Thứ trưởng Vũ Hồng Nam cùng bà con kiều bào ở Bờ Biển Ngà


Chúng tôi đến A-bi-giăng, Bờ Biển Ngà trong cơn mưa rào đầu mùa, tiết trời mát mẻ giúp xoa dịu cái nắng nóng như lửa đốt từ vùng đất Đắc – ca trước đó. Thành phố A-bi-giăng, trung tâm phát triển kinh tế của Bờ Biển Ngà hiện ra với những toà nhà cao tầng, cầu cảng năng động, những trục đường chính nườm nượp xe cộ qua lại và cả những góc phố trong các khu dân cư chừng như yên ắng.

Cảm giác mệt mỏi sau nhiều chặng bay gần như tan biến khi nhìn thấy bóng dáng một tà áo dài hồng cánh sen bay thấp thoáng trong phòng chờ. Sự hiện diện của quê hương Việt Nam ở một nơi xa xôi thế này khiến mọi người trong đoàn đều thấy ấm lòng. Bóng áo dài thướt tha ấy chính là chị Anna Uyên Phương, Chủ tịch Hội người Việt ở Bờ Biển Ngà, đã sinh sống và kinh doanh hơn 30 năm tại đây. Cùng với Đại sứ Việt Nam tại Ma-rốc kiêm nhiệm Bờ Biển Ngà Trần Quốc Thuỷ, chị chào đón chúng tôi bằng nụ cười tươi tắn đầy duyên dáng và những cái ôm thật chặt.

Mặc dù mới được gặp lần đầu nhưng tôi đã nói chuyện qua điện thoại với chị Phương, và hơn cả là được nghe rất nhiều lời kể về chị từ trước khi đặt chân tới A-bi-giăng. Câu chuyện về doanh nhân nữ Việt Nam thông minh và sắc sảo đứng đầu một doanh nghiệp lớn kinh doanh điều ở xứ sở châu Phi, một người phụ nữ giàu lòng trắc ẩn, luôn nhiệt tâm giúp đỡ mọi người xung quanh những lúc khốn khó, và thậm chí nhiều lúc vì khoảng cách quê nhà xa xôi, chị phải hy sinh, chịu đựng cả những mất mát lớn lao của cá nhân để tiếp tục những công việc chung trong cộng đồng, đều khiến bất cứ ai gặp chị cũng cảm thấy thực lòng yêu mến và cảm phục.

Nghe chị kể thêm về “thiên tình sử” giữa chị và anh Thiện, chồng chị, khi hai người gặp và yêu nhau ở công ty sữa Cô gái Hà Lan tại Hà Nội, rồi sau đó cùng nhau lập nghiệp từ hai bàn tay trắng ở Bờ Biển Ngà, chúng tôi càng thêm niềm tin vào sức mạnh của tình yêu, và hơn hết niềm tự hào về sự dũng cảm, ý chí kiên cường của phụ nữ Việt.

Ngay buổi chiều hôm ấy, chúng tôi đến gặp mặt cộng đồng người Việt ở Bờ Biển Ngà. Cộng đồng ở đây thưa, chỉ có khoảng 200 người và phần đông là mới sang từ khoảng 10-15 năm trở lại đây. Bên cạnh một số người làm kinh doanh, do người dân địa phương và người nước ngoài ở đây rất yêu thích ẩm thực Việt nên đa phần bà con mở các nhà hàng Việt Nam phục vụ thực khách. Vì là ngày Chủ nhật, lại trùng dịp lễ nên các nhà hàng khá đông khách, một số người bận rộn phải thu xếp công việc ở cửa hàng nên chúng tôi không gặp được tất cả bà con, nhưng cuộc gặp có lẽ cũng vì thế mà có phần thân mật, gần gũi hơn.

Qua những giây phút ngại ngần ban đầu, sau khi nghe Thứ trưởng Ngoại giao, Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Vũ Hồng Nam trò chuyện thân tình, chia sẻ những khó khăn, thuận lợi của bà con trong cuộc sống, tâm sự của những người xa xứ dần được bộc bạch, giãi bày. Cộng đồng tuy nhỏ, mỗi người một việc nhưng mọi người đều hiểu rất rõ hoàn cảnh, cuộc sống, công việc của nhau. Chị Phương kể, vào các dịp lễ, Tết thường khó kêu gọi anh chị em gặp mặt để liên hoan, sum vầy vì lẽ mọi người đều làm nhà hàng, bận rộn hơn trong những ngày nghỉ, nhưng hễ có ai gặp khó khăn, gia đình có việc hiếu thì mọi người ngay lập tức có mặt, chung tay giúp đỡ, đóng góp để sẻ chia.

Chị Nguyệt, một người phụ nữ nhỏ nhắn ấp úng kể lại câu chuyện của mình, gia đình chị sang Bờ Biển Ngà theo diện tị nạn, ngoài tấm thẻ tị nạn do chính quyền sở tại cấp, hiện nay chị không còn bất cứ giấy tờ gì của Việt Nam. Lâu nay, chị tưởng chừng như hy vọng về Việt Nam đã không còn nữa. Nét mặt của chị T. bớt dần vẻ lo lắng khi được trực tiếp Thứ trưởng và Đại sứ hướng dẫn làm thủ tục để được xác minh, cấp giấy miễn thị thực cho phép được về thăm quê hương, thậm chí người em trai của chị còn giữ giấy khai sinh của Việt Nam vẫn còn khả năng được cấp hộ chiếu Việt Nam.

