Đại đội nữ pháo cao xạ Triệu Thị Trinh tỉnh Thanh Hóa anh hùng chụp ảnh cùng Phó Chủ tịch Hội LHPNVN Trần Thị Hương trong buổi gặp mặt ngày 2/11 tại Hà Nội 

Những cô bộ đội pháo cao xạ trẻ trung, gan dạ ấy đã trở thành những cụ bà bảy, tám mươi, tóc đã bạc, mắt đã mờ, song đến buổi gặp mặt do TƯ Hội LHPN Việt Nam tổ chức vào đầu tháng 11/2018, họ vẫn giữ nguyên “chất lính” của mình. Tác phong nhanh nhẹn, ánh mắt kiên cường, điệu hát, tiếng cười của họ mang đến niềm vui cho những người xung quanh. Nhưng khi chia sẻ về một thời hoa lửa, những bông hồng thép ấy không ngăn được dòng nước mắt nghẹn ngào, xúc động.
Tháng 7/1967, giữa lúc chiến tranh ác liệt nhất 2 miền Nam - Bắc, Đại đội nữ pháo cao xạ Triệu Thị Trinh được thành lập với nhiệm vụ cơ động, bảo vệ các mục tiêu quan trọng, trọng điểm trong toàn tỉnh Thanh Hóa. 66 cô gái mới mười tám, đôi mươi đã cùng nhau sát cánh, viết nên câu chuyện lịch sử của Đại đội nữ pháo cao xạ duy nhất toàn miền Bắc thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
 
Noi gương sáng của Bà Trưng, Bà Triệu
 
Những người con gái xứ Thanh thường nhớ lại những giây phút thiêng liêng nhất trong đời. Đó là ngày họ rời mái trường, công xưởng, xa vòng tay cha mẹ, tạm biệt mối tình đầu vừa chớm nở, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của tổ quốc, lên đường đi đánh Mỹ, quyết tâm giành lại non sông, đất nước.
 
Xác định sâu sắc nghĩa vụ và trách nhiệm của người phụ nữ Việt Nam không chỉ làm mẹ, làm vợ  mà phải như một đấng nam nhi, xứng đáng là con cháu Bà Trưng, Bà Triệu, Đại đội nữ pháo cao xạTriệu Thị Trinh đã nghiêm túc, hăng say bước vào luyện tập.
 
Sau vài tháng ngắn ngủi học về thao tác súng đạn, họ mang theo hành trang là ba lô con cóc và chiếc gậy Trường Sơn bắt đầu bước vào trận chiến thực sự. Được phân công nhiệm vụ tạo lưới lửa tầm thấp, tiêu diệt máy bay Mỹ, tham gia bảo vệ cầu, phà, đê điều, đường bộ, đường sắt, các vùng dân cư trọng yếu và con đường huyết mạch 1A đi qua Thanh Hóa, những bàn tay mềm mại vốn chỉ quen thêu thùa, đan lát đã nhanh chóng làm quen với vũ khí, tay cuốc, tay xẻng, đào công sự triển khai trận địa, phục kích máy bay Mỹ.
 
Qua câu chuyện của bác sĩ Nguyễn Thị Vân An, trưởng ban liên lạc cựu chiến binh Đại đội Triệu Thị Trinh, lúc bây giờ, khó khăn nhiều, gian khổ cũng lắm. Ký ức không bao giờ phai của bà là những buổi hành quân ban đêm trời mưa đường trơn, súng 12 ly 7 được các nữ pháo thủ tháo rời, khênh. Những người con gái chân yếu tay mềm mang vác súng đạn, quân tư trang nặng trĩu, có khi lên tới 60kg.

