“Ở công ty hay trên phim trường, không ít người vẫn gọi tôi là ‘Ngô Thị Hành’ đấy!” Ngô Thanh Vân chia sẻ.

Với bộ môn nghệ thuật thứ bảy, Ngô Thanh Vân không chỉ có đam mê mà còn cả những tham vọng (với những tính toán, hoạch định chiến lược khôn ngoan bằng một cái “đầu lạnh”).

- Chị chia sẻ rằng, “Hai Phượng” (đạo diễn Lê Văn Kiệt) sẽ là bộ phim cuối cùng chị tham gia diễn xuất với hình ảnh “đả nữ.” Phải chăng, Ngô Thanh Vân đã mệt với những màn đánh đấm bạo lực?

Ngô Thanh Vân: Đó không phải là lý do. Nếu mệt, tôi sẽ cho phép mình nghỉ ngơi để nạp, tái tạo năng lượng. Tôi dừng lại cũng không phải vì sợ hình ảnh của mình bị cũ, nhàm chán với vai trò “đả nữ.”

Thực chất, tôi muốn dồn sức cho vai trò nhà sản xuất phim.

Ngô Thanh Vân cho biết, “Hai Phượng” là bộ phim cuối cùng chị tham gia diễn xuất với hình ảnh “đả nữ.” (Ảnh: Đoàn làm phim)

- Vai trò nhà sản xuất có gì hấp dẫn để chị từ chối những lời mời casting các dự án của Hollywood, lui về hậu trường thay vì xây dựng hình ảnh, danh tiếng cá nhân và theo đuổi sự nghiệp của một diễn viên tầm cỡ hơn?

Ngô Thanh Vân: Trong vai trò nhà sản xuất, tôi có thể hỗ trợ được nhiều hơn cho những bạn trẻ muốn học và làm phim một cách bài bản. Trước khi gắn bó với điện ảnh, tôi từng là người mẫu, ca sỹ. Hơn 20 năm trong môi trường showbiz, tôi hiểu rõ và rất thấm mức độ khốc liệt của sự cạnh tranh.

Thành công cần được xây dựng trên nền tảng năng lực, sự cố gắng của bản thân mỗi người. Thế nhưng, tôi tin, nếu có sự hỗ trợ, định hướng bài bản thì con đường dẫn đến thành công sẽ rút ngắn lại. Những người trẻ có năng lực sẽ hạn chế được việc loay hoay tìm kiếm hướng đi, định hình phong cách… Từ đó, họ sẽ bứt phá tốt hơn.

Trước đây, tôi đã từng rất băn khoăn giữa việc đi và ở. Khoảng thời gian từ năm 2006-2007, tôi có cơ hội được tham gia vào một số dự án của Hollywood. Đó thực sự là những cơ hội quý báu, giúp tôi tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm, học hỏi được nhiều công nghệ làm phim hiện đại của nước ngoài.

Với mỗi dự án như vậy, tôi sẽ phải vắng mặt ở Việt Nam từ ba đến sáu tháng. Các đạo diễn, nhà sản xuất nước ngoài rất khắt khe với kỷ luật cao trong công việc. Họ không chấp nhận việc diễn viên chểnh mảng, thiếu tập trung. Bởi vậy, nếu tôi tiếp tục đi theo con đường ấy, tìm kiếm những cơ hội tương tự thì sẽ không có nhiều thời gian cho điện ảnh Việt.

Trong “Star Wars: The Last Jedi,” Ngô Thanh Vân vào vai viên phi công Paige Tico. Cô là một trong số ít nghệ sỹ Việt góp mặt trong các dự án của Hollywood. 

Tôi buộc phải có sự lựa chọn dứt khoát. Vậy là sau “Ngọa hổ tàng long,” “Star Wars: The Last Jedi” và “Bright,” tôi quyết định dừng lại và dồn toàn bộ sức lực cho phim Việt.

- Đó có phải là toàn bộ lý do cho sự chọn lựa khó khăn của chị không, hay còn những nguyên cớ khác, ví dụ như khi “đặt lên bàn cân” thì rõ ràng, ở Việt Nam, sức ảnh hưởng và khả năng bước lên những đỉnh cao mới của chị nhiều hơn hẳn?

Ngô Thanh Vân: Đúng vậy! Đó cũng là một lý do quan trọng. Tôi không có thói quen và cũng không thích việc lật lại vấn đề theo kiểu tự đặt ra những giả thiết: nếu như ngày trước quyết định thế này thì bây giờ đã thế kia… Thế nhưng, rõ ràng, nếu ngày ấy tôi lựa chọn việc ra đi thì chắc rằng, không thể có một Ngô Thanh Vân như hiện nay - “tham lam” và cả tham vọng với đủ vai trò: diễn viên, đạo diễn, nhà sản xuất phim.


