Từ cuối tháng 5/1945, nhân dân tỉnh Tuyên Quang nói chung, phụ nữ trong tỉnh nói riêng tham gia tích cực xây dựng Khu Giải phóng, phục vụ Trung ương và Chính phủ, chuẩn bị các điều kiện để tham gia Tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở địa phương và toàn quốc.

Ở thời điểm này, Hồ Chí Minh chuyển từ Cao Bằng về xã Tân Trào, huyện Sơn Dương và gia đình bà Lương Thị Khanh vinh dự được phục vụ Bác trong những ngày đầu chuyển về đây.

Đầu tháng 6/1945, Ủy ban Khu Giải phóng và đồng chí Võ Nguyên Giáp cũng chuyển về xã Tân Trào và được nhân dân bảo vệ, cung cấp lương thực và đóng góp sức người, sức của xây dựng nơi làm việc của các cơ quan Trung ương và Mặt trận Việt Minh, xây dựng lực lượng vũ trang và tự vệ.

Phụ nữ các dân tộc Tuyên Quang là lực lượng chủ yếu thực hiện công việc phục vụ chính quyền cách mạng.

Sau khi Nhật đảo chính Pháp, phát xít Nhật lôi kéo thanh niên Việt Nam vào cuộc chiến tranh bằng cách lập ra tổ chức Thanh niên ở các xứ. Tại Nam Kỳ, lợi dụng thời cơ này, một hình thức tổ chức mới của phụ nữ Nam Kỳ ra đời: Phụ nữ Tiền phong. Đây là một tổ chức hoạt động cách mạng hợp pháp và công khai của phụ nữ Nam Kỳ, đã thu hút được đông đảo phụ nữ ở các vùng, miền tham gia. Ở các tỉnh thành lập Hội phụ nữ Tiền phong tỉnh.

Như vậy ở Nam Bộ có hai tổ chức phụ nữ cùng hoạt động trong giai đoạn này: Đoàn Phụ nữ Cứu quốc và Phụ nữ Tiền phong.

Phụ nữ Tiền phong đã tham gia vào các công việc có ý nghĩa xã hội và chính trị quan trọng như: chống dịch tả, mở các lớp cứu thương...

Trong thời kỳ tiền khởi nghĩa, các chiến khu Trần Hưng Đạo (Đồng Triều), chiến khu Kim Sơn (Kiến An) thành lập, có 36 phụ nữ dự huấn luyện quân sự tại chiến khu Trần Hưng Đạo, gồm các nữ công nhân mỏ Mạo Khê, nữ nông dân Bắc Mã và một số nữ sinh từ Kim Thành, Cẩm Giàng tham gia. Một tiểu đội nữ tự vệ  Bắc Mã do chị Được chỉ huy canh gác, bảo vệ chiến khu. Phụ nữ Đông Triều, Chí Linh đóng góp gạo, củi tiếp tế cho anh chị em trong chiến khu.

Phá kho thóc Nhật cứu đói đã trở thành vấn đề bức xúc được nhân dân quần chúng nhiệt liệt hưởng ứng. Tại Hòa Bình, anh chị em nông dân Lương Sơn, Lạc Thủy phá kho thóc Yên Lộ, Quảng Diệu, Yên Đội Hạ. Ở Kiến An, anh chị em Kiến Thụy, An Lão, Thủy Nguyên, Tiên Lãng phá kho thóc Nhật và của địa chủ cường hào, chặn bắt các tuyến chở thóc cho Nhật trên các sông Luộc, sông Lạch Chay, sông Kinh Thầy.

Phụ nữ còn tích cực đi vận động bán tín phiếu Việt Minh lấy tiền mua vũ khí, lương thực để chuẩn bị Tổng khởi nghĩa. Xã Vạn Phúc đã mua được 2.000 đồng tín phiếu (bằng giá 10 tấn gạo).

Khắp các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, chị em sôi nổi quyên góp tiền, trang bị vũ khí thô sơ cho dân quân tự vệ. Nhiều đoàn viên phụ nữ cứu quốc trẻ tham gia các đội tự vệ, dân quân và các đội cứu thương. Một số nơi, chị em được tuyển vào đội danh dự trừ gian hoặc đội tuyên truyền vũ trang giải thích chính sách khoan hồng của Việt Minh. 

Trong Cách mạng tháng 8/1945, nhiều nữ chiến sĩ cách mạng đã được giao trọng trách: ở Hải Dương, chị Ngô Thị Sâm chỉ đạo giành chính quyền huyện Cẩm Giàng, chị Bùi Thị Phương Diệm giành chính quyền huyện Ninh Giang. Ở Hà Đông, chị Trương Thị Mỹ chỉ huy chiếm huyện Hoài Đức, sau khi lực lượng vũ trang tiền vào phủ đường, chị đã bắt tri phủ đầu hàng, cảnh cáo tên Việt gian Hàn Thực và trừng trị một tên cướp nguy hiểm. Ở Sơn Tây, chị Nguyễn Thị Hảo (Minh Nhã) được lệnh tổ chức việc khởi nghĩa  Quốc Oai ngày 16/8/1945. Để hỗ trợ, xứ ủy điều 30 tự vệ do đồng chí Trần Danh Tuyên chỉ huy hợp sức huyện lỵ. Lính huyện không mở cổng bắn trả, quân ta rút ra bao vây phủ đường. Đồng thời huy động hàng ngàn dân các xã trong huyện cùng lực lượng vũ trang khởi nghĩa áp sát vị trí và bắn hàng loạt súng chỉ thiên thị uy... Trước khí thế mạnh mẽ của lực lượng cách mạng, lính huyện đã xin đầu hàng.

