Lễ ký kết khởi động dự án “Xây dựng mô hình phòng, chống bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái tại Việt Nam và tham vấn về các dịch vụ thiết yếu cho nạn nhân của bạo lực trên cơ sở giới” 


Bộ LĐ-TB&XH và Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA), Quỹ dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tổ chức Lễ ký kết khởi động dự án “Xây dựng mô hình phòng, chống bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái tại Việt Nam và tham vấn về các dịch vụ thiết yếu cho nạn nhân của bạo lực trên cơ sở giới”.

Ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, cho rằng Việt Nam đã có những nỗ lực thực hiện bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái. Đặc biệt, thông qua tháng hành động vừa qua đã đem lại hiệu ứng tích cực, khoảng cách giới ngày càng thu hẹp hơn trong thực tế đời sống của cộng đồng, xã hội.

Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn không ít khó khăn, trở ngại do thiếu các dịch vụ phòng ngừa và ứng phó kịp thời với bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt là các dịch vụ đạt chuẩn để đáp ứng cho các nạn nhân một cách kịp thời và toàn diện. Ông Diệp cũng đánh giá cao việc hợp tác này sẽ đem lại những hiệu quả tích cực, góp phần giảm định kiện giới đang tồn tại trong bộ phận lớn người dân; cũng như nâng cao năng lực cán bộ làm công tác bình đẳng giới, phòng chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái.

Phát biểu tại buổi lễ, bà Lee Mi-kyung, Chủ tịch KOICA, cho rằng bạo lực trên cơ sở giới là thực trạng ở nhiều quốc gia phát triển và đang phát triển, gây ra hậu quả nghiêm trọng với cá nhân người bị bạc lực, mà còn ảnh hưởng lớn tới sự phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia. “Dự án này góp phần bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em gái Việt Nam - những người là nạn nhân của bạo lực tình dục; đồng thời góp phần thúc đẩy bình đẳng giới và tăng cường sự hợp tác giữa Hàn Quốc và Việt Nam”, bà Lee Mi-kyung nói.

Theo ban tổ chức, dự án có tổng ngân sách 2,56 triệu USD cho giai đoạn 2018 – 2020, nhằm triển khai thực hiện thành công Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 – 2020 thông qua việc xây dựng mô hình hỗ trợ phòng chống bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái.

Trong đó đặt ra mục tiêu cụ thể là: Xây dựng mô hình trung tâm can thiệp bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt là nạn nhân bạo lực tình dục tại Quảng Ninh và một số khu công nghiệp của các tỉnh/thành lân cận.

Đồng thời hỗ trợ đào tạo, nâng cao năng lực cho các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia, người cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho nạn nhân; Nâng cao nhận thức về ngăn ngừa bạo lực tại nơi công cộng, nơi làm việc thông qua các chiến dịch tại địa phương.

PVH