Quá trình từ diễn viên chuyển qua làm đạo diễn, nhà sản xuất cho tôi rất nhiều trải nghiệm thú vị. Tôi cũng hiểu thế mạnh lớn nhất của bản thân, hiểu mình muốn gì và cần gì? Khi tôi mới bắt đầu cuộc dịch chuyển sang vai trò đạo diễn - một vai trò thường do đàn ông đảm nhiệm, nhiều người đã tỏ ra nghi ngại, thậm chí tỏ ra bực bội khi làm việc với tôi. Tôi đã đối thoại, chia sẻ để những người xung quanh hiểu ý tưởng của mình, giải quyết những bất đồng.

Tôi cũng muốn chứng minh rằng, những gì đàn ông làm được thì phụ nữ cũng có thể làm được. Trong cả công việc và cuộc sống, tôi không thích dùng từ phái mạnh, phái yếu vì thực ra, không có ai yếu cả. Mỗi người đều có thế mạnh, nguồn năng lượng riêng. Vấn đề chỉ là, chúng ta khơi dậy và phát huy nó như thế nào thôi.

- Với một “đả nữ” như chị, nguồn năng lượng nội tại được sử dụng thế nào?

Ngô Thanh Vân: Nhiều người nói tôi hành xác nhưng tôi thấy vui với những việc mình làm. Tôi không cho phép mình ở thế bị động, mà phải luôn chủ động và sử dụng tối đa năng lượng trong người. Thậm chí, có những giai đoạn, tôi nghĩ năng lượng, sức lực của mình còn được khai thác hơn 100% như khi quay “Hai Phượng.”

Phim là hành trình cứu con nghẹt thở của bà mẹ đơn thân khi phải đối đầu với những tay giang hồ cộm cán trong đường dây tội phạm chuyên bắt cóc trẻ con, buôn bán nội tạng xuyên quốc gia. “Hai Phượng” có bảy trận giao đấu lớn và nhiều cảnh hành động lẻ. Trong phim, tất cả chỉ diễn ra gói gọn trong một ngày trong nhưng quá trình ghi hình kéo dài khoảng sáu tuần với cường độ khoảng 18 tiếng/ngày.

Nhiều lúc tôi rất đau, phải dùng thuốc giảm đau do bị chấn thương nhưng không thể tạm dừng hay giãn bớt ra để nghỉ ngơi được. Tôi không chỉ là diễn viên chính mà còn là nhà sản xuất. Nếu làm vậy thì sẽ ảnh hưởng đến cả đoàn, dừng lại ngày nào là mất tiền ngày ấy. Kinh phí đầu tư không cho phép.

Hơn nữa, tôi có một nguyên tắc là luôn phải đặt ra mục tiêu cao hơn so với năng lực, năng lượng của mình để nỗ lực, coi đó là cái đích cần vươn tới.

Với "Cô Ba Sài Gòn," Ngô Thanh Vân góp phần tôn vinh, quảng bá tà áo dài Việt Nam.

- Đó phải chăng cũng là cách chị dồn toàn bộ sức lực cho phim Việt như đã chia sẻ?

Ngô Thanh Vân: Đúng vậy! Tôi muốn giành lại thị phần khán giả Việt cho phim Việt, để họ thấy rằng, phim Việt có giá trị riêng và đội ngũ người làm phim có thế mạnh, hướng đi riêng. Người trong cuộc như tôi làm sao không chạnh lòng, suy nghĩ khi khán giả hiện nay, nhất là khán giả trẻ chỉ thích xem phim ngoại, thần tượng những đạo diễn, diễn viên và hình tượng nhân vật do điện ảnh Mỹ, Hàn Quốc xây dựng… Tôi luôn khát khao phim Việt có thể đứng cùng hạng mục tranh giải, được xướng tên ở các liên hoan phim danh tiếng, được quốc tế thừa nhận.

Cũng bởi thế mà ước mơ của tôi không phải là thành công ở vai trò đạo diễn. Việc làm đạo diễn “ngốn” của tôi quá nhiều thời gian. Bạn biết không, với dự án “Tấm Cám: Chuyện chưa kể,” tôi mất hai năm. Tôi muốn tác phẩm của mình phải có sự khác biệt nên khá tốn thời gian, công sức.

Hơn nữa, tính tôi cầu toàn và khắt khe nên không chấp nhận bất cứ một sơ suất nào, dù là nhỏ. Kể cả khi công việc đã ở phút 89, sắp sửa hoàn thành, nếu tôi phát hiện thấy một lỗi thôi thì “Ngô Thị Hành” cũng vẫn sẵn sàng yêu cầu êkíp làm lại từ đầu. Trong khi với lượng thời gian ấy, tôi có thể tìm kiếm nguồn đầu tư cho khoảng bốn bộ phim khác để các đạo diễn tiềm năng thực hiện.

Khi chúng ta có được đội ngũ những người làm phim được đào tạo bài bản, định hướng đúng và có cơ hội thử sức trong nhiều dự án, tiếp cận với những công nghệ làm phim hiện đại của thế giới để trưởng thành thì đương nhiên, chúng ta có quyền hy vọng vào một tương lai khác của điện ảnh Việt.

“Song Lang” gây ấn tượng bởi những khung hình đẹp, góp phần tái hiện thời kỳ vàng son của bộ môn nghệ thuật cải lương.

