Ở cái tuổi “gần đất xa trời”, nhiều người chỉ mong được quay quần bên con cháu, an hưởng tuổi già đã lấy làm mãn nguyện. Thế nhưng, có cụ bà tuổi 80 lại chọn niềm vui là “sự an toàn cho người đi đường”, nên cứ hễ thấy ở đâu có ổ gà, ổ voi là bà phải mua xi măng về trám bằng phẳng mới thôi.

20 năm “vá đường”
“Cả xóm ai cũng biết bà Xin, bà già lắm rồi, mắt kém, đi còn phải chống gậy nữa mà cứ thấy trong hẻm chỗ nào có ổ gà là bà mua xi măng về trám liền. Tui ở đây hơn chục năm, rất nhiều lần thấy bà đi làm đường kiểu vậy”, chị Mì (49 tuổi), một người dân sống trong hẻm 623 CMT8 (quận 10, TP.HCM) cho biết.

Theo chỉ dẫn của chị, tôi tìm đến trước căn nhà nhỏ nằm sâu trong hẻm để gặp cụ bà 80 tuổi được đặt biệt danh “rảnh nhất Sài Gòn” này. Cánh cửa gỗ sơn xanh đã cũ, khóa cài cửa là kiểu “ngày xưa” với miếng sắt dẹp, một đầu thẳng một đầu cong, khi muốn khóa thì chỉ việc móc đầu cong của miếng sắt vào gờ tường là được.


Thấy có người đứng lấp ló bên ngoài, bà hỏi lớn: “Mua than hả con?”, đoạn, bà với lấy cây gậy để chống rồi từ từ bước ra mở cửa.

Qua khe hở trên cửa sổ, tôi có thể ước chừng được khoảng cách từ chiếc giường nơi bà nằm ra đến cửa chỉ tầm 3m, nhưng bà phải mất gần hai phút để đi, thay vì chỉ vài giây như một người khỏe mạnh bình thường. Thoáng nghĩ đến những lần bà tự mua xi măng về trộn, cẩn thận trám từng ổ gà trong con hẻm… tôi thấy thương mà cũng vừa nể phục bà.
Bà tên Trần Thị Xin (80 tuổi, người gốc Hà Nội) cùng gia đình chuyển vào miền Nam từ những năm 1954 – 1955. Hàng xóm xung quanh cho biết: “Bà Xin không có chồng con gì hết. Sau khi cha mẹ với hai anh trai mất thì bà sống trong nhà đó một mình luôn”.
Ánh mắt bà nheo lại khi nhớ về ngày xưa: “Xưa tôi bán nước ngọt với kẹo cho trẻ con trong xóm là nhiều nhất, chiều nào cũng đứa lớn đứa bé sang xếp hàng mua kẹo Big Babol để ăn rồi thổi bong bóng”.
Được một thời gian thì bà đóng cửa tiệm tạp hóa vì "bây giờ người ta chủ yếu đi siêu thị mua sắm". Phần nữa do sức khỏe ngày một yếu đi, trí nhớ của bà cũng suy giảm nên không còn minh mẫn để nhớ chi tiết từng món hàng bán cho khách nữa. Để kiếm đồng ra đồng vào, bà Xin chuyển sang bán than.

Chỉ tay về phía tấm ảnh người đàn ông trên bàn thờ, bà xúc động nói: “Anh trai tôi, hồi xưa lúc tôi phải phẫu thuật khớp, ông là người chạy khắp nơi kiếm tiền lo thuốc thang, viện phí. Từ hồi ông ấy mất thì tôi ở một mình, mấy đứa cháu sợ buồn nên đòi đưa tôi sang Mỹ ở chung, mà thôi, ở đây còn lo hương khói chứ đi rồi ai mà lo”.
Thấy tôi im lặng, bà cười hiền: “Tôi ở một mình thì hơi buồn, mà đổi lại nó cũng khỏe. Muốn ăn ngủ lúc nào, chơi lúc nào cũng được”.
Nói về công việc “vá đường” của mình, bà Xin tâm sự: “Hồi trước, trong hẻm có nhiều ổ gà, mấy đứa nhỏ chạy đi chơi vấp phải là té chảy máu chân, tôi thấy xót lắm. Còn chưa nói tới mấy ngày trời mưa, mưa to mưa nhỏ gì cũng đọng nước khắp nơi. Xe máy chạy ngang qua thì nước văng tung tóe, có người không để ý còn ngã xe rất nguy hiểm”.

Theo nhiều người dân sống tại khu vực, chính quyền địa phương cũng nhiều lần cho người đến sửa chữa, “nhưng mà cái gì mình dùng nhiều thì nó nhanh hư, như đường đi nhiều thì cũng phải có ổ gà ổ vịt thôi”.
Thấy vậy, bà Xin quyết định mua xi măng về trộn, rồi tự mình đi trám tất cả những ổ gà trong hẻm. Để xi măng nhanh khô và mọi người biết đường mà tránh khi chạy xe qua, bà Xin còn cẩn thận lấy nhiều tấm ván đặt làm dấu ngay những chỗ hỏng vừa được lấp trên đường.
Khi tôi hỏi bà lấy tiền đâu để mua xi măng, có tốn kém lắm không, bà phẩy tay: “Ôi giời, chả mất bao nhiêu tiền. Xưa tôi lấy tiền bán tạp hóa, giờ thì có tiền bán than đây. Mà cũng nhiều cô cậu thanh niên thấy tôi làm vậy thì đóng góp thêm vài chục, một trăm nghìn để mua xi măng. Có hôm còn ra phụ tôi trám ổ gà nữa”.
Từ dạo ấy đến nay, đã gần 20 năm trôi qua, bà Xin vẫn miệt mài “vá đường” mỗi khi lớp xi măng cũ mòn đi hoặc nứt ra để lộ những ổ gà xấu xí.
Bà tâm sự: “Trên phường người ta cũng xuống thăm hỏi, khen thưởng tôi đã có công giữ gìn đường sá sạch đẹp. Riêng tôi thấy đó không phải việc gì to lớn, tôi rất ngại nhiều người khen hay nói tốt về mình. Tính tôi trước giờ không thích ỉ lại, cứ cái gì vừa sức thì mình tự làm. Người ta xây đường thì mình phải gìn giữ. Tôi còn sức thì còn làm, chỉ mong bà con đi lại được an toàn thôi".


Theo Thanh niên