Elizabeth Tan đã biến cửa hàng giày bình dân trở thành thương hiệu quốc tế

  



Ý tưởng kinh doanh đến từ những công việc làm thêm
 
Là con gái của ông chủ cửa hàng bán giày ở Singapore nhưng Elizabeth Tan (33 tuổi) không nghĩ mình sẽ nối nghiệp bố. Chính vì lẽ đó, cô quyết định học ngành lịch sử, chứ không theo học các ngành kinh tế. Dù gia đình khá giả nhưng cô có ý chí tự lập từ rất sớm. Trong thời gian đi làm thêm để trang trải chi phí học hành, cô bỗng nhiên lại có hứng thú với việc kinh doanh.
  
Năm 23 tuổi, cô trở về nhà tiếp quản cửa hàng giày dép của bố. Cô bắt đầu bằng việc thanh lý bớt sản phẩm, để tập trung nâng cao chất lượng một số sản phẩm trọng tâm và bắt tay vào việc xây dựng thương hiệu cho cửa hàng. Chỉ một năm sau, cô khai trương cửa hàng mới với thương hiệu Heatwave tại Wisma Atria.
 
6 năm sau, thương hiệu giày Heatwave của cô đã bắt đầu được nhượng quyền ở các nước như: Indonesia, Malaysia, Brunei, Vietnam, Myanmar, Cambodia, Qatar, Saudi Arabia và Philippines.

Hiện nay, cô đang khẩn trương thúc đẩy việc đưa sản phẩm của mình sang các Tiểu vương quốc Arab thống nhất và Ấn Độ. Riêng ở Singapore thì có 9 cửa hàng, trong tổng số 53 cửa hàng của Heatwave ở khắp nơi.
 
Hướng đến lợi ích cộng đồng
 
Tan cho rằng việc mở rộng kinh doanh ra thị trường quốc tế là cách để cô có thể đóng góp cho xã hội nhiều hơn. Năm 2010, trong một chuyến đi tình nguyện đến Ladakh - một ngôi làng hẻo lánh ở Ấn Độ dạy tiếng Anh, thấy mọi người thiếu thốn đủ thứ, đặc biệt là thuốc men trị bệnh. Tan đã về Singapore và tổ chức phòng khám di động đến địa phương này.
 
Bên cạnh đó, cô cũng đã làm việc với các đối tác ở các nước để cung cấp các suất ăn cho trẻ em đường phố ở Indonesia, và mở phòng khám sức khỏe di động miễn phí ở Myanmar.

Gần đây, cô còn thành lập tổ chức từ thiện “Khai mở tầm nhìn” chuyên tổ chức các buổi khám bệnh di động cho người nghèo ở vùng sâu, vùng xa. Mỗi đợt phục vụ từ 1000-1500 bệnh nhân.
 
Elizabeth Tan cho rằng: “Việc khám mắt và tặng kính cho bệnh nhân chỉ là một việc nhỏ, nhưng nó lại có lợi ích rất lớn cho bệnh nhân. Tôi không thể nào quên một cô bé 12 tuổi bị cận thị nặng và không thể đi học, nhưng mọi người xung quanh cô đều không biết được điều đó. Tất cả họ đều nghĩ rằng cô bé bị rối loạn thần kinh. Khi chúng tôi tặng em một cặp kính, mắt em lấp lánh niềm vui vì đó là lần đầu tiên em có thể nhìn thấy mọi vật một cách rõ ràng”.
 
Tan chia sẻ: “Phát triển doanh nghiệp gắn với lợi ích cộng đồng là xu hướng chung của những doanh nhân trẻ hiện nay. Công việc kinh doanh thành công là cơ hội tốt để tôi tri ân cộng đồng”.

 

 Thanh Huyền - CTV

 The Straits Times