Một số mặt hàng về thực phẩm của Việt Nam rất được Singapore quan tâm khiến kim ngạch xuất khẩu của các nhóm này tăng nhẹ, như: gạo, hạt tiêu, cà phê, thủy sản

Điều này là một bước quan trọng giúp Việt Nam chuyển sang đoạn chống dịch dài hơi và phát triển kinh tế song song. Khi các biện pháp cách giãn xã hội được nới lỏng từ đầu tháng 5, các doanh nghiệp đã rục rịch khởi động lại công việc kinh doanh vốn bị trì trệ từ sau tết do dịch bệnh. 

Mặc dù ảnh hưởng của dịch bệnh, nhưng theo thống kê của Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu của 4 tháng đầu năm 2020 ước tính đạt 82,9 tỷ đoobla, tăng 4,7% so với cùng kì năm 2019. Đặc biệt, là mức xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước đạt 18,65 tỷ USD. Các thị trường có mức xuất khẩu tăng mạnh tập trung ở khu vực Châu Mỹ đạt 19 tỳ USD bao gồm các nước như Mỹ, Canada, Mexico, Brazil, Chile... 

Ngoài ra, một số các thị trường khác ở Châu Á cũng có kim ngạch xuất khẩu tăng như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore. Trong khi đó, xuất khẩu sang thị trường Châu Âu chỉ đạt khoảng 10,4 tỷ USD giảm 5,9% so với cùng kì. (nguồn Bộ Công Thương Việt Nam).

Riêng về khu vực Đông Nam Á, có sự sụt giảm rõ rệt về xuất khẩu sang các thị trường như Thái Lan (giảm 11,2%), Campuchia (giảm 3,2%) và Lào (giảm 9%). Tuy nhiên, Singapore lại là thị trường có dấu hiệu gia tăng. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, tổng kim ngạch xuất khẩu giữa Việt Nam và Singapore trong quý 1/2020 đạt hàng trăm triệu USD. Cụ thể, các mặt hàng có sự tăng trưởng mạnh bao gồm: máy móc & thiết bị; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; sắt thép các loại; xăng dầu các loại; hàng dệt, may; các sản phẩm về gỗ và gốm sứ... Đặc biệt là một số mặt hàng về thực phẩm của Việt Nam rất được Singapore quan tâm, khiến kim ngạch xuất khẩu của các nhóm này tăng nhẹ. Ví dụ như: gạo, hạt tiêu, cà phê, thủy sản.

Vicky Trương (Chủ tịch NetViet Singapore, Phó Chủ tịch thường trực NetViet International)

Chuyên gia tư vấn Vicky Trương (Chủ tịch NetViet Singapore, Phó Chủ tịch thường trực NetViet International), người có nhiều năm nghiên cứu thị trường cho biết, có thể nói Singapore là một trong những thị trường thay thế tiềm năng mà các doanh nghiệp Việt Nam nên hướng đến trong bối cảnh xuất khẩu giảm sút tại một số thị trường truyền thống. Lí do khiến xuất khẩu từ Việt Nam sang Singapore tăng là do Singapore đang tìm kiếm và đa dạng hóa nguồn cung cũng như nguyên vật liệu sản xuất. Khi dịch COVID-19 bùng phát, nguồn cung từ Trung Quốc bị gián đoạn, làm ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu. Các nước phải tìm cách đa dạng hóa nguồn cung ứng để giảm thiểu việc sản xuất bị gián đoạn. Do đó, Việt Nam được các nước như Singapore đánh giá là thị trường trọng tâm có thể cung cấp những thiếu hụt về hàng hóa như nông hải sản, xây dựng.

