Bệnh nhân Trần Văn Hùng (Gò Vấp, TP.HCM) - bệnh nhân may mắn trong ca mổ thứ 5.000 của PSA và ca thứ 600.000 của Hội BTBNN - trong khoảnh khắc tấm băng mắt được mở ra - Ảnh: TỰ TRUNG

Ấy vậy nhưng ngày 8-9-2019, còn ba tháng nữa mới hết thời hạn dự định, ca mổ thứ 3.000 của năm 2019, thứ 5.000 của Project See Again (PSA) đã hoàn tất.

1. Với Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo (BTBNN), đây cũng là một dấu mốc đặc biệt: ca thứ 5.000 của PSA, đồng thời là ca mổ thứ 600.000 trong chương trình mổ mắt cho người mù nghèo của hội.

Sáng chủ nhật 8-9, các bệnh nhân lớn tuổi vẫn tập trung từ rất sớm như mọi chủ nhật khác, các bác sĩ, tình nguyện viên vẫn luôn tay luôn chân như mọi lần.

Chỉ có thêm chút chộn rộn: ngoài những phần ăn sáng, ăn trưa như thường lệ, hôm nay nhóm tình nguyện PSA chuẩn bị thêm 200 phần quà tặng để các bệnh nhân cùng chung vui với việc PSA hoàn thành kế hoạch trước thời hạn.

Penny cùng bạn bè của mình tự tin bước lên công bố: "Hôm nay, PSA đã đạt kế hoạch 3.000 của năm 2019, và như thế, từ giờ tới cuối năm sẽ mổ thêm 1.000 ca nữa. Sang tháng 1-2020, PSA sẽ công bố kế hoạch mục tiêu cho năm tới và ban lãnh đạo mới. Cùng với sự giúp đỡ tận tâm của các y bác sĩ, PSA sẽ không bao giờ kết thúc".

2. Năm nay Penny vào lớp 12, và khi niên học kết thúc, em sẽ lên đường đi học đại học xa tới nửa vòng Trái đất. Các bạn của Penny đã nắm tay cam kết sẽ tiếp tục, và Penny sẽ tiếp tục làm nhiệm vụ vận động ở tận nước Mỹ.

"Kể cả sau này, nếu em có may mắn trở thành bác sĩ mắt giỏi, em vẫn không giúp được ba em. Nhưng hôm nay em đã có thể giúp một số người khác không mất đi ánh sáng. Và vì vậy mà em cố gắng…", Penny xúc động nói.

Hướng về phía bệnh nhân, Penny nói tiếp, như một người lớn thật sự: "Chúc mừng các ông bà. Mong khi đã lấy lại được ánh sáng, cuộc sống của ông bà sẽ tiếp tục một cách thật tốt đẹp, và sự tử tế, giúp đỡ và hào phóng sẽ được lan tỏa trong đời…".

Ngồi dưới, ông Phạm Đức Trung Kiên (cha Penny) mỉm cười: "Tất nhiên tôi rất tự hào về việc con gái đã làm, và thấy mình đúng đắn khi quyết định để Penny học cả 12 năm tại Việt Nam, lớn lên tại Việt Nam. Nếu sống ở Mỹ, con đâu có cơ hội làm được những việc tốt cho mọi người như thế này".

Bệnh nhân nghèo mổ mắt trong ngày hoàn thành ca thứ 5.000 của PSA và ca thứ 600.000 của Hội BTBNN - Ảnh: TỰ TRUNG

Bà Võ Thị Dung, phó bí thư Thành ủy TP.HCM, chúc mừng bệnh nhân Trần Văn Hùng sáng mắt trở lại - Ảnh: TỰ TRUNG

Penny Phạm đang hướng dẫn cho các bệnh nhân - Ảnh: TỰ TRUNG

Penny Phạm triển khai công tác đón tiếp bệnh nhân và hướng dẫn bệnh nhân vào phòng mổ với các bạn nhóm Project See Again - Ảnh: TỰ TRUNG

3. Trân trọng trao tận tay Penny tấm bằng khen của UBND TP.HCM, bà Võ Thị Dung - phó bí thư Thành ủy - nói: "Cảm ơn Penny và gia đình em rất nhiều. Em còn nhỏ, nhưng tất cả chúng tôi đều cảm nhận được tinh thần biết sống vì mọi người của em.

