Anh Christopher Denis-delacour
Nhiều biểu hiện thiếu tôn trọng phụ nữ

Việc nói xấu phụ nữ chỉ là một trong các biểu hiện của sự thiếu tôn trọng đối với nữ giới. 

Sống tại Việt Nam, nhiều lần tôi chứng kiến cánh đàn ông có không ít lời phê bình, ý kiến về ngoại hình và thái độ của phụ nữ. 

Tôi có thể khẳng định điều mà người nước ngoài có thể gọi là "xúc phạm phụ nữ" hiện diễn ra hằng ngày ở đây.


Tuy nhiên, khi điều này xảy ra với phụ nữ ở Việt Nam, phản ứng thường thấy là họ không nói gì, chỉ nhìn xuống mặt đường và bước đi. 

Nếu lên tiếng có thể họ sẽ bị đe dọa bởi vũ lực. Ngoài ra, trong nhiều trường hợp phụ nữ còn bị đánh đập ở nơi công cộng nhưng chẳng ai nói gì mà cũng không mấy người can ngăn. 

Thay vào đó có vô số "khán giả" đến xem chuyện gì đang xảy ra. Đây là điều làm tôi sốc nhất.

Ngay cả khi có cặp trai gái cãi nhau, tôi thấy đàn ông chẳng nhường nhịn phụ nữ gì cả. 

Thật sự không thể nào chấp nhận được và bản thân tôi cũng không hiểu được tại sao nam giới có thể cư xử như vậy!

Hiện tôi tham gia nghiên cứu về việc phụ nữ bị xâm hại tình dục và vấn đề công bằng giới của Trường đại học Hoa Sen (TP.HCM). 

Tôi biết trong một thời gian quá dài, các gia đình chỉ dạy phụ nữ "công, dung, ngôn, hạnh" - những tố chất thường đi với các hoạt động nội trợ của phụ nữ. 

Hậu quả của việc này là các thiếu nữ chịu một áp lực rất lớn từ gia đình và xã hội về ngoại hình và cách xử sự. Điều này có tác động tiêu cực đến sự tự tin và việc tôn trọng bản thân của các cô gái.

Thay đổi điều này chỉ có một cách duy nhất là giáo dục. Tôi có thể thấy sự thay đổi với các thế hệ sau này, như các cô gái trẻ trong mối quan hệ với bạn trai hiện được chiều chuộng hơn và đó là một điều rất tốt. Tuy nhiên sẽ còn cần nhiều nỗ lực hơn nữa...

Ông Paul Sansome (người Anh):

Áp lực cần phải "xinh đẹp", "ưa nhìn"

Không ít lần tôi chứng kiến những cách hành xử không phù hợp của đàn ông trên đường phố Hà Nội như gọi với theo phụ nữ không quen biết hay chọc ghẹo các cô gái trẻ. 

Điều đáng mừng là trong không ít trường hợp, phụ nữ đã đứng lên bảo vệ mình một cách mạnh mẽ.


Tôi thấy phụ nữ Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung chịu một áp lực vô cùng lớn về ngoại hình. Áp lực cần phải "xinh đẹp" và luôn "ưa nhìn". 

Áp lực này ở nước các bạn rõ rệt hơn các nước phương Tây rất nhiều và tôi nghĩ điều này được tạo ra bởi đàn ông khi họ luôn cho rằng nghĩa vụ của phụ nữ là phải xinh đẹp!

Đây là một vấn đề nghiêm trọng bởi lẽ ảnh hưởng đến tâm lý và sự tự tin của phụ nữ nói chung và các cô gái trẻ nói riêng. 

Tuy nhiên, Việt Nam là xã hội phát triển nhanh nhất tôi từng chứng kiến và ngay cả thái độ, cách ứng xử của con người cũng nhanh chóng thay đổi nên tôi tin rằng khi các bạn nhận ra thì thói hư tật xấu sẽ sớm được thay đổi.

Theo tôi, phụ nữ cần phải đấu tranh và chỉ ra điểm xấu của đàn ông một cách nghiêm túc. 

Các bạn nữ phải phản biện ngay khi nhận được những lời phê bình và không nên bận tâm bởi lời chế giễu của đàn ông, hay thậm chí yêu cầu họ không được nhận định tương tự.

Ông Yamamoto Kansuke (người Nhật, doanh nhân):

Gây tổn thương nặng nề cho phụ nữ

Tôi nghĩ việc nhận xét ngoại hình của phụ nữ bắt nguồn từ tư tưởng "phụ nữ đại diện cho cái đẹp".

Từ cách nghĩ này, nhiều người đàn ông cho phép mình được nhìn ngắm những phụ nữ đẹp, chê bai phụ nữ có ngoại hình không ưa nhìn.

Cá nhân tôi cho rằng điều này gây tổn thương nặng nề đến người được nhắc trong câu chuyện dù họ có nghe thấy hay không.

Người ta sinh ra không chọn cho mình được vẻ ngoài. Hãy thử tưởng tượng chính bạn là người có ngoại hình không đẹp. Bạn có cảm thấy dễ chịu không nếu ai đó đang xầm xì bàn tán về bạn?

