Dù mới đi vào hoạt động chưa được bao lâu nhưng HTX Tân Thành
đã đạt doanh thu hơn 5 tỷ đồng/năm.


Nhắc đến tinh bột nghệ có lẽ không còn xa lạ gì với mỗi người dân Việt, vì nghệ có rất nhiều công dụng từ việc chế biến món ăn hằng ngày, làm đẹp, chữa bệnh, hồi phục sức khỏe… Thế nhưng, cũng tùy vào từng loại nghệ, điều kiện thổ những của từng vùng mà chất lượng và thành phần cũng khác nhau.

Loại nghệ đen, nghệ nếp đỏ của tỉnh Bắc Kạn là một loại nông sản được đánh giá là có chất lượng vượt trội hơn so với nghệ ở những vùng khác. Cũng như nhiều người dân trồng nghệ ở xã Nông Thượng (TP Bắc Kạn), chị Nguyễn Thị Hồng Minh ở thôn Tân Thành phần nào hiểu được cái cảnh “được mùa, mất giá”, do đó những năm về trước chị chỉ dám sản xuất manh mún, nhỏ lẻ và phụ thuộc rất nhiều vào thương lái, thời tiết nên cây nghệ cũng không được đầu tư và chú trọng nhiều.

                                                    Chị Minh chia sẻ về công dụng của nghệ.

Với quyết tâm làm giàu trên chính quê hương của mình và đưa cây nghệ ra với “thế giới bên ngoài”, sau nhiều năm ấp ủ, tháng 5/2017, Hợp tác xã (HTX) Tân Thành đã được thành lập do chị Nguyễn Thị Hồng Minh làm giám đốc, chuyên cũng cấp mặt hàng tinh bột nghệ.

Nói về những khó khăn khi mới thành lập HTX, chị Hồng Minh chia sẻ, khó khăn lớn nhất đầu tiên phải kể đến là vốn. Vì trước đây người dân chỉ việc trồng và thu hoạch nên chi phí đầu tư sản xuất ít, trồng bao nhiêu hưởng bấy nhiều, nhưng đến khi thành lập HTX thì ngoài chi phí đầu tư máy móc, công nghệ, nhà xưởng, vốn điều lệ cũng lên đến cả mấy tỷ đồng khiến chị vô cùng lo lắng. Trong đầu chị lúc nào cũng tự đặt câu hỏi: Làm ra bán cho ai?, bán ở đâu?, làm sao để mang lại thu nhập cho tất cả các thành viên nếu không có doanh thu?...”.

“Có lẽ không cần quảng cáo nhiều về công dụng, thành phần trong củ nghệ nếp đỏ của Bắc Kạn, bởi không có sự đánh giá nào công bằng hơn là người trực tiếp sử dụng nó và hiện nhu cầu sử dụng tinh bột nghệ cũng rất lớn nên cũng không sợ là không có đầu ra. Nhưng lúc mới đầu khi đi vận động tham gia HTX thì nhiều thành viên còn e ngại, tâm lý ai cũng sợ sản xuất ra không ai mua nhưng sau một năm thành lập thì tinh bột nghệ của HTX đã có mặt tại nhiều địa phương khác trên cả nước”, chị Minh mừng vui nói.\



Theo chia sẻ của chị Nguyễn Hồng Minh, năm 2017 HTX sản xuất được 125 tấn nghệ tươi, và thu được khoảng 5 tấn thành phẩm để sản xuất tinh bột nghệ, Curcumin nghệ… với giá bán trung bình 580 ngàn/kg tinh bột nghệ và Curcumin nghệ nếp đỏ có giá khoảng 2,4 triệu/kg. Hiện tại HTX đã xuất bán ra thị trường được 2,7 tấn và mặt hàng này của HTX Tân Thành đã có mặt tại một số địa phương như: Quảng Ninh, Thái Nguyên, Hà Nội, Đắc Lắk…

Cũng theo chị Hồng Minh, quy trình sản xuất tinh bột nghệ rất nghiêm ngặt, đòi hỏi tuân thủ đúng các quy chuẩn từ khâu rửa, sơ chế nghệ tươi, đến xay, lọc, ngâm, sấy, tách tinh chất.... 

Điều khiến chị Hồng Minh cùng nhiều thành viên của HTX mừng vui nhất là dù mới đi vào hoạt động nhưng HTX cũng đã có doanh thu, tạo công ăn việc làm ổn định cho nhiều lao động và đặc biệt, sản phẩm của HTX đã được tỉnh Bắc Kạn chọn là một trong những sản phẩm để đem đi quảng bá ở các hội chợ thương mại lớn, hội chợ nông sản…

 “Vừa qua, tôi cũng được tham gia lớp tập huấn khởi nghiệp do Hội LHPN tổ chức. Qua đó đã giúp ích rất nhiều trong cách xây dựng kế hoạch kinh doanh, quản lý, vận hành HTX, đồng vốn một cách hiệu quả. Do nghệ là cây trồng có tính mùa vụ nên trong thời gian tới, ngoài sản phẩm là tinh bột nghệ thì HTX sẽ đầu tư máy móc, nhà xưởng để sản xuất những mặt hàng khác như: mướp đắng sấy, măng sấy, khoai…”, chị Minh tâm sự.

Hiện HTX Tân Thành cũng đang trồng khoảng 5 hecta nghệ và trung bình 1 hecta sẽ thu được 25 - 30 tấn nghệ tươi nguyên liệu, ngoài ra HTX còn đứng ra thu mua nghệ cho bà con trong vùng để sản xuất tinh bột nghệ, Curcumin nghệ... từ nay, nghệ của bà con nông dân trong vùng trồng ra sẽ không còn phải phụ thuộc vào thương lái ép giá, không còn cảnh bỏ hư hỏng ngoài đồng vì không có đầu ra.

 Văn Lịnh