Minh họa

Rừng chè shan tuyết trong mây mù

Một nhóm bạn phượt sau chuyến săn mây Tà Xùa đã mang về Hà Nội tặng tôi một ít chè shan tuyết, khi pha hương thơm ngào ngạt, uống vào có vị thanh, vị ngọt hậu đọng trong miệng.

Khi UBND huyện Bắc Yên trao quyết định sử dụng và phát triển Nhãn hiệu Chè Tà Xùa cho Công ty TNHH Trà và Đặc Sản Tây Bắc (Tafood) chúng tôi tìm về đây để tận hưởng hương vị nguyên bản chè shan tuyết cổ thụ ở Tà Xùa.

Cái cảm giác ấm lòng khách đường xa khi chúng tôi mới đặt chân đến Tà Xùa vào lúc nửa đêm và thưởng thức một ấm chè shan tuyết chính hiệu giữa không gian bảng lảng sương khói xứ mây mù.

Theo chân Mùa Thị Ca, cô gái Mông bản địa, chúng tôi được hướng dẫn đi mục sở thị cách hái những búp chè shan tuyết cổ thụ ở bản Bẹ. Đường lên những gốc chè cổ thụ phải vượt những con dốc, đường lởm chởm, một bên là vách núi cao, một bên là thung sâu hun hút giữa sương giăng mù mịt.

Theo khảo sát của Phòng Nông nghiệp huyện Bắc Yên, xã Tà Xùa hiện có 138 ha chè, trong đó 78 ha đang cho thu hoạch, đây là sản phẩm chè shan tuyết đặc sản, với khoảng 2.000 gốc chè cổ thụ trên 200 năm tuổi, mỗi năm thu hái được khoảng 50 tấn chè búp và sao được khoảng 10 tấn chè khô.
Một cảm giác như vỡ òa khi lần đầu tiên chúng tôi được những gốc chè shan tuyết cổ thụ, thân cây mốc thếch, địa y, dương xỉ bám đầy. Theo Mùa Thị Ca, những chén chè mà chúng tôi thưởng thức tối qua được hái từ những búp chè một tôm hai lá xanh non, mập mạp, tách mình những những cành cây sù sì, già nua.

Đứng trên thân cây chè cổ thụ, Mùa Thị Ca tay thoăn thoắt hái những búp chè cổ thụ một tôm, hai lá vừa chia sẻ với chúng tôi lược sử cả trăm năm trước, cây chè shan tuyết đã bén rễ, gắn bó với đời sống của bà con dân tộc Mông quê hương cô. Có những cây chè cổ thụ đã có tuổi đời hơn 200 trăm năm. Chè mọc xen lẫn trong rừng sâu, núi cao và xung quanh bản. Sức sống của cây chè shan tuyết ở Tà Xùa được ông Thà Văn Lỏn, Phó Phòng Nông nghiệp huyện Bắc Yên ví von: “Đợt lạnh vào cuối năm 2016, đất trời Tà Xùa như đóng băng tuyết, chỉ có cây chè shan tuyết, cây táo mèo và cây sa mu là sống sót sau đợt rét đậm rét hại lịch sử ấy”.

Nông sản sạch cho người Việt và xuất khẩu
Nếu như trước đây, cây chè shan tuyết cổ thụ được người Mông bản địa thu hái vào sao bằng hình thức thủ công mà theo Mùa Thị Ca, người có kinh nghiệm sao chè thủ công thì vào chính vụ, bà con thu hái được nhiều nhưng bảo không tốt, lại bị thương lái ép giá nên chỉ bán khoảng 200 - 400 trăm nghìn/kg chè khô. Trong khi đó, các đại lý không chính thức ở Hà Nội rao bán chè Tà Xùa với giá hơn một triệu/kg nhưng lại không truy xuất được nguồn gốc.

Nhận thức được đây là một vùng nguyên liệu quý, mang lại sinh kế lâu dài với người dân Tà Xùa, lãnh đạo địa phương đã quyết tâm xây dựng “Dự án phục tráng và phát triển vùng chè shan tuyết Tà Xùa”.

