TS-BS Vương Thị Ngọc Lan đang chọc hút noãn làm thụ tinh trong ống nghiệm


Chủ trì dự án là TS-BS Vương Thị Ngọc Lan (bộ môn phụ sản Trường ĐH Y Dược TP.HCM), người đã dành cả tuổi trẻ cho con đường nghiên cứu y khoa và giúp cho ra đời hơn 10.000 đứa trẻ bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm. Nhân dịp này, Thanh Niên đã có cuộc phỏng vấn TS-BS Lan.
Nghiên cứu khoa học là hơi thở
Những ngày vừa qua như thế nào đối với chị khi kết quả nghiên cứu được ghi nhận bằng bài đăng trên NEJM?
Cả tập thể rất vui mừng, bất ngờ với sự đón nhận của mọi người cũng như truyền thông trên thế giới và ở VN. Nhưng mọi người đã khép lại chuyện này để bắt đầu những công trình mới, câu hỏi nghiên cứu mới. Hiện tại, cả nhóm đang triển khai một nghiên cứu có tầm cỡ như vậy ngay từ ngày 15.1.
Việc này có xáo động nhiều đến cuộc sống, công việc của chị không?
Nghiên cứu khoa học (NCKH) là thiết yếu với người làm khoa học nói chung, ngành y nói riêng. NCKH là phải làm nên không thể tổ chức như thời vụ, chạy theo chỉ tiêu. Nếu chạy theo chỉ tiêu, sẽ khó có công trình hiệu quả, đem lại tiếng vang lớn. Phải tổ chức như công việc hằng ngày. Nên thành công vừa qua không ảnh hưởng gì lớn với tôi. Tôi vẫn song hành vừa học vừa làm vừa nghiên cứu như từ trước tới nay.
Điều gì vui nhất với chị trong thành công vừa qua, thưa chị?
Đồng nghiệp chia sẻ đương nhiên là vui mừng. Bạn bè trên thế giới cũng cập nhật, chúc mừng rất nhiều. Tôi xúc động là có những đồng nghiệp, thầy cô thấu hiểu hành trình gian nan thế nào mới đi đến thành quả như vậy. Đây là niềm tự hào chung của mọi người chứ không phải chỉ của riêng nhóm nghiên cứu nữa. Bước ra nước ngoài, họ sẽ không biết mình làm ở đâu. Họ chỉ biết mình là nhóm ở VN thôi. Họ nói VN lên một mặt bằng mới của việc NCKH.
Đăng bài lên NEJM, mới thấy mình như người lãnh nhiệm vụ tiên phong, biết đường đi nước bước giúp đỡ nhóm khác. Đó cũng là động lực để người khác tự tin đăng lên những tạp chí lớn như vậy. Vì ở VN có nhiều người không tự tin. Nhưng không đi thử sao biết mình có làm được hay không? Ít nhất hãy nghĩ mình có thể làm được. Cứ cố gắng thì có ngày có kết quả.
Điều tôi cảm thấy vui nhất là đã xây dựng được đội ngũ nghiên cứu một cách chuyên nghiệp. Nhóm có nhiều người, mỗi người làm một công việc khác nhau ở bệnh viện. Khi làm dự án nào, mỗi người phụ trách một khâu nghiên cứu, ai biết việc người đó để việc hằng ngày không bị ảnh hưởng. Khi có ý tưởng nghiên cứu, sẽ đưa ra thảo luận trong nhóm, sau đó phân công người viết đề cương, triển khai nhận mẫu, phân tích số liệu, viết bài báo cáo... Qua nghiên cứu vừa rồi, chúng tôi đã xây dựng được một đội ngũ làm việc ăn ý từ ý tưởng đến khi công bố.
Ngoài ra, cũng có một nhóm chuyên phụ trách nghiên cứu: theo dõi, báo cáo tiến độ, xem có trục trặc, khó khăn gì. Vì một nghiên cứu có chất lượng thường có thời gian kéo dài 2 - 3 năm. Thời gian này thường có nhiều yếu tố bên ngoài tác động. Phải có một nhóm chuyên theo dõi, cập nhật tiến độ nghiên cứu.
Vậy, có điều gì khiến chị cảm thấy chạnh lòng không?
Cũng có. Tôi cũng nghe nhiều người nói nghiên cứu này có phát minh ra điều gì mới đâu. Nhưng nghiên cứu không nhất định tìm ra, phát minh gì vĩ đại. Nhiệm vụ chính của nghiên cứu là ứng dụng. Đôi khi mình suy nghĩ cái gì cao siêu như đỡ đẻ trên mặt trăng... Có thể tìm ra được gì đó nhưng giá trị ứng dụng giúp cho bệnh nhân, cải thiện công việc thì cần suy nghĩ là có hay không.
Đương nhiên cũng có ý kiến khác nữa. Một vấn đề có nhiều quan điểm. Cũng có thể chấp nhận. Đôi khi mình học từ những lời phê bình, góp ý, sai lầm nhiều hơn là học từ thành công.
Đào tạo các bạn trẻ, tôi luôn nói đừng nghĩ nghiên cứu là gì phức tạp, vĩ đại, không thể nào làm được, dành cho những người cao cấp. Nó rất bình thường, như công việc hằng ngày, như hơi thở của mình.
Con đường nghiên cứu của chị trong những năm qua như thế nào?
Tôi học Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, ra trường năm 1996. Từ khi đi làm, tôi đã bắt đầu có nghiên cứu nhỏ, viết bài đăng báo ở VN. Năm 2006, tôi có bài công bố quốc tế đầu tiên. Đến 11 năm sau thì có bài trên NEJM. Đây là những cột mốc quan trọng nhất cho đến nay.
Con theo cha mẹ vào bệnh viện là đi chơi !

