Cô Nguyễn Thị Thanh 25 năm mở lớp tại nhà dạy học miễn phí cho trẻ nghèo


Căn nhà cấp bốn của cô Nguyễn Thị Thanh (57 tuổi, xã Tiên Thọ, Tiên Phước, Quảng Nam) nằm bên tuyến đường liên thôn. Phía trước hiên nhà là mái tôn nhỏ, tạo khoảng không gian cho hơn 20 em ngồi học. Chủ nhà lấy băng rôn, bạt… che chắn tránh mưa gió, nắng nóng.

Ngày hè, trời nóng bức nhưng học sinh vẫn chăm chỉ học bài dưới sự truyền đạt của cô Thanh. Gia chủ bật quạt điện giúp trẻ tránh ướt đẫm mồ hôi.

Lớp học được cô Thanh mở từ năm 1993. Ngày đó, thấy quê mình có nhiều em trí tuệ kém phát triển, bài vở tiếp thu chậm, không theo kịp các bạn cùng trang lứa, cô Thanh đã mở lớp dạy miễn phí sau thời gian giảng dạy tại trường.  

Ban đầu vài ba học sinh khuyết tật, chậm tiến bộ được cô kèm cặp, sau đó học lực khá hơn. Tiếng lành đồn xa, người dân trong vùng đưa con đến lớp nhờ cô giáo giúp đỡ, số học sinh vì thế tăng lên vài chục. 

Đến lớp, học sinh không phải đóng tiền, nhiều em cha mẹ bận chưa kịp đón về, cô giáo nấu ăn buổi trưa, chiều tiếp tục học. Năm 2016, cô Thanh nghỉ hưu nên dạy cả ngày, từ 7h. 


Buổi học ngày 23/6 cô Thanh dạy các em sau kỳ nghỉ hè lên lớp 3, tuy nhiên có nhiều học sinh học xong lớp 3 vẫn ngồi chung. “Năm học đi qua, số học sinh lớn tuổi còn yếu về kiến thức nên cần được bổ sung. Bằng cách này sang năm các em mới theo kịp những đứa trẻ cùng khóa”, cô Thanh lý giải.

4 giờ học buổi sáng được chia làm hai phần. Hai giờ đầu học tiếng Việt, sau đó nghỉ giữa giờ khoảng 15 phút. Thời gian này, các em tập thể dục tại chỗ và học hát hết khoảng 5 phút; tiếp đến học Toán đến trưa tan lớp.

Buổi chiều, cô giáo dạy lớp 1. Tương tự lớp trước, những em tiếp thu chậm được đưa vào học chung. “Từ ngày về hưu, tôi dạy học từ thứ hai đến thứ bảy cho cấp tiểu học. Thời khóa biểu được lên lịch giống như các em học ở trường”, cựu giáo chức chia sẻ.

Cô Thanh uốn nắn, chỉ dạy từng con chữ cho học sinh.

Gần 25 năm dạy chữ, cô Thanh không đòi hỏi điều gì, chỉ mong trò chăm ngoan, học giỏi. “Có em khuyết tật, không chịu đi học, tôi đến nhà dỗ dành đến lớp. Tôi mua sách vở cho chúng và dạy mấy tháng trời mới viết được chữ. Lúc đó, tôi rất vui”, cô tâm sự.

Cô Thanh hiện ở với mẹ già hơn 94 tuổi, sống nhờ vào khoản lương hưu của cô hơn 5 triệu đồng. Đôi lúc phụ huynh đóng góp 50.000-100.000 đồng, cô Thanh nhận rồi lại dùng để chi trả tiền điện, mua phấn và bút mực cho các em.

“Còn sức, tôi còn duy trì lớp học để bù đắp những thiếu thốn cho bọn trẻ ở quê”, cô Thanh nói. Cô đang ấp ủ xây một phòng học trên miếng đất 40 m2 của gia đình để các em có chỗ học đàng hoàng. 

Em Nguyễn Thùy Duyên, học sinh lớp 3 cho hay ngoài thời gian học ở trường, rất thích đến lớp cô Thanh. “Ở đây cái chi chưa hiểu được cô dạy rất kỹ. Hết bút, sách vở, phấn thì cô Thanh cho”, Duyên nói.

Bà Nguyễn Thị Thanh Tâm, Chủ tịch Hội khuyến học xã Tiên Thọ, đánh giá cô Thanh rất năng nổ trong công tác dạy học tại địa phương. "Cô đã giúp nhiều trẻ khuyết tật, nghèo khó ở xã học miễn phí. Những chuyện cô làm đều xuất phát từ tấm lòng yêu trẻ, yêu nghề giáo”, bà Tâm nói.

Theo VNExpress