Nhiều bà con trong xóm rất đồng tình và thường xuyên góp tiền cho quỹ heo đất của bà Cúc

Đã hơn 40 năm qua, người dân sống tại hẻm 60 đường Lý Chính Thắng (Q.3, TP.HCM) đã quá quen thuộc với một bà cụ giản dị, sáng bán bánh mì, chiều nhặt ve chai, ky cóp từng đồng tiền lẻ “nuôi heo đất” để giúp những mảnh đời bất hạnh.

Nuôi 5 con vẫn làm từ thiện
Đến hẻm 60 Lý Chính Thắng, hỏi “bà Cúc ve chai” thì đến đứa bé 5 tuổi cũng biết. Bởi cái tên đó là họ đã đặt cho bà. Suốt hơn 40 năm qua, bà Cúc chiều chiều lặng thầm mon men khắp các con hẻm nhặt từng vỏ chai, lon bia,… mang về bán gom tiền giúp người nghèo.
Sinh ra trong một gia đình lao động nghèo vì mồ côi cha từ sớm, nhà lại đông anh em, nên bà Nguyễn Thị Bạch Cúc (75 tuổi, ngụ Q.3, TP.HCM) phải sớm lang bạt khắp nơi kiếm sống, vì thế mà bà thấu hiểu và cảm thông cho những phận đời nghèo khổ, bất hạnh như bà. Bà coi việc từ thiện như một thói quen mà không thể bỏ được, thậm chí vừa nuôi 5 con vừa làm từ thiện.
Bà Cúc cũng không nhớ chính xác đã bắt đầu làm từ thiện từ khi nào, vì thời còn chật vật tìm kế sinh nhai, bà đã nhặt ve chai lấy tiền mua mì gói cho người lang thang rồi: “Thời điểm đó, bà có chồng và sinh được 5 người con trai, nhưng vợ chồng bà sớm chia tay. Chồng đi, bỏ lại cho bà 5 người con, cuộc sống khó khăn trăm bề”, bà Cúc tâm sự.
Hằng ngày, bà kiếm sống bằng việc bán bánh mì, cái nghề đã gắn bó với bà từ thuở mới lấy chồng đến giờ. Nhớ lại những năm tháng cùng mẹ và các anh chị lang thang kiếm sống, bà lại càng thương các con hơn, ngày ngày vất vả sớm hôm, bán bánh mì, nhặt thêm ve chai, ky cóp từng đồng “không dám ăn, không dám mặc” để tiền lo cho các con ăn học.
Thời điểm ấy, gia đình bà cũng nghèo chứ không giàu có hơn ai, nhưng cái tính “thương người” của bà thì chưa bao giờ “nghèo” cả, bà vẫn đều đặn bỏ tiền lẻ nuôi heo đất. Số tiền đó không nhiều nhưng cũng đủ để mua các thứ cần thiết tặng cho những người già neo đơn trong xóm. Nay các con bà đã trưởng thành và thành đạt, bà mừng vì từ giờ bà không còn lo nghĩ gì nữa, có nhiều thời gian hơn để làm từ thiện.
ừng bị xem là người tham lam
Nói về những năm tháng làm từ thiện thì có ngồi “cả ngày” nghe bà kể cũng chưa hết chuyện. Vì hơn 40 năm qua, có ngày nào bà ngừng công việc đó đâu. Nói đến đây bà Cúc “tặc lưỡi” như thể vừa nhớ lại điều gì. Bà bảo: “Chú ngồi đây, để tôi vào mang con heo đất ra cho chú xem”. Nói dứt câu, bà đi vào nhà mang ra một con heo đất màu vàng, vỗ vai tôi rồi nói tiếp: “Con heo này theo tôi 5 năm rồi đó, lúc trước toàn đập bể thôi, nay tôi rút kinh nghiệm là khoét một lỗ dưới bụng, để khi cần thì móc ra cho dễ, khỏi phải đập”.
Nói đến đây, bà Cúc bỗng dưng “thở dài” rồi lặng người đi, nhìn chăm chăm vào “con heo đất” bà Cúc bảo, buồn nhất là những ngày đầu làm từ thiện, bà con trong xóm ai cũng “gièm pha”, nhiều người nói bà Cúc tham lam, đã giàu rồi mà lại còn nhặt ve chai…“Họ nghĩ vậy mình buồn, mình làm thì mình biết, miễn sao không làm trái với lương tâm được rồi”, bà Cúc nói.
Nói về nơi có nhiều kỷ niệm nhất, thì bà nghĩ ngay đến trại cai nghiện Nhị Xuân (H.Hóc Môn, TP.HCM). Đó không phải là tình cờ, mà là cái duyên của bà với những người trẻ tuổi đang cai nghiện tại đây. Bà Cúc kể: “Trong một lần theo đoàn từ thiện đến đây, tôi được tiếp xúc với rất nhiều bạn trẻ, có những bạn còn rất nhỏ mà đã bị nhiễm HIV, nghĩ đến thôi đã thấy xót xa”.
Cũng trong lần đó, bà nghe nhiều bạn trẻ than thèm trứng luộc. Nghĩ là làm, về nhà bà gom tiền bán ve chai cộng thêm tiền túi, mua ngay 200 quả trứng rồi luộc sẵn, sáng hôm sau bắt xe lên trại phát cho từng người. Kể từ đó, cứ vài ba tháng là bà lại bắt xe lên trại để thăm các bạn: “Riết rồi chúng nó gọi tôi là má Cúc luôn”, bà Cúc cười nhớ lại.
Không dừng ở đó, số tiền từ quỹ heo đất của bà Cúc cũng được trích ra cho nhiều chị em trong khu phố vay vốn làm ăn, học nghề; đồng thời, tặng học bổng cho 3 em học sinh trong xóm có hoàn cảnh khó khăn mỗi tháng 300.000 đồng. “Người dân trong xóm bây giờ rất tin tưởng bà Cúc, ai cũng đồng lòng ủng hộ, kể cả tôi cũng dành một số tiền trợ cấp người cao tuổi của mình để ủng hộ quỹ heo đất, để góp phần giúp đỡ được nhiều người hơn”, bà Trịnh Thị Mười (86 tuổi), hàng xóm của bà Cúc cho biết.
Bà Cúc kể hăng say, hết chuyện này rồi đến chuyện khác, từ khó khăn vất vả rồi đến những chuyến đi từ thiện đầy ắp niềm vui và kỷ niệm.
Bà dí dỏm nói: “Riết rồi thành quen, cứ chiều tối khi nhiều người trong xóm đem rác ra để trước cổng là tôi đến đó nhặt chai nhựa, lon bia, giấy,… tất cả những thứ gì bán được, tôi đều đem về nhà chất đống, nghề bán bánh mì mà ai vào nhà cũng tưởng là vựa ve chai”.
Hiện tại, bà Cúc không còn bán bánh mì nữa vì đã có tuổi, nhưng thói quen mỗi chiều, lọ mọ khắp các hẻm phố, gom nhặt ve chai thì bà vẫn làm vì bà coi đó là niềm vui tuổi già.

THeo Thanh niên