Cô gái sinh năm 1990 này đã có những trải nghiệm trong môi trường quốc tế
từ khi đang còn là sinh viên đại học


Năm 2011, khi đang học năm thứ 4 đại học, Tường Vy là sinh viên Việt Nam duy nhất có cơ hội tham dự “Hội nghị Thượng đỉnh về Đổi mới giáo dục quốc tế” (World Innovation Summit for Education) tại Qatar. “Chuyến đi đó tạo cơ hội để mình học hỏi những điều hay từ bạn bè quốc tế, với các nền văn hóa, tôn giáo khác nhau”, cô cho biết. Và chính vì nhận thấy bản thân còn nhiều điểm yếu so với bạn bè quốc tế, nên thời gian sau đó, cô tập trung rèn luyện tiếng Anh, đọc sách, trau dồi kỹ năng nói trước công chúng và tư duy phản biện…

Từ đó, cô cũng chứng tỏ sự “có duyên” với các sự kiện mang tính quốc tế. Đơn cử như vào năm 2013, gần như cùng lúc cô nhận tới 6 lời mời tham gia các chương trình hội thảo, hội nghị, làm tình nguyện viên quốc tế ở Thái Lan, Malaysia, Indonesia và Nhật Bản. 

Tường Vy cũng là sinh viên duy nhất tham dự hội nghị cùng với rất nhiều quan chức, lãnh đạo tôn giáo... đến từ Đông Nam Á, Trung Đông, Âu Mỹ… Điều đặc biệt nhất trong chuyến đi đó là việc Vy gặp được một cựu phóng viên ảnh của Mỹ đã từng đến Việt Nam trong chiến tranh, kể cho cô nghe những câu chuyện đầy cảm động thời chiến…

Những chuyến đi không chỉ giúp Vy mở mang tầm nhìn, tích lũy kiến thức, mở rộng các mối quan hệ, mà còn dần đình hình trong cô những ý tưởng về một hướng đi cho tương lai.

Từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Tường Vy đã cùng một số bạn bè sáng lập CLB Học thuật Lan tỏa (Spread Out Academic Club)  tập hợp nhóm bạn trẻ cùng tổ chức tự học những gì mình thích theo cách mình muốn, trong đó có hơn 40 chương trình với các vấn đề về chữ Nôm, việc giảng dạy phương pháp luận nghiên cứu khoa học ở Việt Nam, gương mặt của triết học hậu hiện đại?...


Chính CLB Học thuật Lan tỏa cùng những kiến thức thu lượm được trong những chuyến hành trình xa xôi, có khi là đầy mạo hiểm, đã tạo nguồn cảm hứng để Tường Vy quyết định “khởi nghiệp” ở lĩnh vực giáo dục với Friends English Centre (FEC) - gồm các lớp IELTS, giao tiếp quốc tế và phát triển cá nhân.

Các buổi học được tổ chức trong các không gian mở với những phương pháp đa dạng như phân tích note, status trên Facebook, đọc sách, đọc truyện để đưa ra những vấn đề thảo luận, trao đổi... Học viên không giới hạn độ tuổi, giới tính, nghề nghiệp... 

“Mục tiêu của khóa học chính là rèn khả năng suy nghĩ độc lập, thoát ra khỏi suy nghĩ lối mòn. Mô hình học thuật này trên thế giới rất phổ biến, nhưng ở Việt Nam lại khá mới mẻ”, Tường Vy chia sẻ.

Có một lý do khá “riêng tư” thôi thúc cô thành lập FEC, đó là do đứa cháu trai mà Vy rất cưng chiều. “Thấy cháu mình đánh vật với những rắc rối tuổi mới lớn từ học hành, bạn bè, gia đình... mình rất xót xa, bởi vậy, mình bắt đầu tự soạn một giáo án để dạy học riêng cho cháu mỗi Chủ nhật. Có thể nói đó là tiền thân các lớp học của FEC”, cô cho biết. 


Giữa lúc dự án đang triển khai thì cô nhận được lời mời đảm nhiệm một vị trí ở Cao ủy Liên Hiệp Quốc về Người tị nạn. Tuy nhiên, sau nhiều tháng suy nghĩ cân nhắc, cô đã từ chối lời mời mà với nhiều người khác là “rất đáng mơ ước”, để dành thời gian và tâm huyết cho dự án giáo dục của mình. 

Với Tường Vy, khởi nghiệp luôn phải gắn với sự mạo hiểm. Thời còn đi học, Vy lựa chọn chuyên ngành khó nhất trong Khoa để học, vừa học vừa làm thêm để kiếm tiền. Khi đi làm, Tường Vy vẫn miệt mài với những chuyến đi, bắt đầu với một dự án khởi nghiệp, viết sách...  Cô đã đặt chân tới 14 quốc gia, bao gồm cả những vùng xung đột và biên giới. 

“Hãy thử ra khỏi vùng an toàn, thử thách bản thân bằng cách trải nghiệm nhiều, trải nghiệm sâu; tập suy nghĩ đa chiều để tiếp nhận và tôn trọng sự khác biệt”, Tường Vy chia sẻ về con đường khởi nghiệp và tạo dựng cuộc sống của mình.

Mỹ Phương