Thịt vịt ở đây được ướp gia vị rồi đem tiềm với nước có các vị thuốc bắc, sau đó vớt ra để ráo rồi lại chiên lên để lớp da ở ngoài có độ giòn

Nếu hỏi 1 người Sài Gòn “ở đâu bán nhiều món Hoa”, chắc chắn bạn sẽ nhận được câu trả lời “đến khu chợ Lớn (quận 5)”… Bởi khu vực này vốn là nơi tập trung đông đúc nhất của cộng đồng người Hoa.

Suốt thời gian sinh sống và lập nghiệp lâu dài, họ đã góp vào vùng đất này những tinh hoa ẩm thực với nhiều món ăn hấp dẫn như: hủ tiếu, sủi cảo, hoành thánh… đặc sắc nhất phải kể đến món mì vịt tiềm.

Tuy nhiên, với riêng bản thân tôi thì không ấn tượng lắm với các quán mì vịt tiềm tại khu phố Hoa này. Và nếu có ai hỏi tôi ăn mì vịt tiềm ở đâu ngon, tôi sẽ nói ngay một địa điểm chẳng mấy liên quan: “Hãy đến Quảng Huê Viên ở… quận Phú Nhuận”…
Quán ăn nằm lọt thỏm trong căn nhà nhỏ, hơi cũ tại số 277 Phan Đình Phùng (phường 1, quận Phú Nhuận). Đây cũng là 1 trong số ít các quán ăn người Hoa lâu đời nhất tại Sài Gòn.

Nói về nguyên nhân tại sao người gốc Hoa mà lại chọn khu vực này làm “điểm dừng chân”, bà Trần Ngọc Vân (51 tuổi) cho biết: “Cha tui kể quán mì này là do ông nội tui mở. Ông nội là người Quảng Đông, thời chiến tranh loạn lạc, ông chạy trốn sang Việt Năm rồi làm ăn, kiếm sống ở đây luôn”.
Cũng theo lời bà Vân, thuở đầu khi mới sang đây chưa có công ăn việc làm nên ông nội của bà cứ đi lang thang, xin làm thuê ở khắp nơi. Một ngày nọ, vô tình nhìn thấy khu Phú Nhuận này dân cư đông đúc, ông nảy ra ý định mở quán bán đồ ăn.

“Tui nhớ không lầm thì ông nội mở quán khoảng năm 1940, đặt tên quán là Quảng Huê Viên. Ngày xưa chỉ bán cháo thôi, rồi ông bán thêm há cảo, hoành thánh, hủ tiếu… sau cùng là món mì vịt tiềm”, bà Vân kể lại.
Vốn được học qua 1 số kỹ năng nấu nướng khi còn đi làm tại các quán ăn ở Trung Quốc nên quán của ông được nhiều khách ủng hộ.
"Quán thì nhỏ xíu mà khách ngày nào cũng tới đông đen luôn. Tui nhớ hồi đó còn nhỏ, mỗi lần đi học về là chạy vô phụ bưng bê đủ thứ. Rồi ông nội mất thì truyển lại nghề cho cha tui, cha truyền lại cho chị em tui. Giờ mấy chị em tui bán là đời thứ 3 rồi đó”, bà Vân bộc bạch.
“Lần đầu tiên tôi ăn ở đây là khoảng 30 năm trước. Thời đó quán lụp xụp lắm, có mấy cái bàn gỗ với ghế nhựa thôi. Sau này trang hoàng lại mới có bàn ghế inox. Từ hồi cha bán tới giờ con bán thì đều ngon, nhưng tôi thích ăn hương vị của ông già làm ngày trước hơn, nó có vị cay cay, giờ thì bớt cay rồi”, ông Trí, khách ruột của quán cho biết.
Được biết, để thịt vịt không bị mềm rục thì thịt sau khi làm sạch sẽ được chủ quán ướp với muối, đường, mật ong…. rồi đem tiềm với nước có các vị thuốc bắc từ 2 - 3 giờ. Sau đó vớt vịt ra cho ráo rồi lại đem chiên lên để lớp da ở ngoài có độ giòn “giúp thực khách khi ăn không bị ngán như cách tiềm thông thường”.

Mì vịt tiềm, ngoài vịt còn phải nói đến sợi mì ăn cùng, là loại mì vàng đặc trưng của người Hoa. Khi khách gọi món, chủ quán sẽ trụng 2 vắt mì với nước sôi rồi cho vào tô cùng với vài cọng cải thìa luộc, chan nước tiềm vịt nóng hổi vào, thêm nhúm hành cho dậy mùi của món ăn. Khách có thể ăn vịt cùng với mì hoặc để vịt riêng ra đĩa rồi ăn cùng với xì dầu, dấm đỏ và đu đủ chua.
Chị Thu Hoài (nhân viên văn phòng) nhận xét: "Mì ở đây cho ít hơn mấy quán khác, nhưng cái đùi vịt thì to hơn nhiều. Đặc biệt, tôi thích nhất lớp da giòn giòn ở ngoài, ăn thấy ngon hơn hẳn. Vì nếu ăn vịt quá mềm vì nó sẽ nhanh ngấy. Riêng tôi thấy thì giá 105.000 đồng/tô thì không phải quá đắt, phù hợp với chất lượng món ăn".
Khi nghe chúng tôi hỏi sau này con cái bà có tiếp tục nối nghiệp gia đình không, giọng bà Vân trầm hẳn, ánh mắt thoáng buồn: “Nghề này ngó vậy chứ cực lắm, tui làm tui biết mà. Con cái mình giờ nó hiện đại, nó cũng có ước mơ, có sở thích riêng, mình không bắt ép con cái theo nghiệp nấu nướng được. Nếu mà tui mất thì chắc quán cũng nghỉ luôn”…
                                     Theo Thanh niên.vn