Cô giáo Vũ Hải Yến 

Tự "vẽ" về chân dung của mình, Yến bảo thích tìm tòi, thích những điều bất ngờ trong cuộc sống nên chọn theo nghiên cứu khoa học.

Về trường, bước lên bục giảng là cơ duyên đầy bất ngờ mà trước đó Yến vốn chưa từng nghĩ đến. Bởi Yến nói mình sợ đám đông, thích lùi lại phía sau hơn. Nhưng khi nhắc về lớp học, bục giảng, dường như Yến lại là một người khác.

Khoa học phục vụ cuộc sống

Cùng với giảng dạy, Yến vẫn duy trì thói quen nghiên cứu như những ngày còn làm ở viện nghiên cứu trước khi về trường. Yến không nhớ hết đã bao nhiêu đêm làm bạn cùng máy móc đến tận khuya trong hai năm ở viện. 

"Lúc ở viện hay hiện giờ, mình đều được sống đúng như những gì mong muốn, bởi mỗi kết quả nghiên cứu đều cho ra nhiều bất ngờ thú vị" - Yến nói.

Miệt mài giảng dạy và nghiên cứu, đến nay hành trang khoa học của bạn cũng kha khá. Đề tài "Nghiên cứu tác động của biến đổi khí hậu đến hạ tầng cơ sở nước sạch và vệ sinh môi trường huyện Cần Giờ (TP.HCM)", Yến cùng đồng nghiệp đã đưa ra một số khuyến cáo. 

Trong đó quan trọng nhất là kiểm tra chất lượng nguồn nước, biện pháp trữ nước. Dù đã có hệ thống ống dẫn nước sạch về, song không ít hộ dân ở Cần Giờ vẫn phải dùng nước mua từ các sà lan hoặc tự khoan giếng. Họ hầu như không quan tâm đến kiểm nghiệm chất lượng nước.

PGS.TS Thái Văn Nam (phó viện trưởng Viện khoa học ứng dụng HUTECH) đánh giá dù trẻ nhất nhóm thực hiện đề tài nhưng Hải Yến làm tốt vai trò điều phối quá trình nghiên cứu, tạo cơ hội cho sinh viên cùng tham gia thực nghiệm thực tế. 

"Đề tài đã được nghiệm thu, kết quả cung cấp cho huyện Cần Giờ để dùng vào chiến lược phát triển tại địa phương" - ông Nam cho biết.

Càng nghiên cứu, Yến càng nhận diện rõ cần theo đuổi những vấn đề có thể ứng dụng ngay vào cuộc sống bởi nhu cầu xã hội luôn rất cần. 

Vì vậy mà cô bạn đã hoàn thành nghiên cứu việc tách kim loại nặng trong lục bình trên kênh rạch của TP.HCM để sản xuất phân bón có thể đạt công suất hàng tấn mỗi ngày. Cô giáo trẻ còn nghiên cứu khả năng sản xuất vật liệu xây dựng từ vỏ trấu thải trong nông nghiệp.

Một tu viện Phật giáo ở huyện Bình Chánh (TP.HCM) không biết nghe ai mách đã tìm Yến nhờ hướng dẫn để tập thói quen phân loại rác tại nguồn cho phật tử. Yến nhận lời giúp ngay dù không một đồng thù lao, còn phải chạy đi chạy về nhiều lần với quãng đường khá xa.

Hết lòng với học trò

Một trong những sinh viên thế hệ đầu tiên được cô Yến đứng lớp giảng, anh Nguyễn Trần Ngọc Phương, chia sẻ: "Cô rất nhiệt tình và trách nhiệm với sinh viên". 

Phương nhớ hoài nhờ tài quân sư của cô mà anh đã săn được học bổng của nhiều đơn vị khác nhau, giúp anh vượt qua vất vả thời sinh viên. Giờ là đồng nghiệp, Ngọc Phương khoe thói quen dùng phấn viết bảng khi lên lớp do "học theo cách của cô Yến".

Trên trang cá nhân, nhiều học trò của Vũ Hải Yến dành những lời trân trọng khi nhắc về cô giáo. Có bạn viết: "Cho con được gọi cô một tiếng mẹ yêu và không biết nói gì hơn khi có một người mẹ tuyệt vời như thế! 

Cảm giác được mẹ ôm từng đứa con trước giờ chuẩn bị thể hiện bản thân trước hội đồng bảo vệ đồ án tốt nghiệp không thể tả được, là sự ấm áp, niềm tin, hi vọng dâng trào trong con. Cảm ơn mẹ đã vẽ lên bức tranh thanh xuân của con một dấu ấn không bao giờ quên được".

Chỉ nhiêu đó thôi là "mẹ Yến" đủ "công lực" để bước tiếp giữa những khó khăn của công việc và cả cuộc sống gia đình riêng. Yến bảo rằng lớp học như thánh đường, nơi mà cô luôn chuẩn bị bài giảng chu đáo, với trang phục lịch sự và "thấy mình đẹp nhất khi đứng trên bục giảng".

"Tôi dặn học trò nếu cố gắng hãy luôn ở mức cao nhất và tự nhắc mình phải đào tạo, cung cấp cho đời một sản phẩm hoàn thiện, vì nếu không, mình sẽ có lỗi với xã hội" - Yến bộc bạch.

"Nhà giáo trẻ tiêu biểu TP.HCM" 4 năm

Năm 2018 là lần thứ tư Vũ Hải Yến được Thành đoàn TP.HCM vinh danh và tặng giải thưởng "Nhà giáo trẻ tiêu biểu TP.HCM". Với riêng mình, cô giáo ấy xem giải thưởng như sự tưởng thưởng cho quá trình cống hiến, ghi nhận những nỗ lực trong nghiên cứu, giảng dạy mà bạn đã chọn và xem đó như một sứ mệnh.

"Mỗi lần nhận giải thưởng lại là lời nhắc bản thân phải nỗ lực nhiều hơn nữa. Bởi được sống với đam mê nghiên cứu khoa học, được làm điều mình thích, lại có cả ngàn "đứa con" sau mười mấy năm đứng lớp là phần thưởng lớn lao mà nghề giáo đã tặng cho mình" - Hải Yến bày tỏ.

Theo Tuổi trẻ

Hướng nghiên cứu chất thải rắn, chất thải nguy hại, làm sao giảm thiểu và biến chúng thành sản phẩm hữu ích cho cuộc sống của cô Yến rất phù hợp trong điều kiện hiện nay.

PGS.TS THÁI VĂN NAM (phó viện trưởng Viện khoa học ứng dụng HUTECH)

Hướng nghiên cứu chất thải rắn, chất thải nguy hại, làm sao giảm thiểu và biến chúng thành sản phẩm hữu ích cho cuộc sống của cô Yến rất phù hợp trong điều kiện hiện nay.

PGS.TS THÁI VĂN NAM (phó viện trưởng Viện khoa học ứng dụng HUTECH)