Năm 1931, Hoàng Thị Thế - con gái của vị thủ lĩnh nghĩa quân Yên Thế Hoàng Hoa Thám với bà bà Đặng Thị Nho (tức bà Ba Cẩn) - kết hôn với ông Robert Bourgès, người Pháp gốc Bỉ tại Candéran, Bordeaux. Sự kiện này và sau đó là sự hiện diện của Hoàng Thị Thế trên đất Pháp đã gây nên những chấn động trong dư luận thời bấy giờ.

Con nuôi của Tổng thống Pháp


Theo cuốn Kỷ niệm thời thơ ấu ( hồi ký của Hoàng Thị Thế viết bằng tiếng Pháp, Lê Kỳ Anh dịch, Omega+ liên kết với NXB Khoa học xã hội phát hành) và các tư liệu có liên quan (in trong cuốn sách), Hoàng Thị Thế có một vận mệnh lạ thường và một cuộc đời đầy biến động. Bà sinh ngày 31/3/1901 ở Phồn Xương, Yên Thế, Bắc Giang, tuổi thơ gắn với những sóng gió của gia đình và những giai đoạn đấu tranh và trốn tránh trong núi rừng Yên Thế.

Hoàng Thị Thế khi còn nhỏ (đứng cạnh cha Đề Thám). Ảnh tư liệu.

Đầu tháng 6/1909, bà bị Pháp bắt vào lúc cuộc khởi nghĩa Yên Thế đi vào thoái trào. Mẹ bà, bà Đặng Thị Nho cũng bị bắt không lâu sau đó và chết trên đường đi đày đến Alger (25/11/1910). Cha bà, Hoàng Hoa Thám bị giết ngày 10/2/1913.

Lúc đầu, Hoàng Thị Thế được Bouchet nhận trông nom, sau đó giao cho nhà tư sản Nguyễn Hữu Thu ở Hải Phòng chăm sóc. Khi Albert Sarraut sang làm Toàn quyền Đông Dương (từ 15/11/1911 đến 3/1/1914), bà được ông nhận làm con nuôi, lấy tên là Marie Beatric Destham, rồi đưa qua Pháp học khi mới 16 tuổi.

Năm 1925, sau khi học xong tú tài phần 1, Hoàng Thị Thế được đưa về Việt Nam, làm thủ thư ở Phủ Thống sứ Bắc kỳ với tư cách là viên chức Pháp. Bà ở cùng em trai tên là Hoàng Văn Vi ở phố Hàm Long. Đến năm 1927, bà được đưa trở lại Pháp.

Trở lại Pháp (Paris), bà được Albert Sarraut giới thiệu như một công chúa. Tổng thống nước Cộng hòa Pháp lúc này là Paul Doumer (từng là Toàn quyền Đông Dương từ năm 1897 đến 1902) đã nhận làm cha đỡ đầu và cấp cho bà một khoản trợ cấp nhiều tranh cãi.

Hoàng Thị Thế trong bộ váy cưới. Bà kết hôn ngày 14/8/1931, ở Tòa thị chính Saint Amand. Ảnh chụp lại từ sách Kỷ niệm thời thơ ấu.

Theo Tuần báo Thức tỉnh kinh tế Đông Dương (L’ Evil économique de l’Indochine, xuất bản ở Đông Dương, do do ông H. Cucherousset là chủ bút) ra ngày 12/6/1932, bà được nhận phụ cấp 30.000 fr tiền đền bù những tài sản tịch thu của cha bà gồm 30.000ha đất mà bà đã yêu cầu số tiền đền bù là 500.000 fr.

Năm 1930, Hoàng Thị Thế bước vào con đường nghệ sĩ khi tham gia đóng bộ phim Lá thư của Louis Mercanton. Bà tự xưng là “công chúa Hoàng Thị Thế” và báo chí gọi bà là “Công chúa Trung Hoa”.