TS-BS Vương Thị Ngọc Lan đang hướng dẫn các bác sĩ trẻ
Với một người nghiên cứu, việc sắp xếp thời gian giữa công việc, nghiên cứu, gia đình gần như rất khó khăn. Với chị, có khó cân bằng điều này không?
Ở nước ngoài, mỗi người đều phải có quỹ thời gian nghiên cứu do mình bố trí. Như tôi có làm việc cùng một nhóm nghiên cứu rất mạnh ở Brussel (Bỉ), tôi có hỏi vì sao nhóm có rất nhiều nghiên cứu được công bố như vậy? Lý do là mỗi người trong nhóm đó đều có quỹ thời gian cho nghiên cứu, xem như là một phần của công việc. Ở mình chưa có chính thức quỹ thời gian đó. Nhưng tôi thường có những buổi chiều trong trường ĐH để suy nghĩ về nghiên cứu, phân tích số liệu, viết bài.
Nhưng hơn 20 năm nay, đôi khi nghĩ lại cũng thấy hơi chạnh lòng, thương con. Thời gian đầu tư nghiên cứu, công việc của tôi rất nhiều, thời gian dành cho con không bao nhiêu. Mọi người có hỏi nếu bắt đầu lại từ năm 1996 - 1997, có đi theo con đường này không? Công việc tôi làm thì tôi rất thích thú, say mê. Nhưng thời gian tôi cống hiến cho công việc quá nhiều, thời gian dành cho con cái không được bao nhiêu. Nếu đi lại, có thể tôi lựa con đường dung hòa chút, chứ không “cực đoan”, đổ dồn toàn bộ tâm trí, thời gian vào công việc như vậy.
Tôi nhớ mãi chuyện đứa con lớn của tôi lúc còn nhỏ. Ngày chủ nhật tôi thường xuyên phải đi làm trong bệnh viện nên phải dắt con theo. Hôm đó, có một bạn hỏi con là “Con có được ba mẹ dẫn đi chơi không?”. Bé nói “Dạ có”. Bạn hỏi “ba mẹ thường dẫn đi đâu chơi?”. Con tôi hồn nhiên: “Dạ, dẫn vào bệnh viện!”. Đối với con tôi, được ba mẹ dẫn vào bệnh viện là đi chơi rồi! Tôi nghe cũng chạnh lòng lắm. Nhưng điều kiện, hoàn cảnh đòi hỏi phải như vậy. Từ đó, cách huấn luyện con trong gia đình tôi là sự hy sinh, cống hiến trong nghề nghiệp đặt lên hàng đầu. Ba mẹ cũng có chơi với con, hướng dẫn con học hành nhưng thường cũng cuối ngày rồi. Thật sự nghĩ lại thấy tội con. Nhưng tôi nghĩ người nào làm nghiên cứu khoa học cũng vậy thôi. Mình đầu tư điều gì quá sức thì mọi thứ thời gian, công sức đều đổ vào đó. Không ai được vẹn toàn hết tất cả.

TS-BS Vương Thị Ngọc Lan cùng gia đình
Vậy lúc chị còn nhỏ ở với mẹ (Anh hùng lao động - GS-BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng - PV) thì sao?
Cũng y như vậy! Tôi nghĩ tôi cũng đi theo con đường như mẹ. Sau năm 1975, mẹ tôi đi các tỉnh nhiều lắm. Trong khoảng thời gian rất nhiều người đưa ra lựa chọn đi nước ngoài hay ở lại, tôi nhớ có một cô bệnh nhân có hỏi mẹ tôi: “Như bác sĩ đi nước ngoài kiếm thiếu gì tiền, con ăn học trường lớn dễ dàng. Nhưng sao lại chấp nhận cuộc sống hiện tại khó khăn, đi làm khắp nơi, để con cái phải tự lo như vậy làm gì?”.
Tôi cứ ám ảnh mãi câu trả lời của mẹ. Bà nói: “Tôi làm những điều này không để lại tiền cho con nhưng để lại tình yêu thương mọi người cho con. Giả sử ngày nào đó, con đi đâu đó gặp tai nạn. Con chỉ cần nói con của bác sĩ Phượng là có nhiều người giúp đỡ con tôi”. Tôi nhớ mãi! Vì mẹ tôi nói mình giúp người khác là mình được yêu thương chứ không phải được trả công. Đó là lợi ích vô hình mà chúng tôi được hưởng từ mẹ, trở thành truyền thống, văn hóa trong gia đình tiếp nối các thế hệ về sau.
Trong nhà, 2 con tôi cũng tự hiểu điều này. Trong tương lai, chắc cũng sẽ có một thế hệ giống mẹ tôi và tôi. Không bao giờ con đòi hỏi ba mẹ phải đưa đi chơi cuối tuần mà tự biết cách sắp xếp theo thời gian nghiên cứu, làm việc của ba mẹ. Hy vọng tương lai con cũng đi theo khuynh hướng như vậy.
TS-BS Vương Thị Ngọc Lan

