Lê Thị Thư cùng bộ sản phẩm làm từ tinh bột nghệ nếp đỏ

Về quê khởi nghiệp

Chia sẻ về lý do khởi nghiệp của mình, Thư cho biết, cô được tiếp xúc với "làn sóng" khởi nghiệp mạnh mẽ trong thành phố, nên cô luôn nung nấu trong lòng về một dự án cho riêng mình. Khi về quê hương, cô chứng kiến cảnh người dân trồng nghệ chịu cảnh "được mùa mất giá", giá nghệ tươi tại địa phương bị thương lái ép giá, mua 2-3 nghìn đồng/kg. Trong khi, tại TPHCM có lúc nghệ tươi bán tại các chợ lên đến 30-40 nghìn đồng/kg. Năm 2017, cô quyết định về quê khởi nghiệp.

Thư đã lấy một số mẫu củ nghệ tại M’đrắk và các huyện Ea Kar, Krông Pắc gửi đi kiểm định để so sánh chất lượng thì nhận thấy, nghệ nếp đỏ được trồng tại địa phương tuy củ nhỏ, lượng tinh bột không nhiều nhưng có màu sắc đẹp, mùi thơm dễ chịu, đặc biệt hàm lượng curcumin cao hơn hẳn so với nghệ vàng, nghệ đỏ cao sản. Thư cho biết: "Nếu như các loại nghệ khác cứ 1 tạ nghệ tươi cho 6-8 kg tinh bột thì nghệ nếp đỏ chỉ được 3 kg nên giá bán nghệ nếp đỏ cao hơn, khoảng 600 nghìn đồng/kg".

Sau một thời gian tìm hiểu cách sản xuất tinh bột nghệ đạt chất lượng tốt, đầu năm 2018, cùng với việc tiến hành thu mua nghệ từ người dân, Thư đã đầu tư 150 triệu đồng xây một khu nhà xưởng rộng 100m2, mua sắm máy sấy, máy nghiền ép liên hoàn phục vụ sản xuất, tiến tới thành lập Công ty TNHH Thương mại Epis. Ban đầu sản phẩm làm ra, Thư giới thiệu cho một số người quen dùng thử và nhận được phản hồi tốt từ khách hàng. Nhiều người sau đó tiếp tục quay lại mua sản phẩm và giới thiệu cho người thân, bạn bè.

Nhờ vậy, chỉ sau 3 tháng kinh doanh, Thư đã bán hết số hàng dự tính sẽ bán trong vòng 1 năm. Không dừng lại ở việc sản xuất tinh bột nghệ, Thư còn nghiên cứu, tìm hiểu để tạo ra các sản phẩm từ nghệ, đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng và tiếp cận được với nhiều đối tượng khách hàng hơn.

Đa dạng sản phẩm từ nghệ

Hiện nay, Thư còn xây dựng, hoàn thiện bộ sản phẩm chăm sóc sức khỏe và làm đẹp theo hướng an toàn, tự nhiên gồm: Tinh bột nghệ nếp đỏ, son nghệ, mặt nạ nghệ, xà bông nghệ. Đặc biệt, sản phẩm son dưỡng nghệ đang được nhiều khách hàng quan tâm. "Hồi đầu mình làm dòng son dưỡng này, chủ yếu là cho mình sử dụng, vì môi mình rất khô, sắc tố môi lại tối. Sau này thấy hiệu quả, các cháu gái nhà mình cũng dùng và bạn bè phản hồi tích cực nên mình mới công khai bán son dưỡng nghệ. Từ son dưỡng không màu đến nay có thêm son màu như: Đỏ tươi, đỏ cam, đỏ nâu, hồng dâu, hồng san hô", Thư cho hay.

Để nhiều người biết đến Epis, Thư đã chủ động mang sản phẩm của mình giới thiệu và đề xuất được tham dự các hoạt động trưng bày; đăng ký tham gia lễ hội cà phê, các chương trình triển lãm, hội chợ nhằm quảng bá thương hiệu. Hiện nay, thương hiệu Epis đang phát triển thị phần tại Hà Nội, TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai... Mỗi tháng, Thư xuất ra thị trường 1.500 sản phẩm các loại, sau khi trừ chi phí thu lãi khoảng 20 triệu đồng/tháng.

Cô còn mạnh dạn thử sức tại các cuộc thi khởi nghiệp để có cơ hội được giao lưu, học hỏi và nhận được những lời khuyên bổ ích từ các chuyên gia kinh tế. Thông qua buổi thuyết trình gọi vốn của các startup tại "Ngày hội khởi nghiệp tỉnh Đắk Lắk lần thứ I, năm 2019", dự án "Nâng cao giá trị củ nghệ truyền thống, thương hiệu tinh nghệ Epis" của Thư là 1 trong 3 dự án khởi nghiệp được hỗ trợ vốn trong giai đoạn 2019-2020. Sản phẩm của cô còn xuất sắc lọt vào vòng chung kết cuộc thi "Dự án khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn" do Trung ương Đoàn TNCS HCM phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp tổ chức. Cô cũng là 1 trong 20 cá nhân, tổ chức khởi nghiệp tiêu biểu được UBND tỉnh tặng Bằng khen.

Khách hàng có nhu cầu mua sản phẩm có thể liên hệ theo địa chỉ: Lê Thị Thư, điện thoại: 0973022827 hoặc mua tại địa chỉ facebook EPIS- tinh bột nghệ cao nguyên.                                       

Phạm Thương - Tuyết Mai