Uy tín và vị thế quốc tế của Việt Nam ngày càng tăng, đã và đang tạo điều kiện cho sự giao lưu, chia sẻ thuận lợi, nhanh chóng giữa Người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) với đất nước. Thế và lực của đất nước cũng giúp khơi dậy tinh thần tự tôn dân tộc, lòng yêu nước, tạo nguồn cảm hứng cho cộng đồng NVNONN tham gia vào quá trình phát triển đất nước. Đây là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Vũ Hồng Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, nhân Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30 và Hội nghị Ngoại vụ lần thứ 19, đang diễn ra tại Hà Nôi.


Cùng với xu thế tất yếu của hội nhập, giao lưu quốc tế, cộng đồng NVNONN tiếp tục tăng về lượng và chất, đa dạng về thành phần. Số lượng du học sinh, lao động xuất khẩu, cô dâu Việt ngày càng tăng. Hiện có khoảng 4,5 triệu người Việt đang sinh sống và làm ăn ở trên 110 quốc gia và vùng lãnh thổ. Thế hệ thứ 2, thứ 3 trong cộng đồng ngày càng tăng và được học tập, đào tạo tại các cơ sở giáo dục ở sở tại, có trình độ và tay nghề tốt. Đây chính là nguồn lực quý báu giúp Việt Nam tập trung khi triển khai công tác NVNONN trong thời gian tới.

Để thúc đẩy người Việt Nam ở nước ngoài có nhiều hoạt động chia sẻ và kết nối văn hóa, kinh tế trong nước cũng như quốc tế, Chính phủ Việt Nam thể chế hóa các điều kiện nhập tịch, trở lại quốc tịch theo hướng thuận lợi hơn cho NVNONN; hỗ trợ NVNONN về hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, củng cố địa vị pháp lý, chế độ chính sách đối với NVNONN có công; hỗ trợ đồng bào duy trì tiếng Việt trong cộng đồng.

Công tác hỗ trợ kiều bào ổn định, hội nhập vào sở tại được triển khai với nhiều biện pháp, hình thức vận động. Đây là một trong những nội dung làm việc quan trọng của các chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, đem lại hiệu quả rõ rệt, tạo tâm lý yên tâm cho bà con ổn định cuộc sống ở sở tại và hướng về đất nước. Công tác thông tin, văn hóa được đẩy mạnh với nhiều hình thức sáng tạo. Việt Nam đã hỗ trợ, tạo điều kiện cho các phóng viên kiều bào tham gia và đưa tin về các hoạt động của đất nước, đặc biệt là vào dịp diễn ra các sự kiện lớn, như: Chương trình Xuân Quê hương, Trại hè, thăm Trường Sa với hình thức tổ chức đổi mới ngày càng thu hút nhiều người tham gia, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, tinh thần yêu nước trong cộng đồng.

Cùng với đó, công tác dạy và học tiếng Việt được đặc biệt chú trọng. Phong trào dạy và học tiếng Việt đã lan tỏa trên toàn thế giới, nâng cao ý thức của kiều bào đối với việc duy trì tiếng Việt và truyền thống dân tộc. Tại một số quốc gia và vùng lãnh thổ như Hàn Quốc, Czech, Đài Loan (Trung Quốc)… tiếng Việt được công nhận và giảng dạy như là ngoại ngữ thứ hai ở các trường phổ thông nơi có đông người Việt.

Nguồn lực của NVNONN cũng được thu hút, phát huy mạnh mẽ phục vụ công cuộc phát triển đất nước theo tinh thần ngoại giao phục vụ phát triển. Bên cạnh những nguồn lực “truyền thống”với tổng lượng kiều hối hai năm lên đến gần 25 tỷ USD, tổng vốn đầu tư của NVNONN ước tính khoả  ng 4 tỷ USD được ghi nhận vào năm 2017.

Điểm mới của công tác NVNONN là đã hòa cùng nhịp thở của thời đại,đặt trọng tâm vào những nhu cầu cấp bách của đất nước trong bối cảnh của cách mạng công nghiệp 4.0 để vận động kiều bào đóng góp. Năm 2017, Bộ Ngoại giao đã cùng các cơ quan trong nước, phối hợp với Nhóm chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE), Nhóm sáng kiến Việt, lần đầu tiên tổ chức “Diễn đàn kết nối các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo của người Việt tại Hoa Kỳ và Việt Nam” tại San Francisco và New York. Với bước đột phát mới này, công tác về NVNONN bước đầu đoàn kết, tập hợp lực lượng thanh niên, trí thức trẻ NVNONN hướng vào những nhiệm vụ phát triển cụ thể của đất nước.

Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn xác định cộng đồng NVNONN là bộ phận máu thịt của dân tộc. Những đóng góp của kiều bào luôn hướng về quê hương, không chỉ góp phần làm cho đất nước ngày càng phồn vinh mà còn là sợi dây gắn kết để phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân thế giới ngày càng thân thiết, bền chặt.

Theo VOV5