TS-BS Vương Thị Ngọc Lan là con của GS-BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng, nguyên Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ. Chồng chị là BS Hồ Mạnh Tường, nguyên Trưởng khoa Hiếm muộn vô sinh của Bệnh viện Từ Dũ.
Anh cũng là một BS tên tuổi trong lĩnh vực hỗ trợ sinh sản và thụ tinh trong ống nghiệm.
BS Lan học tại Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, sau đó nghiên cứu thạc sĩ và tiến sĩ tại Trường ĐH Y Dược TP.HCM. Khi còn làm việc tại Bệnh viện Từ Dũ, BS Lan thường được trìu mến gọi là “người mẹ của nghìn con”. Chị là người đã giúp cho ra đời hơn 10.000 đứa trẻ bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) với việc hỗ trợ phát triển kỹ thuật thụ tinh ống nghiệm và giúp xây dựng các trung tâm thụ tinh trong ống nghiệm khắp mọi miền đất nước: Từ Dũ, An Sinh, Vạn Hạnh, Mỹ Đức, Huế, Cần Thơ... Năm 1998 chị đã được vinh danh tại giải thưởng Kovalevskaya vì công trình thụ tinh trong ống nghiệm đầu tiên tại VN. Năm 2017, chị được tạp chí Forbes bình chọn là một trong 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất VN.
Có thể nói, sự nghiệp của BS Lan gắn liền với sự phát triển của phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm tại VN. Năm 1997, vừa mới ra trường, chị chỉ hỗ trợ mẹ làm hồ sơ các trường hợp được điều trị. Tuy nhiên, các bác sĩ Pháp ấn tượng về chị và đề nghị đưa vào ê kíp đầu tiên được chuyển giao kỹ thuật làm IVF. Chị trở thành người đầu tiên phía đoàn VN chuyển phôi đậu thai, và bé gái Phạm Tường Lan Thy ra đời trong năm 1998, đánh dấu cột mốc hành trình 20 năm thụ tinh trong ống nghiệm tại VN cho đến nay.
Người đáng tin cậy
Tôi đã liên kết làm việc với BS Lan trong hơn 10 năm qua. Cô ấy là một trong những BS trẻ tuổi, được biết đến như là một nhà nghiên cứu, BS lâm sàng và nhà lãnh đạo giỏi. Xuất bản gần đây của BS Lan về việc chuyển phôi tươi và đông lạnh là một tác phẩm nổi bật của một nhóm từ VN vì tạp chí y học NEJM là tạp chí lâm sàng được xếp hạng cao nhất trên thế giới và vô cùng khó khăn. BS Lan là một người rất đạo đức và đáng tin cậy, thường xuyên được mời nói chuyện tại các cuộc họp ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và ngày càng nhiều ở châu Âu và Mỹ.
GS Robert Norman
(Viện Nghiên cứu Robinson, Trường ĐH Adelaide, Úc)
Người hiếm có
BS Lan là một người tương đối hiếm trong y giới ở VN. Hiếm ở chỗ chị vừa làm BS điều trị lâm sàng vừa làm nhà nghiên cứu khoa học và là nữ giới.
Những nghiên cứu của BS Lan được công bố trên những tập san hàng đầu trong chuyên ngành như Human Reproduction, Fertility and Sterility, và dĩ nhiên là phải kể đến công trình "đỉnh" trên New England Journal of Medicine.
GS Nguyễn Văn Tuấn
(Viện Y khoa Garvan, Trường ĐH New South Wales, Úc)
Nhà khoa học mẫu mực
Tôi làm việc và gắn bó cùng BS Lan rất nhiều năm từ Bệnh viện Từ Dũ cho đến bây giờ. BS Lan là người luôn say mê học tập, khiêm tốn, có óc cầu tiến, có tài, có đức, say mê nghiên cứu khoa học. Chị đạt nhiều thành tựu trong nghiên cứu khoa học, đặc biệt là trong lĩnh vực sản phụ khoa, hỗ trợ sinh sản. Chị đang là một trong những chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực này ở VN, cùng nhóm các chuyên gia hỗ trợ sinh sản khác nâng tầm của VN đạt trình độ quốc tế. Chị là một nhà khoa học mẫu mực, có khả năng tiến xa hơn trong tương lai, rất xứng đáng được tôn vinh.
PGS-TS Ngô Minh Xuân
(Hiệu trưởng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch)

Theo Thanh niên