Hơn nữa, tôi cho rằng tâm hồn và tư duy của một người phụ nữ mới là điều quan trọng hơn cả.

Ông Roger Baddeley (người Úc):

Phụ nữ nên thảo luận thẳng thắn

ôi sống ở Việt Nam từ 2003 - 2010 và nhận thấy phụ nữ Việt Nam và châu Á nói chung có xu hướng dành nhiều sự tôn trọng cho đàn ông hơn so với phụ nữ ở các nước phương Tây.


Các bạn không đòi quyền bình đẳng, không rạch ròi đến thẳng thừng như phụ nữ phương Tây.

Tôi biết nhiều người phương Tây muốn có vợ châu Á vì họ cảm thấy mình còn được là đàn ông, được mạnh mẽ trước người vợ.

Tuy nhiên, phụ nữ sẽ thiệt thòi nếu quá hi sinh và chịu đựng.

Các bạn có quyền thảo luận thẳng thắn những mong muốn của mình với chồng hay bạn trai như yêu cầu về sự chung thủy, chăm sóc con cái, cách bạn muốn được tôn trọng, yêu thương, cách bạn hài lòng về sức khỏe, tinh thần cũng như đời sống vợ chồng.

Khi có thể đối thoại được với người bạn đời về những gì mình muốn hoặc không muốn, tôi tin chắc bạn giành được sự tôn trọng của họ và họ cũng không dám đi quá giới hạn.

Ông Wayne Jordan (người Anh):

Phụ nữ làm hết việc nhà là bất công!

Vấn đề duy nhất tôi nhìn thấy trong chuyện người ta đối xử bất công với phụ nữ là khối lượng công việc mà phụ nữ phải gánh vác quá nhiều.


Họ phải quán xuyến nhà cửa và con cái, không được bỏ mặc chồng, cộng thêm đi làm từ sáng đến chiều, trong khi đàn ông thì được thoải mái lựa chọn có làm việc nhà hay không tùy họ thích.

Để giải quyết vấn đề này, tôi nghĩ đàn ông và phụ nữ có thể đổi vị trí cho nhau, để đàn ông thấy rằng làm phụ nữ ở Việt Nam khó biết bao nhiêu và từ đó có thể thay đổi văn hóa trong đối xử với phụ nữ.

Tôi nghĩ sự tôn trọng xuất phát từ trái tim, nếu bạn thật sự yêu thương người phụ nữ của mình, sẽ không có điều gì mà bạn không làm cho cô ấy được cả.

Bạn gái tôi là một người phụ nữ Việt Nam tuyệt vời, cô ấy đảm việc nhà, giỏi giang và nỗ lực trong công việc.

Tôi cố gắng thể hiện sự tôn trọng của mình đối với bạn gái bằng hành động, khi có thời gian tôi luôn cố gắng giúp cô ấy giặt giũ, dọn dẹp, chỉ những việc nhỏ thôi cũng có thể tạo ra sự khác biệt.

Anh Ryan Pattey (người Canada):

Không tuyển phụ nữ làm "bình hoa di động"

Khi nói về tôn trọng phụ nữ, một trong những thay đổi tôi muốn thấy là xã hội và từng người trong chúng ta ghi nhận đóng góp của phụ nữ cho gia đình.

Khi người phụ nữ không đi làm việc xã hội, cô ấy quản lý việc nhà, chăm sóc con cái, chăm sóc bố mẹ hay người thân lúc đau ốm...

Những lao động đó có giá trị nếu quy ra tiền. Vì vậy, đóng góp của phụ nữ trong gia đình cần được ghi nhận và trân trọng tương đương người đi làm có thu nhập từ bên ngoài.

Thay đổi thứ hai tôi muốn nhìn thấy là nam giới tích cực hơn khi chia sẻ việc nhà và chăm sóc con cái với phụ nữ.

Đàn ông cần làm quen với hình ảnh mình thay tã, trông con, nấu nướng trong gia đình.

Với phụ nữ, các bạn cần nói không nhiều hơn với những điều mình không thích, không chấp nhận hoặc đưa ra yêu cầu nhiều hơn đối với người bạn đời.

Ngoài xã hội, tôi hi vọng vai trò chuyên môn của phụ nữ được khẳng định và họ không bị sếp vô tình hay cố ý bắt kiêm thêm những việc như lo trà nước, hỗ trợ hậu cần.

Ngoài ra, những công việc yêu cầu ứng viên là phụ nữ phải có ngoại hình, phải ăn mặc, trang điểm cầu kỳ để làm "bình hoa di động", theo tôi, cũng nên chấm dứt!

Cuối cùng, tôn trọng phụ nữ phải là một cuộc vận động lớn có ý nghĩa sâu rộng. Những người làm chính sách cần nhạy cảm về giới.

Cần ghi nhận tiếng nói của nữ giới trong hoạch định hay ban hành chính sách.

                                                                                                                                                                         Theo Tuổi trẻ