Người làm chứng cho cô dâu là cựu Toàn quyền Albert Sarraut


Năm 1931, Hoàng Thị Thế kết hôn với ông Robert Buorges, người Pháp gốc Bỉ. Đề cập đến sự kiện này, Tuần báo Thức tỉnh kinh tế Đông Dương ra ngày 25/10/1931 cho biết:

Đám cưới diễn ra ở Tòa thị chính Saint Amand ở Caudéran ngày 14/8/1931. Chú rể là Jean Joseph Bernard Robert Bourgès, 24 tuổi, không nghề nghiệp. Người làm chứng cho đám cưới là Albert Sarraut, Thượng nghị sĩ toàn quyền các thuộc địa và Đại sứ Pháp. Cuộc hôn nhân này đã gây nên phản ứng trên một số tờ báo, vì dòng chữ danh xưng “công chúa” Hoàng Thị Thế ghi trên giấy báo hỉ.

Title bài Lễ cưới của cô Hoàng Thị Thế trên tờ Hà Thành số 1274, ra ngày 13/11/1931. Nguồn: Thư viện quốc gia Việt Nam.

Tờ Hà Thành Ngọ báo số 1274 ra ngày 13/11/1931 đã đăng bài Lễ cưới của cô Hoàng Thị Thế con của Đề Thám đã được cử hành ở nhà thờ Candéran bên Bordeaux. Bài báo cho biết vừa rồi, ở nhà thờ Candéran đã làm lễ cưới cho cô Hoàng Thị Thế - một người đàn bà Việt Nam, mà chính là con Đề Thám, không phải như một số tờ báo Tây đã nói là một vị công chúa con vua Tàu.

Bài báo cũng cho biết báo Tây khen Hoàng Thị Thế là một người đàn bà rất đẹp, rất tươi, cử chỉ và ngôn ngữ giống như một người đàn bà Pháp. Cô nói tiếng Tây rất rành và thạo. Cô là con nuôi Paul Doumer hiện là Tổng thống Pháp và Albert Sarraut. Hai ông này đều là cựu Toàn quyền Đông Dương.

Lễ cưới do ông Ganthier làm chủ tọa. Trước mặt mọi người, ông đã đọc một bài diễn văn mừng cho cặp vợ chồng mới. Người làm chứng cho cho cô Hoàng Thị Thế là ông Albert Sarraut, còn người làm chứng cho Robert Bourgès là ông Réne Bubos.

Trong khi dự tiệc tại nhà riêng của của cô Hoàng Thị Thế tại đường Carnot, thuộc về khu đất Pare Bordelais, ông Albert Sarraut có nói nhiều câu chúc mừng cặp vợ chồng mới "nghe ra có ý thương mến nhiều lắm".

Sau lễ cưới, báo chí ở trong nước ra sức khai thác mối quan hệ của Hoàng Thị Thế với ông Paul Doumer, ông Albert Sarraut và theo sát những hoạt động của Hoàng Thị Thế trên đất Pháp.

6/5/1932, Tổng thống Paul Doumer bị một người Nga Gorguloff ám sát. Hoàng Thị Thế là người đầu tiên sơ cứu cho ông. Tờ Trung lập ở Sài Gòn nói bà cũng đau đớn thảm sầu khi Paul Doumer mất đi.

Năm 1935, Hoàng Thị Thế sinh hạ một con trai đặt tên là Jean Marie Albert Arthur và tiếp tục có các vai diễn trong các phim. Năm 1940 bà ly hôn Robert Bourgès.

Năm 1960, Hoàng Thị Thế trở về Việt Nam, lúc đầu ở Hà Nội, sau bà về Bắc Giang. Năm 1974, bà ở căn hộ số 31, E1 khu Tập thể Văn Chương, Hà Nội. Bà qua đời ngày 9/12/1988 và được đưa về Phồn Xương, Yên Thế, Bắc Giang.

Theo Zing