Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà (thứ 2 từ trái sang) cùng các bạn Lào
Chuyến xe hữu nghị phụ nữ Việt Nam – Lào được tổ chức vào tuần đầu tháng 9 năm 2017 trong khuôn khổ Năm đoàn kết hữu nghị Việt Nam –Lào, là hành trình theo dấu tiền nhân, tìm về ngọn nguồn của tình hữu nghị có một không hai ấy, như sự tri ân di sản vô giá về tình đoàn kết, hữu nghị đặc biệt mà Đảng và nhân dân hai nước đã xây đắp, tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ giữa hai tổ chức Hội phụ nữ.

Hành trình tìm về địa chỉ đỏ

Chúng tôi đã đến bến sông Mê Kông, nơi mà khoảng cuối năm 1928, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã cải trang từ Xiêm đi vào đất Lào, để nắm tình hình và đời sống của nhân dân, gặp gỡ các cơ sở yêu nước Lào – Việt. Cũng theo các nhà sử học, Nguyễn Ái Quốc từng đến Lào ít nhất hai lần (năm 1928-1929).
  
Nơi Người đến là thị xã Savẳnnakhệt và bản Xiêng Vang thuộc tỉnh Khăm Muộn. Tại đây, chúng tôi đặt hoa dưới bia đá có khắc chân dung và những dòng chữ ghi dấu một địa danh lịch sử trong hành trình tìm đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc trên đất Triệu Voi. Hành trình đưa chúng tôi tìm về khu tưởng niệm Bác Hồ tại bản Xiêng Vang – địa danh đã đi vào lịch sử của 2 dân tộc Việt - Lào.

Đây là địa phương mà lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trong thời gian hoạt động ở Xiêm (những năm 1928-1929) đã đến để tuyên truyền, xây dựng cơ sở và gieo những “hạt giống đỏ”  trên đất Lào.

Cũng tại Savẳnnakhet, vẫn còn ghi dấu trận đánh bi hùng ngày 21/3/1946, hơn 3.000 người Lào và người Việt đã ngã xuống để bảo vệ thị xã Thà Khẹc, bảo vệ sự an toàn cho Hoàng thân Su Pha Nu Vông trước cuộc vây ráp và đàn áp dã man của thực dân Pháp.
  

Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Bùi Thị Hòa (thứ 2 từ phải sang) cùng đoàn công tác thăm và tặng quà người dân tại làng Xiêng Vang, huyện Nong Buôc, tỉnh Khăm Muộn, nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào, ngày 8/9/2017
Câu chuyện vẫn lan truyền về trận chiến không cân sức ấy, ông bị thương rất nặng, những người Việt đã cảm tử, phá vòng vây đưa ông sang bên kia sông để tiếp tục lãnh đạo phong trào đấu tranh của nhân dân các bộ tộc Lào.

Nơi lưu giữ tình đoàn kết

Lịch sử đã gắn kết hai dân tộc Việt – Lào. Cách đây hơn một thế kỷ, những người Việt đầu tiên do hoàn cảnh đất nước loạn lạc, chia cắt, bị thực dân Pháp bắt đưa sang lao động đã đến Xiêng Vang - một bản bên bờ sông Mê Kông, thuộc huyện Noọng Bốc. Từ đó, Xiêng Vang trở thành một bản người Việt sầm uất, lúc nhiều nhất có hơn 200 gia đình, hơn 1.300 khẩu sinh sống ở 5 làng...

Những năm kháng chiến chống Pháp, rồi chống Mỹ nhiều Việt kiều ở Xiêng Vang đã hăng hái tham gia cách mạng, giúp đỡ, nuôi giấu quân tình nguyện Việt Nam và Pathet Lào. Có thời kỳ địch điên cuồng khủng bố trắng, dồn ép dân nhưng người Xiêng Vang vẫn một dạ kiên trung với cách mạng, góp công, góp của vào sự nghiệp cách mạng hai nước.

Hầu hết các gia đình ở Xiêng Vang đều được Nhà nước Lào hoặc Nhà nước Việt Nam tặng bằng “Gia đình có công”. Tại đây, những người dân đã hiến đất để xây dựng bảo tàng Hồ Chí Minh lưu giữ những kỷ niệm, những hiện vật về cuộc đời hoạt động cách mạng của Người, cũng như mối quan hệ đoàn kết, gắn bó giữa Người với các lãnh tụ của Đảng, Nhà nước Lào.
  
