Ngày 15/3/1920, trong một gia đình nông dân bên bờ sông Lương Hòa, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre, bà Nguyễn Thị Định cất tiếng khóc chào đời. Trong số 10 đứa con, bà là con út.

Được anh ruột giác ngộ cách mạng, năm 1936, khi vừa tròn 16 tuổi, bà đảm nhận nhiệm vụ giao liên, rải truyền đơn và tham gia vận động quần chúng đấu tranh. Hai năm sau, vào tuổi 18, bà được đứng vào hàng ngũ Đảng Cộng sản Đông Dương.

Cũng trong thời gian này, bà xây dựng gia đình với ông Nguyễn Văn Bích - tỉnh ủy viên tỉnh Bến Tre. Khi bà mới sinh con 3 ngày, mật thám đến nhà vây bắt ông Bích. Ông bị kết án 5 năm tù và 5 năm đày biệt xứ. Không lâu sau, do không khai thác được gì, ông bị thực dân Pháp đày ông ra Côn Đảo và hy sinh tại đó. Nhận được tin chồng hy sinh, lòng căm thù của bà lại nhân gấp bội. Mặc dù con còn nhỏ nhưng bà rất tích cực tham gia hoạt động cách mạng tại tỉnh nhà.

Nữ tướng, Chủ tịch Hội LHPNVN Nguyễn Thị Định.

Ngày 19/7/1940, bà và đứa con trai 7 tháng tuổi bị mật thám vây bắt. Chúng đưa hai mẹ con bà về Khám Lá Bến Tre và buộc bà gửi con về nhà trước khi đi đày đến nhà tù Bà Rá, tỉnh Sông Bé (nay thuộc tỉnh Bình Phước). Dấn thân vào con đường cách mạng là chấp nhận thương đau, tù đày, cái chết nhưng cảnh đứa bé mới 7 tháng tuổi mà sớm bị xa lìa khỏi cha mẹ thì bà chưa bao giờ nghĩ đến. Ba năm biệt giam tại nhà tù Bà Rá cũng là ba năm họat động kiên cường, bất khuất của bà. Chính tại nơi đây, các nữ tù chính trị gọi bà là chị Ba Bích theo tên chồng, từ đó bà mới có cái tên Ba Định thay cho Út Định.

Năm 1943, ra tù trở về Bến Tre, bà liên lạc với tổ chức Đảng, chính quyền cách mạng của tỉnh. Năm 1944, khi phong trào Việt Minh phát triển mạnh, bà bắt được liên lạc với tổ chức, lao vào công tác. Trong khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8/1945, người góa phụ trẻ ấy đã cầm cờ dẫn đầu hàng ngàn quần chúng tay dao, tay gậy, cờ, băng, biểu ngữ rầm rộ chiếm thị xã Bến Tre. Sau ngày khởi nghĩa thắng lợi, bà được tổ chức giữ lại công tác ở phụ nữ tỉnh.

Cuối năm 1946, Nguyễn Thị Định được bầu làm ủy viên Ban chấp hành Hội LHPN tỉnh Bến Tre. Một sáng, Tỉnh ủy gọi chị về và giao chị một nhiệm vụ mà chị không bao giờ nghĩ tới: Ra Bắc, gặp Bác Hồ và Chính phủ báo cáo tình hình miền Nam sau Hiệp định Sơ bộ 6-3 và xin chi viện vũ khí cho chiến trường miền Nam. Năm ấy, Nguyễn Thị Định mới 26 tuổi nhưng nhờ có ý chí kiên cường, lòng yêu nước mãnh liệt lại nhiều mưu trí nên bà đã hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc.

Trong lần nhận súng đó, bà đã nói với các cán bộ giữ kho vũ khí rằng: “Tôi mang một cây súng mà bị lộ thì cũng chết, chi bằng các đồng chí cho tôi 1.000 cây súng, cho xứng đáng chuyến đi”. Kết quả là bà cùng các đồng chí của mình đã khéo léo đưa được 12 tấn vũ khí về miền Nam một cách an toàn.