Ở Hà Nội, Ủy ban quân sự cách mạng chủ trương biến cuộc mít tinh do tổng hội viên chức của chính quyền Trần Trong Kim tổ chức chiều 17/8/1945 thành cuộc mít tinh ủng hộ Việt Minh. Các tổ chức cứu quốc nội ngoại thành và một số phủ, huyện giáp Hà Nội đã được lệnh bí mật huy động quần chúng tham gia cuộc mít tinh này và có đem theo cờ đỏ sao vàng. Đồng thời một số tuyên truyền xung phong đã được bố trí sẵn tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Khi cuộc mít tinh bắt đầu, một lá cờ đỏ sao vàng rộng lớn tung bay trên gác Nhà hát Lớn, cùng lúc đó 3 đội viên tuyên truyền xung phong (trong đó 2 chị Từ Trang và Nguyễn Khoa Diệu Hồng) xung phong lên diễn thuyết, báo tin Nhật đã đầu hàng không điều kiện và kêu gọi đồng bào ủng hộ Việt Minh tổng khởi nghĩa.

Sáng ngày 22/8/1945 tại Hòa Bình, Ban cán sự Tỉnh ủy và chi bộ xã giao cho chị Phùng Thị Hán vận động quần chúng nhân dân nổi dậy giành chính quyền châu Kỳ Sơn và xã Phương Lâm. Đi đầu đoàn quân là các chị Phan Thị Biên, Nguyễn Thị Ninh, Dương Thị Khánh cầm cờ đỏ biểu ngữ, chị Lê Thị Tâm chỉ huy tự vệ. Lực lượng vũ trang khởi nghĩa chiếm Hội đồng nhân biểu thị xã. Tiếp đó, đoàn quân tiến về giành chính quyền chây Kỳ Sơn và xã Phương Lâm. Ở Châu Lương Sơn, chị em dân tộc Mường đã hăng hái cầm cờ đỏ sao vàng cùng lực lượng khởi nghĩa đi thanh lập chính quyền nhân dân ở các xã. Phụ nữ các dân tộc Dao, Mường, Tày, Thái ở Sơn Tây và Hòa Bình hăng hái tích cực tham gia khởi nghĩa. Qua quá trình rèn luyện, một số chị được bồi dưỡng thành cốt cán của Đoàn Phụ nữ Cứu quốc tỉnh, huyện.

Trước ngày khởi nghĩa, ở Nam Bộ các tổ chức Phụ nữ cứu quốc, Phụ nữ Tiền phong đã tích cực chuẩn bị mọi công việc cho Tổng khởi nghĩa (may cờ đỏ sao vàng, cờ búa liềm, thuốc cứu thương và chữa bệnh, lương thực và thậm chí cả vũ khí).

Ngày 25/8/1945 hàng vạn phụ nữ của các tổ chức Phụ nữ Cứu quốc, Tiền phong, nông dân, cứu thương, Phụ nữ Công đoàn, Phụ nữ Chợ... hòa chung vào dòng người Tổng khởi nghĩa tiến vào Sài Gòn giành chính quyền.

Từ ngày 23 đến ngày 25/8 hàng trăm cán bộ phụ nữ qua đấu tranh cách mạng đã được cử vào các cấp lãnh đạo Đảng, chính quyền. Tiêu biểu là chị Trần Thị Nhường (Bà Sáu Ngài) được cử làm Bí thư tỉnh ủy Sa Đéc, chị Nguyễn Thị Hồng tham gia chính quyền tỉnh Mỹ Tho, chị Nguyễn Thị Định tham gia chính quyền tỉnh Bến Tre.

Giữa tháng 8/1945, khí thế cách mạng trong cả nước sôi nổi, Tổng khởi nghĩa giành chính quyền diễn ra liên tiếp ở các địa phương. Trong lực lượng lãnh đạo Tổng khởi nghĩa, nhiều cán bộ nữ là cán bộ chủ chốt của Hội phụ nữ Cứu quốc đảm nhiệm vị trí trọng yếu.

Ở Hà Nội chị Nguyễn Khoa Diệu Hồng diễn thuyết tại cuộc mít tinh trên quảng trường Nhà hát Lớn TP Hà Nội ngày 17/8/1945. Chị Hà Thị Quế lãnh đạo cướp chính quyền ở tỉnh Bắc Giang. Chị Trương Thị Mỹ tham gia lãnh đạo khởi nghĩa cướp chính quyền ở huyện Hoài Đức (Hà Đông). Chị Phan Thị Nể là Phó ban chỉ huy khởi nghĩa cướp chính quyền ở Hội An. Chị Nguyễn Thị Định dẫn đầu đoàn người vào chiếm thị xã Bến Tre. Chị Trần Thị Nhường  lãnh đạo khởi nghĩa Sa Đéc...

Lược trích Biên niên lịch sử Hội LHPN VN/ Phụ nữ Việt Nam