Cũng tại đây, trong ấm áp tình hữu nghị, chúng tôi được thưởng thức hương vị của bánh gai truyền thống và chứng kiến nghề làm bánh phở vẫn được lưu giữ để nhớ về cội nguồn dân tộc của nhiều thế hệ người Lào gốc Việt.

Ở nhiều địa phương trên đất nước Lào, các trường học được xây dựng mang tên các danh nhân, anh hùng nước Việt và mong muốn tiếp nối truyền thống đoàn kết, hữu nghị. Trường mẫu giáo Hữu nghị được xây dựng trên đất tỉnh Bôlykhamsai được hình thành và phát triển từ mối quan hệ đoàn kết, gắn bó của nhân dân hai nước.

Các cháu học sinh đã được học tiếng Lào, tiếng Việt và được nuôi dưỡng bởi tình đoàn kết, hữu nghị của những thế hệ cha, ông đi trước, các cháu sẽ viết tiếp trang sử mới về mối quan hệ đặc biệt này.

Chung tay vun đắp nghĩa tình thủy chung

Góp phần thêu dệt nên truyền thống đoàn kết, hữu nghị đặc biệt ấy, có những người phụ nữ hai nước Lào – Việt thầm lặng, trung hậu. Các chị cán bộ phụ nữ Lào kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về mẹ Kanchia, ở bản Phon, huyện Lamam, tỉnh Xekong, 18 tuổi, đang nuôi con nhỏ, trước hoàn cảnh người lính tình nguyện Việt Nam bị kiệt sức, có thể mất mạng, người mẹ trẻ đó đã vượt qua những ràng buộc, cấm kỵ của phong tục dân tộc, nhường sữa của con cho người lính tình nguyện Việt Nam.

Hay những câu chuyện về sự nhường cơm, sẻ áo, nuôi dạy lưu học sinh Lào như con em ruột thịt của các gia đình, thầy cô giáo Việt, trong những năm tháng gian khó nhất ở Việt Nam. Bao nhiêu câu chuyện về ký ức đã qua nhưng vẫn gợi lại đầy xúc động trong lòng chúng tôi về sự hy sinh vì nhau, giúp bạn là giúp mình trong những năm chiến tranh ác liệt.
  
Những tấm chăn dành tặng các mẹ, những suất học bổng cho học sinh, những bộ máy vi tính cho tổ chức Hội, những mái nhà nghĩa tình dành cho phụ nữ Lào được chị em phụ nữ các tỉnh của Việt Nam gửi gắm, trao tặng chứa đựng nhiều ân tình.

Để rồi, nghĩa tình ấy đang được tiếp nối, vun đắp trong hiện tại thông qua các thỏa thuận hợp tác được ký kết và thực hiện. Hội LHPN thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh hợp tác với Hội phụ nữ Thủ đô Viêng Chăn, Hội LHPN các tỉnh Hà Tĩnh với Bôlykhămsay; Vĩnh Phúc, Phú Thọ với Luông Nậm Thà; Đắk Lắk với Chămpasăk, rồi Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Nghệ An, Kon Tum, Sơn La… đều có nhiều hoạt động kết nghĩa với các tỉnh giáp biên của Lào.
  
Một bản thỏa thuận hợp tác giữa hai tổ chức Hội phụ nữ được triển khai cho giai đoạn 2017-2022 đi sâu vào giáo dục truyền thống, trao đổi kinh nghiệm, đào tạo cán bộ, tổ chức sự kiện chung, trao tặng công trình, học bổng…

Sự trân quý, trọng thị của mối quan hệ máu thịt giữa hai dân tộc, giữa hai tổ chức phụ nữ luôn hiện diện trong những cái bắt tay, nụ cười rạng rỡ khi gặp mặt; sự lưu luyến và những giọt nước mắt khi chia tay, những bài hát, điệu múa Lăm Vông đi theo chúng tôi suốt hành trình và ngự trị trong mỗi chúng tôi chính là tình cảm sâu nặng từ trái tim chân thành của bạn đối với ta và ta dành cho bạn: “ Sáng hơn trăng rằm, thơm hơn bông hoa nào thơm nhất”, “Tình Việt - Lào anh em, mãi mãi không bao giờ phai…”.

                                                                                                                                                                                     Bùi Hòa