Lần lượt nhiều câu hỏi được đưa ra, do hiện nay Việt Nam chưa có Cơ quan đại diện Ngoại giao tại Bờ Biển Ngà, việc gửi giấy tờ qua đường bưu điện cũng không được đảm bảo nên việc làm giấy tờ, thủ tục đối với bà con tương đối khó khăn. Nói chuyện với bà con, Thứ trưởng – Chủ nhiệm Vũ Hồng Nam đã tận tình hướng dẫn, giải đáp các thắc mắc, cho biết hiện nay Chính phủ Việt Nam và Bờ Biển Ngà đang đẩy mạnh hợp tác toàn diện trên các lĩnh vực, trong đó có việc chính phủ Bờ Biển Ngà tạo thuận lợi cho cộng đồng người Việt tiếp tục sinh sống ổn định, phát triển kinh doanh, làm ăn ở sở tại. Trước mắt, hai bên đang thúc đẩy bổ nhiệm Lãnh sự danh dự của Việt Nam tại Bờ Biển Ngà để hỗ trợ hiệu quả hơn nữa cho cộng đồng và tăng cường hợp tác giữa hai nước.

Khi được hỏi về việc học tiếng Việt của trẻ em trong các gia đình người Việt, chị Thanh, Phó Chủ tịch Hội cho biết, hiện nay, các chị đang rất muốn mở một lớp học cho khoảng hơn 10 cháu là con em người Việt quanh thủ đô A-bi-giăng, nhiều cháu đã đến độ tuổi đi học nhưng do không có sách vở, giáo viên nên chủ yếu việc học tiếng Việt do một số ít gia đình bố trí thời gian tự dạy. Trong hành lý của đoàn công tác lần này, chúng tôi có chuẩn bị một số bộ sách giáo khoa tiếng Việt cấp tiểu học, các cuốn truyện tranh dân gian, truyện cổ tích trao tặng cho Hội, được các chị vui mừng đón nhận. Chị Thanh và chị Phương cùng hào hứng chia sẻ sẽ sớm tập hợp các cháu lại, có thể mời các sơ hoặc chị em từng là giáo viên để hỗ trợ dạy vào các ngày cuối tuần, có lẽ một lớp học tiếng Việt nho nhỏ sẽ sớm được bắt đầu trong thời gian không xa.

Có một điều thú vị trong cộng đồng người Việt ở Bờ Biển Ngà và các nước Tây Phi, chúng tôi được gặp khá nhiều phụ nữ Việt tự mình lập nghiệp và sinh sống ở vùng đất xa xôi này, họ làm nhiều nghề, có những người đứng ra kinh doanh, làm chủ doanh nghiệp, điều hành nhà hàng Việt Nam thành công không thua kém gì các cơ sở kinh doanh của sở tại. Hơn thế nữa, ý thức rõ về những thách thức khi cộng đồng còn khá non trẻ, nhiều người mới sang chưa kịp thích nghi với môi trường mới nên khi có các trường hợp không may như tai nạn, va chạm hay tranh chấp lao động xảy ra, các chị lại trở thành những “sứ giả” hoà giải, gặp gỡ các cơ quan chức năng để hỗ trợ họ hoặc chủ động kêu gọi mọi người quyên góp giúp đỡ các trường hợp khó khăn.

Tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái và lòng bao dung, hướng thiện của các chị không chỉ gia tăng sức mạnh của cộng đồng, mà vô hình chung chính những người phụ nữ Việt đầy lòng can đảm, sự thông minh, sắc sảo và sự khôn khéo vốn có ấy đã góp phần tạo nên hình ảnh về một đất nước Việt Nam hết sức thân thiện và đầy ý chí vươn lên trong mắt Lãnh đạo, cơ quan chính quyền và nhân dân các nước bạn. Đây chính là nguồn “sức mạnh mềm”, là nét đẹp mang tính nhân văn của dân tộc Việt Nam đã được truyền bá rộng rãi đến bạn bè quốc tế, xuất phát từ chính những người phụ nữ giản dị ấy. Gặp gỡ, làm việc với các cơ quan chức năng của các nước Tây Phi, niềm tự hào dân tộc luôn trỗi dậy trong chúng tôi khi ở đâu cũng được nghe những lời khen ngợi, ghi nhận hết sức chân thành về bà con người Việt, những người đã thực sự trở thành cầu nối hữu nghị đưa Việt Nam và bạn bè thế giới ngày càng xích lại gần nhau.

Tạm biệt Tây Phi, chuyến bay trở về Hà Nội với tấm tình của các chị đã trở nên đầy lưu luyến và in đậm những dấu ấn khó phai. Tấm bản đồ về cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng được mở rộng hơn ở những vùng đất xa xôi, dù là với những cộng đồng lớn hay những nhóm người Việt mới hình thành nhưng đó chính là đất nước, là gốc gác, là linh hồn của dân tộc sẽ được tiếp tục bồi đắp, giữ gìn và được quảng bá rộng rãi đến với thế giới qua các thế hệ kiều bào, những người con xa quê mang trong mình dòng máu ruột thịt của quê hương Việt Nam./.

                                                                                                                     Theo Quehuongonline