Căn gác nhỏ xíu ở địa chỉ 31/8 hẻm 50 Phan Văn Hớn, P.Tân Thới Nhất, Q.12, TP.HCM oi ả, ngột ngạt trong tiếng khóc nấc của bé Hoài Ân. Sự buồn rầu hiện rõ mồn một trên gương mặt sạm đen của chị Trinh.

Chị Hồ Thị Mai Trinh (43 tuổi) sinh ra và lớn lên trong một gia đình đông anh em tại một huyện vùng sâu thuộc tỉnh Cà Mau. Vì cuộc sống khó khăn, cha mất sớm nên chị phải bươn chải kiếm tiền từ khi còn nhỏ.
Chị Trinh kể: “Công việc chính của tôi khi còn ở quê là mần cá thuê, hết làm cá thì tôi đi làm vườn thuê,… làm đầu tắt mặt tối nên đâu có thời gian mà yêu đương hay đi chơi xa”.
Trong suy nghĩ của chị, Sài Gòn là một nơi đẹp đẽ, nhộn nhịp,… chị rất muốn một lần được đặt chân đến nhưng chưa có cơ hội. Song, ước mơ đó đã trở thành hiện thực khi chị vô tình gọi nhầm số điện thoại vào máy của người đàn ông xa lạ. Lúc ấy, chị cảm thấy khó chịu khi “người lạ” cứ nhắn tin, gọi điện cho chị liên tục. Đến một ngày “người lạ” gọi điện cho chị, rụt rè nói: “Chị cho tui làm quen có được không?”. Lúc ấy, chị chỉ biết cười rồi đáp: “Sao không nói sớm cha nội, im im hoài ai mà biết”.


Kể từ đó, hai người bắt đầu làm quen, tậm sự, thổ lộ những niềm vui nỗi buồn và cả sự mặc cảm về ngoại hình. “Lúc đó, anh Tùng cũng nói ảnh bệnh nhiều, mặt mũi xấu xí. Nhiều lần tôi chủ động hẹn gặp ảnh nhưng ảnh không chịu, sợ tôi gặp rồi sợ”, chị Trinh kể.
Sau nhiều lần thuyết phục, anh Tùng lấy hết can đảm bắt xe từ Sài Gòn về Cà Mau để gặp mặt “người thương”, đồng thời ra mắt gia đình chị Trinh.
“Lần gặp đầu tiên của tôi và anh Tùng là vào mồng 2 tết, do lần đầu gặp nên tôi cũng hơi bất ngờ về gương mặt của ảnh. Gia đình tôi lúc đó ai cũng giật sững người khi biết ảnh là người bạn trai mà tôi sắp giới thiệu. Lúc bấy giờ trong đầu tôi cứ nghĩ là gia đình sẽ không chấp nhận anh”, chị Trinh kể.
Nhưng sự thật trái ngược với suy nghĩ của chị, mọi người trong gia đình của chị ai cũng ủng hộ việc hai người đến với nhau. Sau khi biết được hoàn cảnh của anh, mẹ chị Trinh đã khóc rất nhiều, bà thương anh Tùng như thương các con của mình vậy.
Bởi chị Trinh và các con của bà đều phải sống cảnh vất vả từ nhỏ. “Mẹ tôi thương anh Tùng lắm, tuy mặt mũi “xấu xí” nhưng tính tình ảnh thì tốt lắm. Mẹ tôi chưa bao giờ chê bai hay miệt thị anh”, chị Trinh tâm sự.
Vui chưa lâu, lại tiếp tục buồn
Và rồi, anh chị cưới nhau trong niềm vui và hạnh phúc của gia đình đôi bên. Ngày ấy, gia đình anh Tùng cũng đâu khá giả gì, chỉ có ít tiền đi chợ nấu vài mâm cơm ra mắt dòng họ.
Tuy lễ cưới không được tổ chức long trọng như bao người, nhưng khoảnh khắc đó sẽ mãi là kỉ niệm đẹp trong ký ức của họ.“Anh Tùng về nhà tôi chơi được hai ba lần là cưới luôn”, chị Trinh cười.
Từ ngày đặt chân đến Sài Gòn, chị Trinh chăm chỉ buôn bán. Vốn là người chịu thương chịu khó, chị bắt đầu làm bánh khoai, luộc khoai rồi bưng đi bán khắp nơi. Tuy công việc cực nhọc nhưng cũng đủ trang trải chi phí cho cả nhà.
Chị Trinh tâm sự: “Anh Tùng bệnh u sợi thần kinh, người ảnh nổi đầy những khối u lớn nhỏ. Căn bệnh này khiến cho các mạch máu bị lòi lên, nếu làm việc nặng các mạch máu sẽ vỡ ra rất nguy hiểm”.

Hàng ngày, anh Tùng ở nhà trông con, rửa khoai cho vợ luộc
Ít lâu sau, bé Hoài Ân ra đời trong niềm vui sướng của anh chị và gia đình 2 bên. Nhưng niềm vui đó sớm bị dập tắt khi Hoài Ân cùng mắc chung một căn bệnh với anh Tùng, thậm chí còn nặng hơn. Đứng nhìn con nằm trong lồng kính, hai vợ chồng chỉ biết ôm nhau khóc nấc.
Kể từ đó, gánh nặng gia đình cứ ngày một đè nặng lên đôi vai người phụ nữ ấy, chị bán cả ngày lẫn đêm, và phải dặn lòng: “phải kiếm được nhiều tiền để lo cho con”. Hoài Ân năm nay đã gần 3 tuổi, nhưng chỉ nặng hơn 9kg, gương mặt sưng húp, Hoài Ân cũng không còn nhìn rõ vì một mắt đã bị mù.
“Bé bệnh u sợi thần kinh, viêm phế quản, hở van tim, hư một bên mắt,… nhìn con đau đớn từng ngày tôi không biết phải làm sao. Nếu có một điều ước, tôi sẽ không ước mình có thật nhiều tiền mà tôi sẽ ước cho gia đình tôi khỏe mạnh, dù có nghèo khổ tui cũng cam lòng”, chị Trinh tâm sự.
Mỗi ngày trôi qua bệnh tình của Hoài Ân càng thêm trở nặng. Hai mẹ con vào bệnh viện thường xuyên hơn, đến nỗi chị không còn thời gian để buôn bán nữa. Anh Tùng cúi mặt rồi nghẹn ngào nói: “Hằng ngày, tôi ở nhà trông con, rửa khoai cho vợ luộc. Tôi rất muốn cùng vợ làm việc để đỡ đần cho vợ nhưng sức khỏe tôi không cho phép, tôi rất buồn”.
Hiện nay, sức khỏe của Hoài Ân ngày một yếu nên các vị mạnh thường quân đã quyên góp tặng cho chị Trinh một bàn máy may, để chị nhận quần áo về sửa tại nhà, tiện cho việc chăm sóc Hoài Ân.

Theo Thanh niên