Chuyến đi ấy không chỉ cung cấp cho Chính phủ, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh tình hình thực tế của chiến trường Nam bộ mà còn đặt cơ sở cho cho công tác tổ chức chi viện miền Nam về sau này. Hiệp định Giơ ne vơ được ký kết, bà quyết định ở lại miền Nam chiến đấu, chỉ gửi đứa con trai ra Bắc học tập. Trong thời kỳ này, địch tiến hành truy quét quyết liệt. Chúng còn treo giải thưởng 10.000 đồng cho ai bắt được bà nhưng nhờ có nhân dân Bến Tre đùm bọc, che chở, bà vẫn an toàn hoạt động.

Cuối năm 1959, Mỹ-Diệm cho xây khu trù mật ở Bến Tre và cho thực hiện luật 10/59 lê máy chém khắp miền Nam để khủng bố phong trào cách mạng. Nguyễn Thị Định là người khởi xướng và lãnh đạo chủ chốt phong trào Đồng Khởi ở Mỏ Cày, Bến Tre, mở đầu phong trào Đồng Khởi trong toàn tỉnh, vùng đồng bằng sông Cửu Long và miền Đông Nam Bộ.

Là nữ tướng nhưng bà luôn gần gũi, giản dị trong hình ảnh chiếc áo bà bà và khăn rằn quấn cổ.

Từ phong trào Đồng Khởi xuất hiện “Đội quân tóc dài”. Họ tổ chức thành đội ngũ, tiến hành cuộc đấu tranh trực diện với địch, đòi chấm dứt càn quét, bắn giết, bom pháo, đòi bồi thường nhân mạng… “Đội quân tóc dài” hàng ngàn người ở Bến Tre nhân rộng thành hàng triệu người, không có tấc sắt trong tay nhưng có sức mạnh phi thường, phá vỡ nhiều thủ đoạn thâm độc, nhiều cuộc càn quét lớn của địch, góp phần đáng kể làm sụp đổ thành trì chế độ Mỹ ngụy. Cuộc đấu tranh giành thắng lợi rực rỡ khiến bọn Mỹ-Diệm phải dè chừng sức mạnh lợi hại của “Đội quân tóc dài”. Tên tuổi Nguyễn Thị Định từ đó như sóng triều vang xa, lan rộng khắp miền Nam.

Niềm vui khi ngọn lửa Đồng Khởi nhen lên khắp các tỉnh Nam bộ chưa tắt thì bà nhận được tin con trai mất ngoài Bắc.  Bàng hoàng, sửng sốt nhưng tấm lòng của nhân dân đã động viên bà vượt qua nỗi đau đớn ấy. Người chỉ huy lau nước mắt, nén lại nỗi đau, tiếp tục bước vào cuộc chiến đấu quyết liệt giành độc lập cho quê hương.

Tháng 5/1961, bà được bầu vào Khu ủy viên khu 8, Bí thư Đảng đoàn Phụ nữ khu 8. Năm 1965, bà được bầu làm Hội trưởng Hội LHPN Giải phóng miền Nam. Cũng trong năm 1965, giữa lúc đang công tác ở cơ quan Hội phụ nữ, bà được Đại tướng Nguyễn Chí Thanh mời sang gặp Bộ tư lệnh miền, giao nhiệm vụ: “Bác Hồ và Bộ Chính trị quyết định rút chị lên làm Phó tư lệnh các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam. Ngoài công tác chung, Bộ Chỉ huy phân công chị theo dõi chỉ đạo phong trào chiến tranh du kích, đấu tranh chính trị”. Bà ngỡ ngàng trước trọng trách được giao, vừa thấy tự hào, vừa lo lắng. Bà giữ chức vụ Phó Tổng Tư lệnh quân giải phóng miền Nam đến năm 1975. Năm 1974, bà được phong quân hàm Thiếu tướng Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Bà đã khẳng định tài năng của mình trong vai trò nữ tướng. Những năm tháng chiến tranh diễn ra ác liệt ấy, rừng miền Đông vẫn thấy nữ tướng không mặc quân phục, không đeo quân hàm khi ra trận nhưng tài chỉ huy, lòng trách nhiệm, sự dũng cảm, sự thấu đáo của bà đã góp phần xoay chuyển tình hình từ bị động chuyển sang phòng ngự và chủ động tấn công.

