Cô Trinh và những trò cưng


Trần Thị Thu Trinh năm nay 28 tuổi, cô về công tác ở Trường tiểu học Nguyễn Đức Cảnh, xã Hưng Bình, huyện Đăk r'lấp, tỉnh Đăk Nông từ năm 2010 đến nay.
Cô giáo dạy mỹ thuật với vóc dáng cao ráo, khuôn mặt xinh và mái tóc dài gần quá hông được không chỉ một mà còn nhiều nhiều học sinh gọi bằng “mẹ”. Tình cảm xúc động ấy, đã tiếp thêm sức mạnh cho Trinh vượt qua bao khó khăn của điểm trường nghèo miền núi, vẽ giấc mơ cho hàng trăm em nhỏ.
Một lớp chỉ có 5 học sinh
Cô giáo Trần Thị Thu Trinh sinh ra và lớn lên ở huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Lắk. Năm 2010, cô Trinh tốt nghiệp và bắt đầu công tác ở huyện Đăk r'lấp, tỉnh Đắk Nông cách huyện Krông Nô, quê hương của cô gần 180 km.
Ngày đó, ba Trinh mới qua đời được vài tháng, Trinh muốn có thể sớm đi làm, phụ thêm mẹ chi phí sinh hoạt hằng ngày. May sao có người thân cho biết ở huyện Đăk r'lấp đang có đợt xét tuyển giáo viên dạy mỹ thuật, Trinh làm hồ sơ và được nhận.

Cô giáo Trần Thị Thu Trinh
Đăk r'lấp là một miền đất hoàn toàn xa lạ, để tới huyện này, phải đi qua đường biên giới quốc lộ 14B, toàn đường rừng vắng tanh. Cô giáo trẻ vẫn chưa thể quên những ngày đầu mới nhận công tác, cô hồi tưởng: “Trường Nguyễn Đức Cảnh có 1 điểm chính và 3 phân hiệu, trong đó phân hiệu ở bon (giống như bản, làng) Châu Mạ khó khăn nhất, đây cũng là nơi tôi dạy học.
Lần đầu đến đây, tôi thấy trường còn khó khăn, cũng có chút lo lắng, vì sắp bắt đầu một cuộc sống mới ở nơi không một người quen, xa mẹ, xa các em. Tuy nhiên, tôi nghĩ đến các anh chị đồng nghiệp đi trước, vì yêu học sinh mà đi qua khó khăn, bùn lầy, làm gương khai sáng thì tôi cũng sẽ vượt qua được”.
Tại Châu Mạ, nơi chủ yếu học sinh là dân tộc M’Nông, có khi một lớp học chỉ có 4 -5 học sinh, nên cảnh thường thấy ở trường học của Trinh là một lớp với 2 chiếc bảng để sát nhau, một bên dạy lớp 2, bên kia dạy lớp 3. “Chúng tôi ghép học sinh lại, để các bé thấy lớp đông vui hơn, nhờ thế sẽ yêu thích đến trường hơn”, Trinh giải thích.
Nơi Trinh công tác, phụ huynh của học sinh chủ yếu làm nương rẫy hoặc đi làm thuê, gia cảnh khó khăn, Trinh và nhiều đồng nghiệp rất nhiều lần phải đến từng nhà động viên các học trò không được nghỉ học nữa mà phải tiếp tục đến trường. May mắn với Trinh là môn mỹ thuật được các trò thích, số học trò đến lớp đầy đủ. Cô Trinh chưa quên, có những trò, tranh thủ đi trút mủ cao su phụ cho ba mẹ, bị ong đốt sưng vù mặt vẫn cố gắng đến trường.
Theo Thanh niên