Để thực hiện thành công dự án này, lãnh đạo địa phương đã chủ động tìm kiếm doanh nghiệp đến đầu tư, hợp tác cùng phát triển với người dân. Theo ông Lê Văn Kỳ, Chủ tịch UBND huyện Bắc Yên thì: “Nhận thức được giá trị của của chè shan tuyết ở Tà Xùa, huyện Bắc Yên đã mời gọi doanh nghiệp Công ty TNHH Trà và Đặc sản Tây Bắc cùng phối hợp để phát triển thương hiệu chè shan tuyết Tà Xùa”.

Được thành lập năm 2015, với sứ mệnh phát triển thương hiệu Chè Shan Tuyết cổ thụ Việt Nam và đặc sản Tây Bắc, Công ty TNHH Trà và Đặc sản Tây Bắc (Tafood) đã bắt đầu với vùng nguyên liệu đầu tiên: Chè Tà Xùa, nơi mà bà con rất vất vả thu hái nhưng búp chè về và chế biến sao chè vất vả đến đêm. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng ở vùng cao còn quá nhiều thiếu thốn để mang chè xuống núi.

Trong chương trình Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch gắn với Hội chợ thương mại vùng cao năm 2017, sáng ngày 16/12/2017, huyện Bắc Yên đã tổ chức Lễ công bố và trao quyết định sử dụng và phát triển nhãn hiệu tập thể chè Tà Xùa cho Công ty TNHH Trà và Đặc sản Tây Bắc (Tafood), đơn vị đang bao tiêu sản phẩm cho nhân dân tại 11 bản của xã Tà Xùa.
Tafood đã không ngừng nỗ lực khắc phục mọi điều kiện khó khăn để đưa bằng được nhà máy lên Tà Xùa để bà con không còn vất vả sao chè mỗi khi đêm về. Tại Tà Xùa, công ty đã đầu tư dây truyền chế biến chè đồng bộ, khép kín, áp dụng quy trình kỹ thuật hiện đại kết hợp với kinh nghiệm thủ công lâu năm của người dân Mông bản địa. Nhờ vậy sản phẩm do Công ty sản xuất luôn giữ được hương vị tự nhiên rất đặc trưng của sản phẩm chè shan tuyết Tà Xùa, đóng gói theo tiêu chuẩn xuất khẩu, sản phẩm bảo quản được hơn 2 năm, khắc phục được nhược điểm vốn có của phương pháp sao thủ công.

Hiện Công ty hỗ trợ, hướng dẫn bà con cách thu hái đúng tiêu chuẩn, thu mua sản phẩm với giá từ 40 - 60 ngàn đồng/ 1kg búp chè tươi, cao gấp 2 lần so với giá chè trước đây

Với sứ mệnh xây dựng nhãn hiệu Chè Shan tuyết Tà Xùa ngày một lớn mạnh, ông Phạm Văn Bách, đại điện Công ty TNHH Trà và Đặc Sản Tây Bắc chia sẻ: “Trước đây, những đặc sản của Việt Nam thường chỉ dành để xuất khẩu vì mang lợi nhuận cao, nhưng tập thể lãnh đọa công ty chúng tôi không nghĩ thế bởi người dân Việt có điều kiện được thưởng thức và tận hưởng những đặc của quê hương mình”./.

Sản phẩm của Công ty có thương hiệu Shanam, gồm: trà viên, trà trúc, trà mây và các sản phẩm trà túi lọc Shanam làm từ nguyên liệu búp trà shan tuyết Tà Xùa. Việc công bố nhãn hiệu sở hữu tập thể Chè Tà Xùa và trao quyền sử dụng, phát triển nhãn hiệu cho doanh nghiệp tại địa phương là điều kiện quan trọng, nhằm phát triển và quảng bá thương hiệu chè Tà Xùa trên tại thị trường trong nước và tiến tới xuất khẩu sản phẩm ra thị trường nước ngoài.

Theo Báo ảnh Việt Nam