- Vậy, chị có chiến lược gì để tạo sự khác biệt khi đưa tác phẩm đi giới thiệu, “chinh chiến” ở nước ngoài?

Ngô Thanh Vân: Để tự tin bước ra thế giới, điện ảnh Việt cần chiến lược phát triển bài bản và trước hết, nó phải là một ngành công nghiệp có sức cạnh tranh cao ở trong nước. Đây không phải là việc một mình Ngô Thanh Vân hay bất kỳ một ai khác có thể cáng đáng được toàn bộ; mà phải là sức mạnh của tập thể. Cũng giống như để có một bộ phim hay, chúng ta cần có một êkíp tốt phối hợp ăn ý, chứ không thể chỉ trông chờ vào một mình đạo diễn, biên kịch hay diễn viên…

Còn với riêng mình, tôi luôn nỗ lực và sẵn sàng lao ra đối mặt với thử thách, thậm chí là bị “ném đá.” Nếu lúc nào cũng bảo toàn sự yên ổn thì không thể có sự bứt phá để tiến về phía trước.

Mặc dù tôi lớn lên ở Na Uy nhưng ngay từ nhỏ, gia đình đã luôn nhắc nhở rằng, tôi cần ghi nhớ, mình là người Việt Nam. Bởi vậy, khi làm phim, tôi luôn chú trọng khai thác những chi tiết thể hiện bản sắc Việt Nam. Chúng ta có một kho tài nguyên phong phú (về ẩm thực, văn hóa truyền thống, lịch sử…) để có thể đưa lên màn ảnh rộng. Phim là một kênh quảng bá văn hóa, hình ảnh đất nước, con người rất tốt.

Thực tế, những phim tôi đã từng làm đều đi theo hướng này dù mức độ có khác nhau. Với “Tấm Cám: Chuyện chưa kể,” đó là câu chuyện cổ tích dân gian nổi tiếng, hàm chứa nhiều bài học, triết lý nhân sinh sâu sắc của người Việt. Sau đó, câu chuyện về nghệ thuật cải lương, tà áo dài Việt được khai thác và thể hiện trong “Song Lang,” “Cô ba Sài Gòn.”


Ngay cả với bộ phim hành động “Hai Phượng,” văn hóa, bản sắc Việt cũng được thể hiện rõ nét qua bối cảnh, trang phục… Bên cạnh việc chạm đến mẫu số chung là tình mẫu tử, những mối quan hệ tình thân, “Hai Phượng” xây dựng hình ảnh người phụ nữ Việt đẹp trong tà áo bà ba nhưng cũng rất kiên cường với ánh mắt rực lửa khi đối đầu với kẻ bắt cóc con.

Tất nhiên, chất liệu không phải là tất cả. Từ nguồn nguyên liệu quý ấy, chúng ta phải biết gia giảm, chế biến và phải có sự hỗ trợ của công nghệ. Sự tinh tế, óc sáng tạo và khả năng biến hóa nhạy bén của biên kịch, đạo diễn, diễn viên… sẽ tạo ra những câu chuyện giàu cảm xúc. Thế nhưng, để tạo ra những hiệu ứng thẩm mỹ tốt, vẻ đẹp hình thức cho phim thì không thể thiếu sự hỗ trợ của công nghệ, kỹ xảo. Muốn đi đường dài và tiến ra thế giới, chúng ta phải kết hợp bài bản những phương diện nói trên.

- Hiện nay, với vai trò của một “nữ tướng,” chị xây dựng chiến lược tương lai thế nào?

Ngô Thanh Vân: Nếu phim làm ra dù hay, đẹp thế nào mà không có người xem thì cũng không ổn. Tôi buộc mình phải cân bằng nhiều yếu tố. Tôi vẫn phải hướng về công chúng, tìm hiểu nhu cầu khán giả muốn xem gì. Ngoài ra, để tạo sự khác biệt, tôi muốn mình và êkíp của mình với những sản phẩm tạo ra phải có sức ảnh hưởng, vị trí riêng (tạo thành xu hướng và định hướng thẩm mỹ của người xem, truyền cảm hứng tới khán giả).

- Ngoài nhan sắc, tài năng, bản lĩnh, sự cứng rắn, quyết liệt và táo bạo, còn mảnh ghép nào để hoàn thiện bức chân dung Ngô Thanh Vân không?


Ngô Thanh Vân: Sau thời gian căng mình với công việc, tôi cũng là một phụ nữ với nhiều sở thích rất đàn bà như mua sắm, làm đẹp… Dù có nền tảng thể lực khá tốt của một “đả nữ” nhưng nhiều lúc, tôi vẫn ước mình có nguồn năng lượng dồi dào, mạnh mẽ hơn như của một đấng nam nhi để làm được nhiều việc hơn…

Nghĩ thì vậy thôi, còn lại, tôi vẫn thích bản thân của hiện tại: vừa có sự mạnh mẽ, quyết đoán, táo bạo trong công việc vừa linh hoạt trong cuộc sống.

- Trân trọng cảm ơn chị! 

 

                                                                                                                                                                                                 Theo TTXVN