Cảm ơn và chúc mừng gia đình, trường học của Penny đã hun đúc cho em tinh thần ấy, và chúng tôi cảm thấy có nhiệm vụ lan toả tấm gương của em trong xã hội để cuộc đời của chúng ta đẹp hơn.

Tôi cũng thay mặt Thành ủy tỏ lòng tri ân với Hội BTBNN, tấm lòng của các nhà tài trợ, bàn tay và tài năng của các y bác sĩ… Tất cả đã cùng nhau mang lại ánh sáng cho bệnh nhân, cải thiện rất lớn cuộc sống của mọi người".

Ông Trần Thành Long - giám đốc Hội BTBNN - cho biết chương trình mổ mắt miễn phí cho người nghèo đã duy trì hơn 20 năm (từ 1997), giải quyết được nỗi khó khăn rất lớn của người nghèo.

"Mỗi năm có thêm hơn 500.000 ca bệnh mới, và vì thế mà chúng tôi vẫn tiếp tục cố gắng hết sức để làm cầu nối giữa bệnh nhân - bác sĩ - nhà tài trợ để tìm lại ánh sáng. Chương trình đã có cả ngàn nhà tài trợ: cá nhân, gia đình, tổ chức, công ty, trong nước, ngoài nước…

Bà Võ Thị Dung trao bằng khen của UBND TP.HCM cho Penny Phạm - Ảnh: TỰ TRUNG

Khám mắt cho bệnh nhân nghèo - Ảnh: TỰ TRUNG

Ông Trần Thành Long tặng hoa chúc mừng lãnh đạo TP, bác sĩ, nhà tài trợ đã có nhiều đóng góp cho chương trình mổ mắt miễn phí - Ảnh: TỰ TRUNG

Penny Phạm và các bạn của em trong PSA là những nhà tài trợ trẻ nhất. Không chỉ cùng gia đình vận động kinh phí, Penny luôn có mặt trong từng buổi phẫu thuật, giao lưu với các bệnh nhân lớn tuổi như con cháu trong nhà.

Cống hiến của em là một tấm gương sáng, là niềm tự hào và hạnh phúc cho hội chúng tôi, cho gia đình của em, trường học của em, cho xã hội, kể cả cho thành phố.

Các bác sĩ của chúng ta cũng vậy. Họ đã làm việc liên tục và căng thẳng vào các ngày nghỉ, có lúc phải đi tận những vùng sâu xa thiếu thốn… Không thể nói hết được những tâm sức của mọi người trong 20 năm qua, và chúng ta sẽ còn tiếp tục trong nhiều năm nữa", ông nói.

Ông Trần Văn Hùng (ngụ Gò Vấp), bệnh nhân may mắn thứ 5.000 của PSA và 600.000 của Hội BTBNN, rất vui trong khoảnh khắc tấm băng mắt được mở ra. Ông làm nghề giao hàng, mắt mờ làm ảnh hưởng rất nhiều, có lúc bị tai nạn, có lúc trễ giờ nhưng không thể đi nhanh.

"Giờ công việc của tôi có thể tốt hơn rồi", ông cười tươi.

Bệnh nhân nghèo sau khi mổ mắt - Ảnh: TỰ TRUNG

Mổ mắt cho bệnh nhân nghèo tại Bệnh viện Nguyễn Trãi, TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG

4. Sau lưng những chiếc áo đồng phục của PSA có chữ Thiện Sứ. Sau buổi lễ đơn sơ, Penny và các bạn lại tiếp tục chạy nhanh xuống khoa Mắt, tiếp tục công việc tình nguyện Thiện Sứ của mình…

Theo tuoitre