Cụ Hoàng Thị Minh Hồ đã tạ thế hồi 23h20 đêm 5/11, hưởng thọ 104 tuổi.


Cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ sinh năm 1914 tại Hà Nội. Thân sinh là cụ Hoàng Đạo Phương, vừa là nhà nho vừa là một thương gia giàu có ở phố Hàng Đào.

Năm 1932, khi đó ở tuổi 18 tuổi, bà Hoàng Thị Minh Hồ lập gia thất với ông Trịnh Văn Bô (sinh năm 1914), là con út trong gia đình 3 anh chị em. Thân sinh là cụ Trịnh Phúc Lợi, một doanh nhân Việt Nam đầu thế kỷ 20. Mẹ ông Trịnh Văn Bô họ Phan, người gốc Hoa, về sau cùng chồng quản lý thành công hiệu buôn Phúc Lợi. Không chỉ là một doanh nhân thành đạt, cha ông còn là thầy của nhiều doanh nhân nổi danh như Nguyễn Đức Mậu (hiệu Phát Đạt), Mai Bá Lân (hiệu Lợi Quyền), Vương Xuân Tọa (hiệu Lợi Hòa)....

Thành vợ thành chồng, vợ chồng ông bà Hoàng Thị Minh Hồ được cha mẹ cho ở riêng tại nhà số 48 Hàng Ngang và kế thừa hiệu buôn tơ lụa Phúc Lợi.

Trong sự nghiệp kinh doanh của chồng, bà Minh Hồ đóng một vai trò quan trọng. Theo lời kể của bà, toàn bộ tài sản gia đình có được đều nhờ tiệm vải Phúc Lợi. Tiệm không chỉ phục vụ người Việt mà còn giao thương khắp khu vực Đông Dương, Trung Quốc, Nhật Bản, Thụy Sĩ, Ấn Độ...

Nhớ lời cha dặn: “Cha già cha chưa làm tròn việc nước, sau này con nào có điều kiện thì giúp nước thay cha” cụ Hoàng Thị Minh Hồ luôn có tâm nguyện làm việc gì đó đóng góp cho cách mạng và giúp đỡ nhân dân.

Những ngày đầu Cách mạng Tháng Tám 1945 và những ngày đầu thành lập nước, gia đình doanh nhân Trịnh Văn Bô có những đóng góp to lớn cho cách mạng. 

Thời điểm đó, hưởng ứng Tuần lễ vàng do Chính phủ phát động, gia đình cụ Hoàng Thị Minh Hồ đã ủng hộ 5.147 lượng vàng, đồng thời vận động giới doanh nhân Hà Nội ủng hộ trên 1.000 lạng nữa. 

Nạn đói năm 1945, gia đình cụ còn mang tiền đi cứu trợ người dân, mua 1.000 vé phát cháo cho người đói ngoài đường. 

Ngôi nhà 48 Hàng Ngang của gia đình cụ chính là nơi Trung ương Đảng chọn làm cơ sở hoạt động, đón Bác Hồ về ở và làm việc trong thời gian từ ngày 24/8 - 27/9/1945, chuẩn bị cho việc ra mắt Chính phủ lâm thời và cả trong những ngày đầu Chính phủ đã ra mắt. 

Đặc biệt, tại đây Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khởi thảo ra bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Gia đình cụ dành trọn tầng 2 ngôi nhà làm nơi ở và làm việc cho Bác Hồ và các đồng chí trong Trung ương Đảng, đảm bảo sự bí mật và thuận lợi. 

Trong thời gian này, cụ Hoàng Thị Minh Hồ đã tận tụy phục vụ cơm nước, chăm lo cho Bác mà không hề biết rằng đó là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đến ngày Tuyên ngôn độc lập, ra mắt Chính phủ lâm thời, gia đình cụ lại cung cấp phần lớn y phục cho Bác Hồ và các đồng chí trong Trung ương Đảng. Với những cống hiến hết mình cho cách mạng, Bác Hồ đã xúc động bày tỏ: “Gia đình cô là ân nhân của cách mạng”. 

 
Sau này, ngôi nhà 48 Hàng Ngang được Nhà nước công nhận là Di tích cách mạng, trưng bày các hiện vật liên quan đến hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian Người ở đây. 

Ông Trịnh Cần Chính, con trai cụ Hoàng Thị Minh Hồ cho biết, trước khi ra đi cụ vẫn căn dặn con cháu cố gắng làm ăn, kinh doanh tốt để có điều kiện giúp đỡ những người nghèo khó. 

Dù tuổi cao sức yếu, không thể tránh khỏi quy luật tự nhiên nhưng sự ra đi cụ của Hoàng Thị Minh Hồ để lại bao tiếc thương trong lòng người ở lại. Bởi không chỉ có nhiều đóng góp cho cách mạng, cụ Hoàng Thị Minh Hồ còn được coi là hình mẫu doanh nhân đầu tiên của Việt Nam với tài đức vẹn toàn.

PV  tổng hợp