19h tối, chị Từ Vinh, 30 tuổi, rời Bộ Thương mại, Sáng tạo và Việc làm New Zealand, kết thúc một ngày làm việc. Sau hơn 10 năm học tập và làm việc tại xứ này, chị đã quen thuộc với cuộc sống nơi đây, điều mà ngày xưa chỉ dám mơ ước. "Từng trượt đại học hai lần liên tiếp, nhiều người xung quanh và đôi khi chính mình cũng không thể nghĩ có được cuộc sống như hiện tại. Đó là một hành trình rất dài và có phần gian nan", chị Vinh chia sẻ.

                Nguyễn Thiện Từ Vinh, hiện sống và làm việc tại New Zealand. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Từ Vinh là con út trong gia đình ba chị em gái, sống tại TP HCM. Khác với hai chị, tính cách của Vinh có phần nổi loạn, thích được tự do, sáng tạo và không muốn bị ràng buộc. Những năm cuối THPT, cô gái 17 tuổi không hứng thú với việc "học thuộc những công thức mà mình không hiểu, không biết áp dụng vào đâu". Được định hướng học kinh tế như hai chị, Vinh nộp nguyện vọng vào Đại học Kinh tế TP HCM, thi khối A00 (Toán, Lý, Hóa). Tuy nhiên, Vinh thi ba môn chưa được 20 điểm, trượt đại học năm 2009.

Được gia đình động viên, Vinh dành một năm tiếp tục ôn thi. Để chuẩn bị "phương án B" trong trường hợp tiếp tục không đỗ, nữ sinh ôn thêm tiếng Anh để có cơ hội học trường tư. Trong năm học thêm này, Vinh vẫn không thể ép mình vào khuôn khổ của môi trường luyện thi khắc nghiệt, luôn cảm thấy không hiệu quả khi học. "Mình vẫn loay hoay, kết quả không cải thiện và luôn thấy chán với những bài tập, công thức", Vinh nhớ lại.

Vinh trượt đại học lần thứ hai, kết quả không khả quan hơn lần đầu là bao. Với IELTS 5.5, nữ sinh đang dự tính học một trường tư thì được chị gái gửi thông tin về chương trình liên kết ngành Kinh tế giữa Đại học Kinh tế TP HCM với Đại học Victoria Wellington của New Zealand. Chương trình này chỉ xét điểm tiếng Anh điều kiện và kết quả tốt nghiệp THPT nên Vinh trúng tuyển, học 1,5 năm tại Việt Nam sau đó chuyển tiếp 2 năm ở New Zealand.

Vào đại học, được tiếp cận với cách học chủ động, muốn hiểu bài thì phải tự đọc thêm hoặc nghiên cứu, giảng viên không còn "cầm tay chỉ việc" như hồi phổ thông, Vinh thấy hứng thú hơn. Trước khi sang New Zealand, nữ sinh thi và đạt 6.5 IELTS. Vinh thừa nhận từng nghĩ 6.5 IELTS là giỏi rồi, nhưng khi "thực chiến" trong môi trường nói tiếng Anh mới thấy chưa đủ. Thời gian đầu, Vinh không nghe, hiểu, không giao tiếp với bạn bè cũng như trao đổi với thầy cô.

Nữ sinh giải thích, khi ôn tiếng Anh, người học Việt Nam chủ yếu tập trung ngữ pháp, tiếp cận với giọng Anh-Anh, Anh-Mỹ và Anh-Australia, trong khi đó giọng của người New Zealand rất khác. Họ nói nặng hơn và hay dùng tiếng lóng. "Lúc đó mình rất sợ. Học phí chương trình liên kết bên New Zealand cao so với thu nhập của gia đình. Nếu không học được phải thi lại, sẽ rất tốn kém và mình không muốn thành gánh nặng cho gia đình", Vinh nói.

Nữ sinh liên lạc với các anh chị người Việt khóa trên, xin lại sách vở, tài liệu để nghiên cứu thêm. Ngoài ra, Vinh cũng tìm hiểu kỹ thời khóa biểu, nếu môn nào chưa học mà lớp khác đang được dạy, Vinh sẽ vào dự thính, coi như học môn đó hai lần để hiểu kỹ hơn. Trên lớp, nữ sinh ghi âm lại bài giảng của thầy cô để về nghe lại. Sau khoảng ba tháng, tuy điểm số không thuộc top của lớp, việc học của Vinh dần được cải thiện.

                 Chị Vinh (đeo kính, hàng đầu tiên) trong ngày tốt nghiệp đại học. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Vì gia đình chỉ có thể chu cấp học phí, Vinh phải đi làm thêm để chi trả tiền nhà và sinh hoạt. Trong thời gian làm lao công trong một siêu thị lớn của thành phố, nữ sinh áp dụng những điều học trên lớp và được lên chức quản lý chỉ sau một tháng. Cùng lúc đó, Vinh tự thấy không hợp với kinh tế nên quyết định chuyển hướng sang quản trị kinh doanh.

Đặt mục tiêu ở lại New Zealand sau khi tốt nghiệp, Vinh gấp rút tìm việc làm liên quan đến lĩnh vực đang học. Năm 2014, New Zealand chỉ cho sinh viên ở lại một năm để tìm việc. Nếu không có công việc dài hạn, du học sinh phải trở về nước. Trong một năm đó, Vinh sốt sắng gửi hồ sơ đến gần 200 công ty lớn nhỏ. Khoảng 20 công ty mời Vinh phỏng vấn nhưng may mắn đã không mỉm cười. Vinh tự hỏi, mình đã sai ở đâu, có phải mình luôn thất bại.

