Chị Lê Hồng Nhung

Chị Lê Hồng Nhung là Ủy viên Ban chấp hành Hội người VN tại Trung tâm Thương mại Sapa, Cộng hòa Séc, đồng thời cũng là giáo viên dạy tiếng Việt cho con em người Việt tại đây. Tham gia chương trình hôm nay, chị Lê Hồng Nhung chia sẻ về việc dạy và học tiếng Việt ở nước ngoài, cũng như những suy nghĩ trong hoạt động cộng đồng.

PV: Thưa chị Lê Hồng Nhung, được biết chị đã có 12 năm đứng lớp cho các lớp dạy tiếng Việt tại Cộng hòa Séc. Chị có thể cho biết hoạt động dạy tiếng Việt này tại Trung tâm thương mại Praha?

Chị Lê Hồng Nhung: Cộng đồng người Việt Nam tại CH Séc luôn coi trọng và gìn giữ tiếng Việt cho thế hệ trẻ tương lai, tại Trung tâm thương mại Sapa ở Praha, Cộng hòa Séc, chúng tôi có một Trung tâm tiếng Việt hoạt động từ trước khi tôi đến dạy ở đây, có thể là đã được 15 năm rồi. Hiện tại chúng tôi có 3 lớp tiếng Việt theo 3 trình độ: trình độ A1 cho người mới bắt đầu; tiếp đó là trình độ A2 cho những người bắt đầu biết đọc, viết và nâng cao hơn một chút; thứ 3 là trình độ B1, luyện dịch, ngữ pháp và dịch sách. Hiện tại chúng tôi chỉ có 3 giáo viên vì dạy tiếng Việt không thể là nghề kiếm sống được mà chỉ vì lòng yêu nghề, muốn gìn giữ văn hóa, gìn giữ tiếng mẹ đẻ cho con em chúng ta nên chúng tôi đến dạy cho các em.

PV: So với giáo trình ban đầu thì giáo trình dạy tiếng Việt cho tới nay có thay đổi gì không?

Chị Lê Hồng Nhung: Nói đến giáo trình dạy tiếng Việt, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Ban đầu chúng tôi phải mày mò rất nhiều để tìm ra được một giáo trình phù hợp với các em tại Séc. Bộ Giáo dục đào tạo và Bộ ngoại giao cũng đã tổ chức những lớp tập huấn về phương pháp dạy tiếng Việt cho người VN ở nước ngoài, nhưng thực ra đó chỉ là giáo trình cho cho tất cả các nước. Khi giáo trình đó áp dụng vào từng đất nước thì lại phải thay đổi nhiều cho phù hợp. Chúng tôi không thể sử dụng toàn bộ giáo trình ấy mà chỉ gắp từng phần nhỏ để áp dụng vào phần giảng dạy của mình. Ở Séc, mọi người đã có đề án soạn ra bộ sách giáo khoa song ngữ Việt Séc dành cho thế hệ trẻ người Việt sinh ra và lớn lên, học tập tại Cộng hòa Séc.

PV: Các giáo viên dạy tiếng Việt cũng chỉ đến lớp vì lòng nhiệt tình, vào 2 ngày cuối tuần thứ 7 và Chủ nhật. Còn các em nhỏ, hàng ngày đến trường học bằng tiếng Séc, chỉ cuối tuần mới đến lớp tiếng Việt tại Trung tâm thương mại Sapa. Vậy làm thế nào để có sự lôi cuốn các em đến với lớp học tiếng Việt này?


Chị Lê Hồng Nhung: Để lớp tiếng Việt được duy trì và phát triển như hiện nay, chúng tôi phải nhắc tới sự tâm huyết và quyết tâm của các bậc phụ huynh đưa con đến lớp vào những ngày cuối tuần. Các cháu rất muốn được nghỉ vì đi học cả tuần, chỉ có 2 ngày nghỉ mà lại phải đến trường nên cũng không phải dễ dàng. Vì vậy các bậc phụ huynh đã phải rất quyết tâm đưa con đến lớp để các cháu không quên tiếng mẹ đẻ, không quên văn hóa Việt Nam. Bên cạnh đó, đội ngũ giáo viên chúng tôi đã soạn thảo ra giáo trình học thú vị, ngoài phần học văn hóa còn kết hợp với những trò chơi, những câu chuyện để các cháu hoạt động ngoại khóa vui vẻ, không cảm thấy chán.


PV: Được biết bên cạnh việc dạy tiếng Việt, chị cũng thường xuyên tham gia các hoạt động khác trong cộng đồng?!

Chị Lê Hồng Nhung: Hiện tại thế hệ trẻ chúng tôi đang sinh sống và học tập tại Cộng hòa Séc rất đông, mọi người tham gia vào các hoạt động cộng đồng rất tích cực chứ không chỉ riêng tôi. Ai cũng muốn đóng góp một phần nhỏ bé công sức của mình, ai có thời gian thì đóng góp bằng thời gian để tham gia các phong trào, múa hát, rồi cùng mọi người tổ chức các sự kiện… Chúng tôi đều tham gia rất nhiệt tình.

PV: Vâng cảm ơn chị.

Theo VOV5