Ngày nhận bằng tiến sĩ chuyên ngành Vật lý (ĐH Sokendai, Nhật Bản), Quách Mỹ Uyên Nhi nhớ lại quãng đường khó khăn mà mình đã đi qua.

Tài chính gia đình khó khăn, không có nhiều sự hỗ trợ về kinh tế, có lúc phải về nước, bỏ dở việc học, nhưng bằng quyết tâm, cô vẫn cố gắng đi hết hành trình để hoàn thành mục tiêu của mình.

Luôn nỗ lực

Năm 2010, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Vật lý tiên tiến, ĐH Sư phạm Huế, Uyên Nhi (sinh năm 1988) ấp ủ dự định đi du học. Cô thuyết phục cha mẹ để được ra Hà Nội ôn luyện tiếng Anh.

Không có gia đình hỗ trợ, lại vừa ra trường, Nhi gặp không ít khó khăn. Cô phải làm thêm rất nhiều công việc để có tiền trang trải sinh hoạt phí.

“Với tôi, mọi thứ xảy ra trong những ngày chân ướt chân ráo lên Hà Nội đều quá mới lạ và bỡ ngỡ. Do không có bạn bè, đôi lúc, tôi cảm thấy rất cô đơn và tủi thân. Để thuê được phòng trọ giá rẻ, nhiều tuần liền, từ sáng sớm tới đêm muộn, tôi đi gõ cửa, hỏi thăm từng nhà. Hay những tháng bị chậm tiền lương, 3-4 ngày liền, tôi ăn cơm với nước mắm, trong túi còn chưa đến 10 nghìn đồng”.

co gai viet chinh phuc bang tien si nhat ban anh 1

Từ nhỏ, Uyên Nhi đã luôn cố gắng, nỗ lực giành học bổng để hỗ trợ gia đình.

Thời điểm đó, dù cuộc sống còn nhiều thiếu thốn, Nhi luôn kiên định với mục tiêu đi du học. Không có tiền theo các khóa luyện thi tiếng Anh bài bản, cô tham dự các buổi học miễn phí của đại sứ quán Mỹ, làm quen với các bạn sinh viên, lập các hội nhóm online để ôn thi TOEFL và GRE. Ngoài ra, cô tích cực tham gia các hoạt động liên quan đến chuyên ngành của mình.

May mắn trong một lần tham gia trại hè, Nhi được gặp gỡ và nói chuyện với một vị giáo sư người Nhật. Ấn tượng với sự thông minh của cô gái Việt Nam, người này đã mời và tài trợ miễn phí cho Nhi đến tham quan ĐH Sokendai, một trong những ngôi trường nghiên cứu về Vật lý nổi tiếng ở đất nước mặt trời mọc.

“Lúc nhận được email, tôi không tin đó là sự thật. Khi nói với gia đình, họ vẫn nửa tin nửa ngờ, xen lẫn lo lắng vì không biết lấy đâu ra 20 triệu cho con gái mua vé máy bay".

Thế rồi, Nhi cũng đến được Nhật Bản. Sau 2 tuần tìm hiểu và tham quan ngôi trường nổi tiếng, Nhi quyết tâm phải quay trở lại đây.

Năm 2013, cô gái Thừa Thiên - Huế đỗ chương trình học thạc sĩ kết hợp tiến sĩ tại ngôi trường ao ước.

Thời gian đầu, mọi chuyện diễn ra khá suôn sẻ, sau 8 tháng học thạc sĩ, cô vinh dự được chọn đi báo cáo trong một hội nghị quốc tế ở Pháp. Tại đây, bài báo cáo của nữ du học sinh Việt Nam được các giáo sư đầu ngành đánh giá cao. Bên cạnh đó, tại trường học, trong các cuộc thi sinh viên, cô đều đoạt giải nhất.

Mọi khó khăn đến khi học bổng của cô dần cạn.

“Vì những thủ tục chồng chéo, rắc rối ở Nhật, suốt một thời gian dài, tôi không nhận được học bổng. Do áp lực tiền bạc, công việc, tôi bị bệnh nặng. Không có tiền trả học phí, cũng không thể chữa bệnh ở xứ người. Thời điểm đó, tôi quyết định bảo lưu chương trình học, tạm thời về Việt Nam".

co gai viet chinh phuc bang tien si nhat ban anh 2

Trong lúc khó khăn nhất, Nhi đã tự mình cố gắng, quyết tâm thay đổi để chứng tỏ bản thân.

Kiên định, không từ bỏ mục tiêu

Chuyến về nước tràn đầy sự bất an và sợ hãi khiến Nhi cảm giác mình là kẻ thua cuộc. Từ nhỏ, cô luôn là niềm hy vọng, tự hào của cha mẹ. Vì thế, cô không thể về nhà trong hoàn cảnh bệnh tật, nợ nần, không có sự nghiệp.

“Lúc đó, tôi đã định thần lại và tự nhủ ‘thay đổi hay là chết’. Ở Việt Nam, tôi phải xoay xở với căn bệnh, kiếm tiền đủ để trang trải cuộc sống khi quay lại Nhật. Đồng thời, tôi muốn chứng tỏ cho giáo sư hướng dẫn là mình vẫn có năng lực để hoàn thành chương trình tiến sĩ”.

Sau hơn một năm nỗ lực làm việc, Nhi tích cóp được một khoản tiền và tìm được cách xin học bổng, quay trở lại Nhật Bản.

“Ở trường, tất cả nghiên cứu sinh chỉ làm duy nhất một việc, đó là nghiên cứu. Còn riêng tôi, thời gian cuối của chương trình tiến sĩ, tôi phải làm thêm nhiều công việc một lúc".

 
 

Ngày bảo vệ xong luận án, Nhi vỡ òa trong hạnh phúc khi được giáo sư hướng dẫn thông báo rằng "Chúc mừng tiến sĩ Quách, em đã nỗ lực rất nhiều. Em thật xứng đáng”.

Những tưởng mọi khó khăn đã qua, nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh, thời điểm chuẩn bị tốt nghiệp, Nhi vô cùng lo lắng, sợ bị kẹt lại, không thể về nước.

“Tôi nộp đơn lên đại sứ quán, chờ đợi trong sự lo lắng, thấp thỏm. Cuối cùng, tôi cũng may mắn được trở về nước. Khi chia tay, các giáo sư đều chúc mừng và nhắn gửi những lời động viên. Ai cũng tâm sự thật rằng không ngờ tôi có thể quay trở lại, tiếp tục đi hết chặng đường. Họ rất tự hào về tôi".

Quá trình 7 năm sống, học và làm việc tại Nhật đã giúp Uyên Nhi từ cô du học sinh nhút nhát trở thành người phụ nữ trưởng thành độc lập, mạnh mẽ. Giờ đây, khi về nước, cô đã có kế hoạch phát triển công việc của mình.

"Năm đó bắt đầu đi du học, người nhỏ xíu, nhát người. Hiện tại tôi vẫn nhỏ xíu, nhưng đã dũng cảm, tự tin hơn. Xin cảm ơn chính mình vì đã không từ bỏ, luôn suy nghĩ tích cực và cố gắng hết mình", Uyên Nhi tâm sự.

Theo  Zing