Căn nhà vắng vẻ, quạnh hiu nơi hai chị em cụ The và cụ Sợi
                                                      sinh sống hàng chục năm qua

Chỉ mong chị em sống vui cả đời với nhau

Đều ở cái tuổi “gần đất xa trời”, không nơi nương tựa nên hai cụ Hoàng Thị The (91 tuổi) và cụ Hoàng Thị Sợi (81 tuổi, ở xóm 3, xã Tân Thành, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình) vẫn phải bấu víu nuôi nhau. Trong căn nhà rộng chừng 20m2 với ngổn ngang đồ đạc, hai cụ mừng mừng tủi tủi khi có người đến thăm. Phía góc nhà là chiếc giường tạm bợ được trải chiếc chiếu cũ kĩ, ẩm mốc. Cụ Sợi lấy vạt áo lau vội mặt bàn phủ bụi trắng xóa, mời khách ngồi rồi từ tốn kể chuyện.

Cụ The là con gái thứ sáu, cụ Sợi là con út trong một gia đình nghèo đông con. Cha các cụ qua đời do bạo bệnh trong nạn đói năm Ất Dậu (1945). Khi ấy, cụ Sợi chưa tròn 2 tuổi. Mười mấy năm sau, mẹ các cụ cũng lìa cõi trần, để lại 8 anh chị em nuôi nhau khôn lớn, tự dựng vợ gả chồng. Riêng cụ The và cụ Sợi không lập gia đình.

Khi sinh ra, cụ The cũng bình thường như bao đứa trẻ khác. Năm lên 1 tuổi, cụ mắc bệnh thủy đậu, do không kiêng cữ, thuốc men nên di chứng mù lòa một mắt. Con mắt còn lại cũng bị giãn đồng tử dẫn đến lòa do lúc thanh niên, cụ bị cảm thương hàn không được chữa trị. Vì thế, đằng đẵng mấy chục năm qua, cụ sống trong bóng tối.

Cụ The chia sẻ lý do cả hai chị em không lấy chồng mà cả đời sống nương tựa vào nhau: “Tôi không lấy chồng vì bị dị tật chẳng ai người ta lấy. Còn cái Sợi là vì một lần đi làm thuê thấy người ta đánh vợ, rồi phần vì thương tôi sống cảnh một mình nên quyết định ở vậy”.

Trước đây khi còn khỏe, mỗi ngày cụ Sợi dậy thật sớm chuẩn bị cơm nước cho hai chị em rồi đi hái rau dại, mò cua bắt ốc đem ra chợ bán kiếm tiền đong gạo. “Rau má dại mọc ở các cánh đồng rất sạch, mát nên nhiều người thích mua. Nhưng hái nhiều nên loại rau mọc nhanh như rau má cũng trơ trụi. Thế nên có ngày tôi phải đi xa hơn vài cây số mới hái được mớ rau đem chợ bán”, cụ Sợi kể lại.

Phần lớn số tiền bán rau được hai cụ dành dụm để mua thuốc khi ốm đau. Còn thức ăn hàng ngày của hai cụ chủ yếu là cơm và dưa muối, dưa kho. Ngày nào tan phiên chợ, được mọi người cho ít thịt mỡ hay con cá là hai cụ được bữa cải thiện.

Những kỷ niệm về cuộc sống của hai chị em cụ Sợi thì nhiều vô kể. Cụ Sợi kể: “Có đợt chị The ốm, bỏ bữa không ăn cơm, tôi trách: Em khó nhọc đi làm cả đời cũng để chị em sống vui với nhau. Giờ chị ốm mà không ăn, lỡ chết rồi em ở với ai. Nghe vậy, chị The mới rớt nước mắt bảo thèm bát cháo thịt. Chị nói mà lòng tôi đau như cắt từng khúc ruột. Buổi chiều tôi đi hái rau được 5.000 đồng mua ít thịt về nấu cháo cho chị ăn”.

Dù cuộc sống chất chứa khó khăn nhưng trong suốt cuộc trò chuyện với chúng tôi, cả hai cụ không hề tỏ ra bi quan. Cụ Sợi tâm sự rằng, hàng năm cứ đến ngày giỗ tổ của dòng họ, con cháu đi làm ăn xa ở khắp nơi sẽ về tề tựu đông đủ. Đây là lúc hai cụ vui sướng nhất vì con cháu nán lại chơi vài ngày, thay nhau kể chuyện công việc, cuộc sống… Rồi khi đoàn xe chở con cháu chuyển bánh, cụ Sợi lại ôm chị gái nước mắt ngắn dài. Căn nhà nhỏ nhiều khi hai cụ cũng chẳng buồn dọn dẹp. Phần vì do sức khỏe ngày một yếu đi, phần vì nhà chỉ có hai chị em chứ có ai qua lại đâu mà dọn.

