi. Hơn nữa, mình muốn những hộ gia đình ở nơi đây sống được bằng chính nghề của tổ tiên họ ngàn năm để lại, đó mới là giá trị thực.

 

 An Khê