Cô Ba Định vá áo trong chiến trường.

Trong rừng sâu, bà đồng cam cộng khổ với chiến sĩ. Trang phục mà nữ tướng thường mặc là bộ quần áo bà ba đen, đôi khi màu cỏ úa hay kem nhạt; khăn rằn quấn cổ, nón lá, đi dép râu, vai đeo túi để sẵn sàng lấy ra cây kim, sợi chỉ vá áo cho bộ đội, lấy viên thuốc, miếng đường cho chiến sĩ nào đó lên cơn sốt…

Mùa xuân 1975, trong 5 cánh quân rầm rập tiến về thành phố, giải phóng Sài Gòn, giải phóng miền Nam, nhân dân thành phố và cả nước vẫn nhận ra lẫn trong đoàn quân tóc dài có nữ tướng Nguyễn Thị Định, Phó Tổng tư lệnh quân giải phóng.

Từ sau ngày đất nước thống nhất, bà giữ nhiều chức vụ trọng trách mới cùng Đảng và Nhà nước ta lãnh đạo thành công việc thực hiện công cuộc đổi mới, phát triển đất nước.

Sau ngày thống nhất đất nước, năm 1975, bà là Ủy viên Ban chấp hành Trung Ương Đảng Cộng Sản Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh - Xã hội. Từ Tháng 6/1980 đến năm 1992, bà là Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch Hội Liên Hiệp Phụ nữ Việt Nam (1982-1992), Chủ tịch Hội Hữu nghị đoàn kết Việt Nam - Cu Ba, Phó Chủ tịch Liên đoàn Phụ nữ dân chủ thế giới, Ủy viên đoàn Chủ tịch Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam.

Ngày 26/8/1992, bà vĩnh viễn ra đi sau một cơn bệnh tim đột ngột. Trước lúc mất 2 ngày, bà còn đến thăm và làm việc với lãnh đạo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Bà đã sống một cuộc đời trọn vẹn với non sông đất nước.

Phó Tổng Tư lệnh quân giải phóng Nguyễn Thị Định gặp lại các nữ chiến sĩ Đội quân tóc dài.

Để tri ân công lao to lớn của nữ tướng Nguyễn Thị Định, ngày 30/8/1995, bà được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Đền thờ bà được xây dựng và khánh thành vào ngày 20/12/2003 tại ấp Phong Điền, xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm, Bến Tre để nhân dân đến viếng và thắp hương tưởng niệm.

Những năm tháng vào sinh ra tử, kháng chiến gian nan, bà được tặng thưởng nhiều Huân chương và Huy chương: Huân chương Chiến công hạng nhất, Huân chương Quân công hạng nhất, Huân chương Chống Mỹ cứu nước hạng nhất, Huân chương “Vì Củng cố hòa bình giữa các dân tộc”. Được tặng giải thưởng “Hòa bình Quốc tế Lê Nin”. Được Đảng và Chính phủ Cu Ba trao tặng Huân Chương HiRon và nhiều Huân chương khác. Kỷ niệm 60 năm thành lập Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, bà được trao tặng Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng.

Nhà sử học lão thành Trần Văn Giàu trong lời đề tựa tập sách Nhớ chị ba Định đã viết: “Chị Ba Định ạ! Ngày xưa, người dân làng quê bảo nhau rằng những người như chị là sống làm tướng, chết thành thần”. Có lẽ, không một sự ngợi ca nào đẹp và chân tình hơn thế.

HN (tổng hợp)

TTXVN/Sài Gòn giải phóng/Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