Bà Tô Thị Mỹ Linh (phải) trong một hoạt động từ thiện 


Hơn 30 năm gắn bó với công tác phụ nữ, bà Tô Thị Mỹ Linh luôn dành cho nhóm phụ nữ yếu thế (mãn hạn tù, hồi gia, bị bạo hành) những tình cảm thật đặc biệt. Mỗi khi giải quyết thành công một vấn đề của nhóm đối tượng này, trong lòng bà rất vui. Bởi lẽ, họ đã thực sự hồi sinh, không còn đi vào con đường lầm lạc, tối tăm.Bản thân bà đã giúp nhiều phụ nữ thoát khỏi hoàn cảnh trớ trêu. Nhưng cũng không ít trường hợp dù đã nỗ lực rất nhiều mà vẫn không giúp được như mong muốn khiến bà không khỏi băn khoăn, trăn trở.

Chị Võ Thị Tuyết Mai, sinh năm 1962 là một trường hợp đã được bà giúp đỡ thành công. Bà kể, khi người chồng ly hôn, có gia đình khác đã để lại cho chị Mai một món nợ lớn. Bản thân chị Mai chỉ bán sữa đậu nành ở vỉa hè nên cuộc sống của 3 mẹ con chị chỉ tằn tiện, đắp đổi qua ngày. Vì thế, khi bị chủ nợ dồn dập bủa vây, đòi nợ, chị Mai chỉ còn biết khóc.

Bà Tô Thị Mỹ Linh (trái) trao xe đạp cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn

Biết được hoàn cảnh của chị Mai, bà Tô Thị Mỹ Linh đã mạnh dạn đứng ra bảo lãnh cho chị Mai vay từ các nguồn vốn do Hội quản lý để chị Mai trả nợ và trả học phí cho đến khi con chị Mai học xong đại học, hoàn thành nghĩa vụ quân sự và lập gia đình. Không những thế, bà Tô Thị Mỹ Linh còn vận động chị Mai nghỉ bán hàng ở vỉa hè, xin đi làm tạp vụ ở Công ty. Nhờ đó, thu nhập của chị Mai ổn định hơn. Chị đã thanh toán xong số nợ, được anh chị em trong Công ty tín nhiệm bầu làm trưởng nhóm dịch vụ gia đình. Chị còn giúp nhiều chị em có hoàn cảnh khó khăn trong nhóm có thu nhập ổn định.

Hay như trường hợp của chị Huỳnh Thị Kim Loan, sinh năm 1976. Chồng chị bị bệnh, mất khi hai con còn nhỏ. Một mình chị vừa lo 2 con ăn học, vừa chăm cha già bệnh nặng, mẹ mất sức lao động với người chị gái tật hai chân bẩm sinh không đi lại được. Nợ nần bao vây, quá nản, chị đã vướng vào ma túy đá. Khi được nghe báo cáo về trường hợp của chị Loan, bà Tô Thị Mỹ Linh đã trực tiếp đến nhà chị Loan hỏi thăm và động viên. Không chỉ hỗ trợ học phí cho các con chị Loan, bà Tô Thị Mỹ Linh còn giới thiệu cho chị Loan học nghề thêu. Đến nay, chị Loan đã từ bỏ được ma túy, có cuộc sống ổn định, là người mẹ tốt của 2 đứa con, người con dâu hiếu thảo và người em chu đáo.