Nơi đặt trận địa là ruộng đồng lầy sâu, là những bãi tha ma rậm rạp đầy xác chết. Bốn mùa trong năm, không kể ngày, đêm, những hôm mưa phùn gió bấc, giá rét tê người, những hôm nắng táp cháy da, những các nữ pháo thủ vẫn thay nhau xắn quần đến gối, phải dầm chân dưới hào, nước ngập ngang người. Bầu bạn với họ là muỗi, là đỉa, là những ngôi mộ cũ mới đan xen công sự. Đêm đến, ma chơi (lân tinh) chồn cáo chập chờn chạy quanh như đe dọa các pháo thủ trong những đêm trực chiến. Rồi rét lạnh thấu xương, đói, khát, cả đại đội chia nhau bát mì tôm, từng cái quần, cái áo…
 
Nhưng những người phụ nữ ấy vẫn kiên cường ngày đêm đối mặt với máy bay Mĩ trên không trung. Ngày 28/3/1968, Đại đội Triệu Trị Trinh đã trực tiếp bắn rơi máy bay Mỹ A3J tại trận địa xã Liên Lộc, huyện Hậu Lộc. Các nữ pháo thủ còn phối hợp cùng quân và dân Triệu Sơn, Nông Cống, Như Thanh bắn rơi 4 máy bay Mỹ, bắt sống phi công giặc tại núi Nưa, tỉnh Thanh Hóa.

Ôn lại những kỷ niệm xưa trong niềm xúc động, nữ pháo thủ Cao Thị Lan kể lại: Do đặc trưng của đơn vị là noi gương Bà Triệu, Bà Trưng anh hùng, nên phụ nữ đảm đương, gánh vác tất cả mọi công việc, từ đào công sự, thao tác chiến đấu, bày binh bố trận, lo cơm áo, hậu cần…
 
Nhớ những lúc trời mưa, củi ướt, chị em thay nhau quạt cho củi khô. Khi nồi cơm nấu cơm lên không chín đều, cả tổ bếp ôm nhau khóc vì lo lắng chị em ăn sẽ đau bụng, không đủ sức chiến đấu.  

Phó Chủ tịch Hội LHPNVN Trần Thị Hương trò chuyện cùng các nữ pháo thủ


Nhớ khi máy bay Mỹ từ biển bay vào định đánh phá cầu Quan. Quân địch đã cắt nhiều quả bom đánh phá dọc tuyến đường 1A. Trận địa pháo cao xạ của đại đội đã sẵn sàng chờ máy bay Mỹ bay vào tầm ngắm. Sau hiệu lệnh của Đại đội trưởng: “Máy bay đang bay vào ở cự ly... các khẩu đội pháo chú ý... Sẵn sàng... Bắn”! đồng loạt 6 khẩu pháo cao xạ xoay nòng, từng loạt pháo tung lên, khắp nơi mịt mù khói súng. Cảm xúc vỡ òa khi nghe tiếng vỗ tay, hò reo xung quanh vì đã bắn trúng máy bay địch, những nữ pháo thủ ôm nhau khóc nghẹn ngào vì vui sướng.
 
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ quê hương, cuối năm 1968, đầu năm 1969, các nữ bộ đội pháo cao xạ Đại đội Triệu Thị Trinh được phân công về công tác ở nhiều ngành, nghề khác nhau. “40 năm sau gặp lại nhau mà không nhận ra nhau. Cứ cầm tay nhau hỏi: Chị là ai? Đến khi nhận ra, đó chính là người đồng đội cùng ăn, cùng ngủ, cùng sẻ chia từng bữa cơm, manh áo với mình, tất cả lại tủi thân, òa lên khóc ôm nhau khóc”. Bà Cao Thị Lan chia sẻ thêm.


Được tôi luyện trong chiến tranh, những người phụ nữ ấy không còn là những bông hoa yếu ớt khoe sắc ven đường, mà đã trở thành vũ khí lợi hại khiến quân giặc khiếp sợ. Những gương mặt nhem nhuốc, đầy bùn đất và khói súng của đại đội Triệu Thị Trinh đã vinh dự là một phần trong trang sử vẻ vang của dân tộc. Tháng 12/2014, đơn vị được Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam tặng danh hiệu “Anh hùng LLVT nhân dân” thời kì đánh Mỹ cứu nước. Đại đội cũng được Nhà nước tặng huân chương chiến công hạng 3; được Chính phủ, Bộ Quốc Phòng, Quân khu 3 và tỉnh Thanh Hóa tặng nhiều bằng khen.

Trần Lê

 

 Trần Lê