Thời điểm đó, Vinh được gia đình gọi về Việt Nam, nói rằng sẽ tìm việc cho. "Có lẽ người thân nghĩ tôi không thể tìm được việc tại New Zealand. Điều này lại trở thành động lực, thôi thúc tôi chứng minh mình đã trưởng thành và có thể đạt được thành công bằng thực lực", chị Vinh kể.

Cô gái Sài Gòn dành thời gian tham sự các workshops, hội thảo miễn phí, gặp chuyên gia tuyển dụng hoặc người đang công tác trong lĩnh vực quản trị kinh doanh để hỏi xin kinh nghiệm. Chị nhận ra cần điều chỉnh CV để nhấn những kỹ năng mà nhà tuyển dụng tìm kiếm. Chị cũng quen với việc trả lời phỏng vấn qua điện thoại, chuẩn bị sẵn câu trả lời cho một số câu hỏi phỏng vấn thông dụng, tập trước để sẵn sàng phản xạ khi có cuộc gọi bất ngờ từ phía công ty tuyển dụng.

Nhận thấy dữ liệu, hệ thống số hóa thiếu nhân lực tại New Zealand, chị thường xuyên tham gia các khóa học online ngắn hạn từ Đại học Cornell, Mỹ, và Coursera về phân tích, quản trị dữ liệu để bản thân không lạc hậu. Một ngày tháng 9/2016, chị nhận được lời mời làm việc từ ba bộ của New Zealand. "Ngày hôm đó rất khó tin với tôi. Tôi không nghĩ cũng có lúc mình được lựa chọn công việc tại New Zealand. Cuối cùng, tôi chọn làm việc tại Bộ Điện lực với vị trí chuyên viên phân tích dữ liệu", chị Vinh nhớ lại.

Chị Vinh (hàng đầu tiên, bên trái) trong ngày ra mắt Hội Viet - Kiwi Tech & Digital chi nhánh Wellington, tổ chức giúp đỡ và phát triển cộng đồng người Việt tại New Zealand. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Trong 18 tháng làm việc tại đây, chị Vinh tiếp tục tìm cho mình cơ hội tốt hơn. Năm 2018, cơ hội đến khi Bộ Thương mại, Sáng tạo và Việc làm của New Zealand thông báo tuyển dụng vị trí chuyên viên phát triển kho dữ liệu. Tuy không theo học chính quy tại đại học về ngành này, chị vẫn mạnh dạn nộp hồ sơ.

"Công việc yêu cầu ít nhất hai năm kinh nghiệm lập trình nhưng bạn không biết điều này, tại sao chúng tôi nên chọn bạn?", nhà tuyển dụng hỏi chị trong buổi phỏng vấn. Chị Vinh trả lời bằng cách liệt kê khóa học mình đã chủ động đăng ký, quá trình tự học và làm để khẳng định: "Tôi là người cầu tiến, chưa biết lập trình, nhưng có thể học và rèn luyện nó thành kỹ năng chính của mình".

Kết quả, chị Vinh được nhận vào vị trí chuyên viên phát triển dữ liệu và hệ thống báo cáo quản trị của Bộ Thương mại, Sáng tạo và Việc làm, Bộ lớn nhất trong các cơ quan chính phủ New Zealand. Chị còn được tài trợ toàn bộ học phí để học thêm về lập trình trong ba tháng.

Giáo sư Lawrence Corbett, giảng viên ngành Quản trị kinh doanh, Đại học Victoria Wellington, đánh giá Vinh tận tâm, luôn chuẩn bị bài trước tiết học và tích cực tham gia thảo luận trên lớp. "Vinh biết áp dụng những gì đã học vào tình huống thực tế, thể hiện thế mạnh trong phân tích quy trình và cải tiến công việc", giáo sư chia sẻ. Trong thời gian ở Đại học Victoria Wellington, thành tích của Vinh thuộc top 10% người xuất sắc.

Hiện, công việc tương đối bận rộn nhưng chị Vinh luôn cảm thấy hạnh phúc và tràn đầy năng lượng. Chị thường đi du lịch, gặp gỡ bạn bè và quan tâm đến đời sống tinh thần nhiều hơn, điều mà bốn năm đại học và lúc mới đi làm không dám nghĩ đến vì tài chính và visa chưa cho phép. Chị hy vọng vaccine Covid-19 sớm được triển khai rộng rãi, đường bay được nối lại để Tết Nguyên đán 2022 về TP HCM thăm gia đình và bạn bè.

Sau hành trình 10 năm từ khi trượt đại học lần đầu tiên, chị Vinh nhận ra thất bại của hôm nay không phản ánh toàn bộ con người và cuộc đời mình. "Tôi trượt đại học hai lần, nhưng lại tình cờ biết đến chương trình liên kết này. Tôi làm lao công ở siêu thị và gặp nhiều sự kỳ thị, bất công nhưng được cấp trên trọng dụng, phát triển kỹ năng giao tiếp và quản lý. Tôi thi trượt gần 200 công ty nhưng quá trình xin việc lại cho tôi kinh nghiệm để có được công việc hôm nay", chị Vinh nói.