Bên cạnh những trường hợp thành công còn có những trường hợp bà Tô Thị Mỹ Linh không khỏi băn khoăn như trường hợp của chị Nguyễn Thị Hiền, sinh năm 1978. Chị mắc nghiện ma túy, làm nghề bóc hành tỏi, lượm ve chai. Được các chị trong Ban Chấp hành báo cáo, bà Tô Thi Mỹ Linh đã đến tận nơi tìm hiểu hoàn cảnh, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của chị Hiền. Bà cũng đã gợi ý nhiều lần để chị Hiền đi uống thuốc cai nghiện hàng ngày nhưng vì không có xe nên chị Hiền đành bỏ cuộc. Bà cũng giới thiệu việc làm cho chị Hiền nhưng vì vướng con nhỏ nên chị Hiền cũng không đi làm được. Bà đã liên hệ với trường học cho con chị Hiền đi học lớp miễn phí nhưng không có phương tiện đi lại nên cháu nhỏ bỏ học giữa chừng. Mặc dù vậy, bà Tô Thị Mỹ Linh vẫn cố gắng làm việc với cán bộ tư pháp của phường, vận động quyên góp tiền, đóng tiền viện phí, lấy giấy chứng sinh và hoàn tất giấy khai sinh cho con chị Hiền.

Trường hợp của chị Hiền là một trong rất nhiều trường hợp bà Tô Thị Mỹ Linh cùng các cán bộ Hội phụ nữ gặp phải trong hành trình giúp nhóm phụ nữ yếu thế thoát khỏi hoàn cảnh thực tại. Khó khăn lớn nhất đối với nhóm phụ nữ đặc biệt này, theo bà Linh chính là ý chí và bản lĩnh của người trong cuộc. Khi hiểu ra vấn đề thì không ai khác ngoài họ phải giải quyết vấn đề của mình bằng quyết tâm và nghị lực của mình. Tuy nhiên, không phải ai cũng vượt qua được.

Bên cạnh đó là sự quan tâm của các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng và của Hội LHPN. Sự hỗ trợ bằng các chính sách an sinh xã hội phải mang tính thiết thực, phù hợp và phải có thời gian để có thể cùng các đối tượng yếu thế vượt qua khó khăn. Đồng thời rất cần sự hỗ trợ, giúp đỡ của xã hội, cộng đồng dân cư, gia đình để các chị em giảm dần tự ti, mặc cảm, vươn lên trong cuộc sống

Đối với trẻ em chưa được hoàn thiện các thủ tục khai sinh, bà Tô Thị Mỹ Linh mong muốn, các bệnh viện phụ sản có chính sách giảm hoặc miễn tiền viện phí cho thai phụ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để các bà mẹ có đủ các điều kiện làm giấy khai sinh cho trẻ ngay khi mới lọt lòng mẹ.

Không chỉ tích cực tham gia công tác Hội, bà Tô Thị Mỹ Linh còn có rất nhiều việc làm ý nghĩa đối với nhóm đối tượng yếu thế. Điển hình là: Duy trì quán cơm xã hội phục vụ 40 người dân lao động nghèo, trẻ em cơ nhỡ không nơi nương tựa; duy trì tổ chức “bữa cơm ngon người già” 2 lần/năm cho 50 cụ già neo đơn có hoàn cảnh khó khăn; vận động Trung tâm Tương lai hỗ trợ mua bảo hiểm y tế cho 80 cụ cao tuổi; giúp 25 em về với gia đình sau khi học nghề; ra mắt CLB “Các bà mẹ có con lao động sớm” với 20 thành viên; xây dựng mô hình “Can thiệp phòng, chống bạo lực gia đình”, hòa giải thành 35 trường hợp; tổ chức các buổi tư vấn việc làm và học nghề cho chị em, thanh thiếu niên hiểu rõ và tìm việc làm phù hợp; thành lập nhóm “Gia công túi giấy”, “Nhóm bóc hành, tỏi” giúp 27 chị em cải thiện cuộc sống”; thành lập mô hình “Nhóm dịch vụ gia đình” giới thiệu việc làm cho 85 chị có việc làm ổn định với thu nhập từ 3-5 triệu đồng; giải quyết 7 trường hợp trẻ có cha hoặc mẹ là phạm nhân không có giấy khai sinh được đi học miễn phí; hỗ trợ 75 trẻ có hoàn cảnh khó khăn, trẻ thuộc con em mãn hạn tù, hồi gia được khai sinh, được giúp đỡ đưa vào các mái ấm, được chăm sóc và được học hành…

 

 Lan Hương