Tình như thủ túc

Quần áo ấm của những nhà hảo tâm gửi tặng được hai cụ gói cẩn thận vào túi ni lông,
xếp quanh giường ngủ.

Lạc quan hơn em gái, cụ Hoàng Thị The nuôi hai con chó và thường bầu bạn với chúng lúc buồn. Cụ bảo, giống chó này nếu nuôi nấng và chăm sóc từ bé thì chúng rất trung thành với chủ. Căn nhà đơn sơ của hai cụ cũng nhờ tiếng chó sủa mà bớt phần ảm đạm.

Trò chuyện với chúng tôi, cụ ông Hoàng Văn Toàn (81 tuổi, họ hàng xa với hai cụ The và Sợi) tâm sự: “Ngoài hai cụ, những anh chị em khác đa phần đã già và qua đời. Hiện chỉ còn một người chị lấy chồng ở Hòa Bình và một em trai sinh sống ở Tuyên Quang. Trước đây, một người anh trai của cụ sinh sống tại làng cũng đông con cháu. Khi anh ấy mất, các cháu di cư vào Nam lập nghiệp, mỗi năm may ra về quê được một lần. Thương hai cụ sống cảnh không nơi nương tựa, tôi vẫn căn dặn con cháu hễ rảnh rỗi là qua thăm nom, bầu bạn giúp các cụ vơi đi phần nào nỗi buồn”.

Còn ông Mai Thanh Xuân (60 tuổi, hàng xóm gần nhà cụ The và cụ Sợi) kể, cách đây gần một tháng, cụ The chống gậy đi ra đầu ngõ thì bị ngã xuống mương. May có một số người phát hiện kịp thời chạy đến cứu giúp. Cụ Sợi khi đó cũng lật đật chống gậy chạy ra xem sự tình rồi mếu máo: “Nhà chỉ có hai chị em nương tựa vào nhau sớm tối, chẳng may chị có cơ sự gì thì em biết sống sao? Từ giờ, em không đi đâu cách chị 10 bước”. Những câu nói mộc mạc, chân thật của cụ Sợi khiến bà con láng giếng không cầm được nước mắt. Chưa kể, hồi đầu năm khi cụ Sợi ốm thập tử nhất sinh phải nằm viện hơn một tháng, cụ The ở nhà khóc ròng, người gầy mòn trông thấy.

Trong suốt gần hết cuộc đời chung sống, hai cụ rất ít khi cáu giận, to tiếng với nhau. Nhiều hôm, hai cụ không nấu cơm mà chỉ ăn ngon lành món đu đủ luộc chấm mắm hoặc khoai nướng mà vẫn vui vẻ cười đùa. Mùa hè, cụ The thì phe phẩy quạt, còn cụ Sợi hát cho chị nghe. Do tuổi già nên những đêm đông mỗi lần trở mình, cụ The thường kéo thêm chăn, đắp cho em gái đủ ấm. Cũng có lần cụ Sợi đổ bệnh, người chị gái mù lòa lại mò mẫm chống gậy sang nhờ hàng xóm bắc bếp nấu cháo. Hai cụ tự động viên, ai ủi nhau và gắng gỏi sống, vượt lên cảnh neo đơn, cô quạnh.

Chia sẻ về hoàn cảnh của hai cụ, ông Nguyễn Văn Cẩn (Trưởng xóm 3, xã Tân Thành) cho biết: “Hai cụ Hoàng Thị The và Hoàng Thị Sợi thuộc diện hưởng chính sách hộ nghèo và người già không nơi nương tựa của thôn. Mỗi tháng, cụ The được hỗ trợ phụ cấp 400.000 đồng còn cụ Sợi là 270.000 đồng. Những ngày lễ Tết, xã cũng quan tâm đến tặng quà và xin các nhà hảo tâm giúp đỡ. Vừa qua, một lương y sau khi biết hoàn cảnh của hai cụ đã quyết định hàng tháng sẽ tặng mỗi cụ 1 triệu đồng để trang trải cuộc sống cho tới cuối đời”




Theo Gia đình.net.vn