Nhà văn Trần Thùy Mai trong buổi ra mắt sách cuối tháng 4 vừa qua - Ảnh: ĐẠI DƯƠNG

Hơn thế, thái hậu Từ Dụ là một nhân vật quá nổi tiếng và "quen thuộc" - không chỉ với vùng đất cố đô, tác giả không dễ tùy hứng sáng tạo, hư cấu.

Vì thế, tôi đón đọc tiểu thuyết của Trần Thùy Mai với một chút "tò mò": không biết nữ sĩ dùng "chiêu" gì để có thể cuốn độc giả theo mình qua gần ngàn trang sách?

Thì ra, tác giả đã rất "khôn ngoan" khi "mượn" Hằng - cô gái con thượng thư bộ lễ Phạm Đăng Hưng từ đất phương Nam, được chọn vào cung, gần gũi mấy đời vua rồi trở thành thái hậu - để soi tỏ chuyện cung đình từ bên trong cung cấm.

Do vậy, Từ Dụ thái hậu là chuyện suốt mấy đời vua, từ Gia Long, Minh Mạng đến Thiệu Trị, Tự Đức.

Trần Thùy Mai đã tạo ra một thế giới nghệ thuật vừa có sức lôi cuốn, vừa được độc giả tin cậy về một góc nhìn chân thực và công bằng đối với triều Nguyễn. Ví như ở chương 14 (Di mệnh), những lời vua Gia Long trăng trối với các công thần, thể hiện cái nhìn có thể nói là mới mẻ và "mềm dẻo" của tác giả đối với nhân vật lịch sử đang có nhiều cách đánh giá khác nhau:

"...Cảnh trước kia, thường quá thiên về Tây; Đảm thì ngược lại, quá khắt khe bài xích họ; hai cái đều có chỗ rất dở. Mình dễ quá thì họ tham mà lấn; mình khó quá thì họ lấy sức mà đè, đằng nào cũng thiệt cho mình. Bao năm nay ta vẫn giữ cách xử sự mềm dẻo, linh động với họ, khiến họ làm lợi cho ta mà không xâm phạm đến ta được... Hãy thận trọng, chuyện này không phải dễ đâu...".

Tác giả "khôn ngoan" chọn cô Hằng để soi tỏ chuyện hậu cung, nhưng mặt khác, có thể nói đề tài về thái hậu Từ Dụ đã "chọn" được người viết như Trần Thùy Mai.

Nói vậy, vì nhờ lợi thế của một cây bút nữ, tiểu thuyết không chỉ có các vụ tranh đoạt quyền lực gay cấn và hấp dẫn mà còn đầy những trang viết mềm mại, đậm phong vị Huế khi miêu tả đời sống thường nhật sau các cánh cửa cung cấm, từ cách chế biến các món ăn, các kiểu bánh trái đến cả "xuất xứ" bài thuốc "Minh Mạng thang"; từ chuyện các thái giám và cung nữ lo "giường chiếu" cho vua khi "ghé" phòng các phi đến việc vua Minh Mạng đã sáng tác

Đế hệ thi ra sao... Có lẽ, cũng chỉ một cây bút nữ thấu hiểu những nỗi đau đời của người cùng giới mới viết nên đoạn đối thoại giữa cung nữ Hạnh Thảo với Phạm Đăng Hưng về thân phận "Tam phi" (tức Ngọc Bình, vợ vua Nguyễn Quang Toản, được vua Gia Long tha chết và đưa về cung):

Sách gồm hai tập (Quyển Thượng, Quyển Hạ), NXB Phụ Nữ ấn hành - Ảnh: N.K.P.

- "Hoàng thượng một tháng dù có đến cung Tam phi cả ba mươi hôm đi nữa, đâu có nghĩa là Tam phi được yêu thương đâu?... Tam phi chỉ là một tù binh đáng thương, hoàng thượng thích đến với bà ấy có lẽ chỉ để tận hưởng cái cảm giác của người chiến thắng... Mồ mả của Tây Sơn chỉ có thể khai quật một lần.

Còn Ngọc Bình, hoàng hậu Tây Sơn, chính là một ngôi mộ sống, hết ngày này sang ngày khác liên tục bị khai quật cày xới!...".

Nhiều nhà phê bình đã nói về giọng điệu văn chương mềm mại, đầy nữ tính của Trần Thùy Mai, nhưng những dòng chữ này cho chúng ta thấy "nữ tính" vẫn có thể dữ dội như thế nào...

                                                                                                                                                                                     Theo Tuổi Trẻ