Các học sinh Lào tại Trường THCS Dân tộc nội trú Attapeu cột chỉ tay cho thiếu nhi TP.HCM đến giao lưu - Ảnh: VŨ THỦY

12 ngày chiến dịch, giờ thức dậy buổi sáng của các chiến sĩ tình nguyện ở tỉnh Champasak (Lào) ngày càng sớm dần đều và giờ kết thúc cũng muộn dần đều.

Dấu ấn tình nguyện 

Buổi sáng cuối tuần, cả đội xuất phát đi huyện Khong cách thành phố Pakse - nơi đội "đóng quân" - khoảng 140km và phải thức dậy lúc 4h45. Buổi đầu chiến dịch, chỉ huy đã ra "tối hậu thư": đội nào lên xe trễ thì tối mua trà sữa. Chẳng đội nào muốn giành phần lên sau cùng nên sáng thức dậy là cuống cuồng đánh răng, rửa mặt, mặc quần áo. Ở Sài Gòn có quen thức dậy lúc 7-8h, thì vào chiến dịch cũng phải nhất nhất làm theo "quân lệnh".

"Hôm qua đội đã hoàn thành công trình thư viện mini ở Trường tiểu học Hữu Nghị Việt - Lào. Hôm nay tiếp tục làm sân chơi thiếu nhi cho các em mẫu giáo" - Đỗ Nhật Thịnh (21 tuổi, sinh viên ĐH Mỹ thuật TP.HCM) cập nhật tình hình.

Có mặt ở Lào từ ngày 24-6, sau bốn ngày làm việc cật lực, đội sơn vẽ đã cải tạo một phòng học cũ của Trường Hữu Nghị thành một thư viện mini xinh xắn, ấm áp. Họ sơn sửa phòng, trang trí tường bằng hoa champa, hoa sen - hai loài quốc hoa của Lào và Việt Nam, trải thảm trong phòng, đặt kệ sách, bàn đọc và đưa đến cả một cái máy tính. 

Thịnh vẽ hai bức thư pháp để tặng lại thầy cô trong trường, trang trí hoa lá để phòng đọc thật sinh động, tươi vui. Buổi sáng bàn giao thư viện, hai anh em Sylivath và Thavyxay (lớp 5) náo nức chờ đợi ở ngoài cửa để chờ mở cửa. Hai em có cha là người Lào, mẹ là người Việt, vừa được học chương trình của Lào vừa học tiếng Việt 5 buổi/tuần.

Cô sinh viên trường Đại học Sài Gòn Đặng Hoàng Song Phương lần đầu đến Lào. Phương chia sẻ dù chỉ có hơn 10 ngày trên đất Lào nhưng cô đã vô cùng quyến luyến các bạn nhỏ ở đây. Lúc chia tay các em Phương và các em nhỏ đều rơi nước mắt vì biết rằng sẽ khó có lần thứ hai gặp lại - Ảnh: VŨ THỦY


"Ngôi trường này do Việt kiều tại Champasak đóng góp xây dựng cho con em gốc Việt và con em người Lào. 15 năm thành lập trường, đây là lần đầu tiên trường có thư viện. Đó cũng là căn phòng đẹp nhất của trường" - cô Trần Thị Kim Phượng, hiệu phó của trường, vui vẻ kể. 

Các em háo hức lần giở những cuốn truyện tranh, cổ tích đủ loại mà các anh chị trong đội đóng góp cho thư viện.

Cách Champasak khoảng 200km, 30 bạn trẻ trong đội hình y tế khám, phát thuốc cho người dân ở tỉnh Attapeu cũng mê mải trong chuyến đi đến các bản làng. Đã 22h, Nguyễn Thanh Trang (24 tuổi) - đoàn viên Đoàn Sở Y tế TP.HCM - vẫn bận bịu chuẩn bị thuốc men cho buổi khám chữa bệnh thứ ba tại huyện Sanxay. Trước đó Trang và đồng đội đã có mặt ở các huyện Samakixay và Saysetha.

"Đây là lần đầu tiên tôi đến Lào. Ở Việt Nam, nhiều nơi người dân còn khó khăn nhưng đến Lào mới thấy trẻ em ở đây còn thiếu thốn hơn. Các em không được ăn uống đầy đủ nên nhiều em bị suy dinh dưỡng, còi xương..." - bác sĩ Trần Phước Hùng, Viện Y dược học dân tộc, vừa ăn vội hộp cơm cho bữa trưa trong một góc phòng vừa tóm tắt nhanh. 

Trong 12 ngày ở Attapeu, anh và các y bác sĩ trẻ sẽ có 5 buổi khám chữa bệnh cho khoảng 2.500 người dân ở đây.

                                                                                                                                                                                                                                                  Theo Tuổi Trẻ