Ảnh minh họa

Theo chị Vicky, Singapore là thị trường mở và là nước có kim ngạch thương mại lớn, không có rào cản phi thuế quan. Hầu hết các mặt hàng nhập khẩu vào Singapore được miễn thuế ngoài trừ rượu, thuốc lá, xăng dầu và các phương tiện vận tải. Singapore còn được biết đến là thị trường trung chuyển, tạm nhập tái xuất, với hơn 3,000 công ty vận chuyển quốc tế và trong nước. Singapore cung cấp hơn 200 tuyến vận chuyển đến 600 các cảng khác nhau tại 120 quốc gia. Các doanh nghiệp Việt Nam có thề tận dụng tình hình hiện tại khi nước này đang đa dạng hóa đối tác nhập khẩu để thâm nhập thị trường và thông qua đây để đưa hàng hóa ra thị trường quốc tế. Tuy nhiên, Singapore cũng là một thị trường khó tính với yêu cầu cao, cùng các quy trình kiểm định chất lượng khắt khe.

Do đó, muốn đưa sản phẩm vào thị trường này, đặc biệt các mặt hàng đang được ưa chuộng như thực phẩm, các doanh nghiệp nên lưu ý một số vấn đề như sau:

Thị hiếu và thói quen người tiêu dùng

Là một quốc gia có môi trường làm việc năng động và cạnh tranh cao, đồng thời là trung tâm tài chính của khu vực, nên Singapore là một trong những nước có số giờ làm việc cao với 45,6 giờ/tuần. Do đó, đa số người dân Singapore ưa chuộng các sản phẩm tiện lợi và chế biến sẵn để tiết kiệm thời gian chế biến. Với thu nhập bình quân đầu người cao nhất Đông Nam Á và top 10 toàn cầu (65,000 USD/năm), người Singapore sẵn sàng chi trả đối với các mặt hàng có chất lượng cao để sử dụng. Các sản phẩm organic cũng được tiêu thụ mạnh tại đây. Do đó, chất lượng sản phẩm là mối quan tâm hàng đầu của thị trường này. Ngoài ra, dân số của Singapore đa phần là gốc Châu Á, do đó các sản phẩm cần phù hợp với ẩm thực và văn hóa của Châu Á.

Các quy định và tiêu chuẩn về thực phẩm

Doanh nghiệp cần tìm hiểu những chứng chỉ chất lượng sản phẩm mà phía Singapore yêu cầu theo các tiêu chuẩn quốc tế như OIE, Codex đối với các sản phẩm về thực phẩm. Đồng thời, thông tin về các thủ tục hải quan được ghi rất rõ trên các trang web của các cơ quan chức năng như Singapore Customs, SFA, AVA. Singapore có 15% dân số là người đạo hồi, nên ngoài chứng chỉ về thực phẩm HACCP, các sản phẩm thường được yêu cầu có chứng chỉ Halal. Bên cạnh đó, các sản phẩm đưa vào bán lẻ phải có thời hạn sử dụng dài, thông thường ít nhất 12 tháng. Sản phẩm phải có bao bì nhãn mác bắt mắt với đầy đủ thông tin thành phần nguyên liệu bằng tiếng Anh.

Cạnh tranh về giá

Giá cả là lợi thế cạnh tranh của các sản phẩm Việt. Do đó, doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ lưỡng về giá bán của các đối thủ cạnh tranh khác đang có mặt tại thị trường để có được sự cạnh tranh về giá. Nên xác định đây là thị trường lâu dài, cần có giá cả ổn định. Tránh hành vi nâng giá trong mùa dịch bệnh vì đấy chỉ mang tính tạm thời, thiếu sự bền vững về lâu dài.

Xây dựng hình ảnh chuyên nghiệp

Sau cùng, một vấn đề khá quan trong mà một số công ty Việt Nam còn hạn chế đó chính là tính chuyên nghiệp. Điều này thể hiện trong quá trình tiếp cận và thương thuyết với khách hàng quốc tế. Công ty cần có trang web chuẩn với đầy đủ thông tin của sản phẩm và phải có phần tiếng Anh nếu muốn phát triển ra thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, đội ngũ nhân viên cần có kinh nghiệm giao dịch với khách nước ngoài, am hiểu về thị trường quốc tế và khả năng giao tiếp tiếng Anh tốt - chuyên gia Vicky khẳng định.

An Khê