“Chúa sơn lâm ở đây!”
Theo thông tin chúng tôi có được, cụ Ngâu (tên thân mật là Tư Ngâu, hoặc Tư trầu) quê ở xã Thuận Mỹ, huyện Châu Thành, tỉnh Long An. Chồng con mất hết, cụ vào nương náu tại một ngôi chùa ở địa phương. Từ ngày 15.9.2010, cụ được đưa vào trung tâm này, theo diện người già cô đơn.

“Hồi trước, tui mần ruộng, làm thuê làm mướn. Ít ai mần lại tui đâu”, cụ Ngâu vừa thong thả nhai trầu vừa kể.
Nói rồi, cụ bà 98 tuổi này đứng dậy biểu diễn mấy thế võ tự chế. Thấy một nữ nhân viên trung tâm đi ngang, cụ kéo lại khua chân múa tay đòi “đấu” khiến chị này chào thua.
Mặc dù trẻ hơn cụ Ngâu 12 tuổi nhưng cụ Nguyễn Thị Nga, 86 tuổi, người sống cùng phòng với cụ Ngâu, thừa nhận: “Bà Ngâu là chúa sơn lâm ở đây! Sức khỏe của chúng tôi khó có ai bì lại bả”. Bà Nga nói thêm: “Mỗi lần bả bực mình nạt một tiếng là tôi đã nổi hết da gà, không dám hó hé gì, huống hồ chi khi bả động tay động chân...”.
Trong lúc trò chuyện vui vẻ, bản thân tôi cũng bất ngờ được cụ “tặng” cho một cú chặt tay chớp nhoáng vào vai, đau điếng!

Thấy một nhân viên trung tâm đi ngang, cụ Ngâu níu lại mời “uýnh võ”
Chị Nguyễn Vô Tư, nhân viên trung tâm góp chuyện: “Đôi khi có ca sĩ từ TP.HCM xuống biểu diễn, cụ Ngâu nhảy sung lắm. Rồi mọi người vừa công kênh cụ vừa reo hò. Tôi nhớ có lần chàng ca sĩ nọ và những người đi cùng đoàn kinh ngạc, xuýt xoa mãi với cụ Ngâu: ‘Tụi con mệt muốn đứt hơi, sao cụ vẫn khỏe ru vậy cụ ơi!’.
Hằng ngày, cùng với bạn cùng phòng là bà Nguyễn Thị Nga, cụ Ngâu siêng năng lau dọn chỗ ở sạch sẽ, ngăn nắp. Mọi việc sinh hoạt cá nhân, cụ đều tự thực hiện (trừ áo quần gần đây đã có máy giặt thay).
Mặc dù thỉnh thoảng bị cán bộ trung tâm ngăn cản không cho làm (vì lo ngại cho sức khỏe của cụ) nhưng hầu như ngày nào cụ Ngâu cũng chăm chỉ lượm ve chai quanh những dãy phòng ở của mình. Sau đó, cụ tự nguyện mang đến đóng góp vào góc để phế liệu chung trong khu người già, ai có bán cụ cũng không quan tâm.
“Tui thích mần việc này việc kia, cho giãn gân giãn cốt. Chứ ở không, tui thấy không quen và mệt người”, cụ Ngâu chia sẻ.
Ăn trầu suốt 90 năm
Cụ Ngâu cho hay vào năm 8 tuổi, cụ được bà nội tập cho ăn trầu để “hàm răng chắc khỏe”. Cụ nhớ lại ký ức xa xăm: “Hồi đó, cau trái to ăn ngon lắm! Tui ăn miếng đầu tiên là ghiền luôn từ đó cho đến giờ”.

Cụ Ngâu ăn trầu suốt 90 năm nay
Cụ Tư Ngâu thường kè kè bên mình chiếc giỏ xách nhỏ đựng bộ đồ nghề, gồm: ống ngoáy, bình vôi, dao bổ cau, trầu, cau...
Theo cụ Ngâu, mỗi ngày cụ ăn mười mấy miếng trầu. Mỗi tuần cụ tốn khoảng 50.000 đồng để mua trầu cau.
“Đó là tiền do khách tới thăm tặng cho. Khi nào không có tiền mua trầu cau, tui tới xin ông Dũng giám đốc trung tâm hoặc mấy cô nhân viên”. Nói rồi cụ cười ha hả: “Ở đây tui không sợ ai cả. Ông giám đốc tui cũng không sợ. Nói phải tui nghe, nói không phải tui “đá” lại liền”.
Nhắc đến cái tết sắp đến, cụ Ngâu ngậm ngùi tâm sự rằng đã nhiều năm rồi thân nhân của cụ không đến rước cụ về ăn tết.

Cụ Ngâu thường đi thu gom ve chai miễn phí
Ông Huỳnh Ngọc Dũng - Giám đốc Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Long An (thuộc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Long An) khẳng định: Trong số gần 400 trường hợp đang được nuôi dưỡng, chăm sóc tại trung tâm, cụ Huỳnh Thị Ngâu là người lớn tuổi nhất. Tính rộng hơn nữa, là trong khoảng 39 năm thành lập trung tâm (1979 – 2018), cụ Tư Ngâu cũng vẫn là bậc cao niên nhất ở đây.
Ông Dũng khẳng định cụ Ngâu là trường hợp đặc biệt tại trung tâm. Ông cũng hứa hẹn bản thân ông và các cán bộ, nhân viên sẽ quan tâm hơn nữa đối với những nhu cầu thiết thực của cụ  trong cuộc sống thường nhật.

Theo Thanh niên