Hình minh họa

Bấy giờ giặc Minh chiếm đóng, chia nước ta làm quận, huyện, đặt quan cai trị, song người Việt không cam chịu cúi đầu. Giản Định đế - con cháu nhà Trần, tập hợp nghĩa binh ở Ninh Bình để kháng cự; vua Trùng Quang khởi binh ở Hưng Yên toan khôi phục cơ nghiệp nhà Trần. Ở Thanh Hóa thì nghĩa quân Lam Sơn bắt đầu dấy lên chống lại.

Quân Minh lo sợ cho xây đắp thành lũy trấn giữ những nơi hiểm yếu. Thành Cổ Lộng bên bờ sông Đáy thuộc địa phận làng Bình Cách, tổng Bình Lương, huyện Ý Yên, là một địa điểm dùng binh vô cùng xung yếu, đường thủy đường bộ từ Thanh Hóa ra Thăng Long đều phải qua nơi đây, chính vì vậy ngôi thành này được quân Minh xây dựng hết sức kiên cố. Thành rộng hơn trăm mẫu, được đắp bằng đất sỏi chở từ núi Thiên Kiện về nên rất vững chãi.

Khi nghe tin Lê Lợi khởi nghĩa ở Lam Sơn, Đinh Tuấn có ý đem gia binh theo giúp, bà Huệ hết lòng ủng hộ chồng. Riêng bà mở một hàng trầu nước gần khu thành, cùng một số thiếu nữ trong thành dùng tài múa hát để lân la vào trại giặc dò la tình hình. Quân địch trong thành thấy đám phụ nữ đều là những người xinh đẹp hiền lành nên không đề phòng.

Năm 1427, nghĩa quân Lam Sơn trên đà thắng lợi tiến đánh ra Đông Quan (Thăng Long), biết thành Cổ Lộng là nơi khó qua, Lê Lợi sai Đinh Tuấn về xem xét tình hình. Được bà Huệ thông báo cho biết đường đi lối lại trong thành và xin làm nội ứng cho nghĩa quân, Đinh Tuấn mừng rỡ sai người về báo cho Lê Lợi. Lê Lợi lập tức sai các tướng dẫn binh tiến ra.

Được tin báo, bà Huệ sắm sửa rượu thịt rồi phao tin rằng nhà có giỗ, mời tướng lĩnh trong thành ra ăn uống. Bà lại cho ca nhi hát múa dâng rượu khiến quân địch mê mệt, từ quân đến tướng say túy lúy bò về thành chui vào túi ngủ. Bà Huệ bảo các thiếu nữ thắt chặt các miệng túi rồi ra mở cửa thành. Đinh Tuấn cùng các tướng lĩnh đốc quân xông vào đánh, giặc không kịp trở tay phải xin hàng, thành Cổ Lộng bị hạ, quân Lam Sơn thẳng tiến ra hạ thành Đông Quan.

Sau khi lên ngôi, Lê Lợi mở hội định công phong thưởng cho các tướng sĩ. Đinh Tuấn và Lương Thị Huệ được ban tước công và 1.000 mẫu ruộng lộc. Vua hạ lệnh san phẳng thành Cổ Lộng, cho đổi tên làng đó thành làng Bình Cách (nghĩa là san phẳng). Ngày nay thành Cổ Lộng không còn dấu vết. Trước đây, người dân làm ruộng vẫn thường nhặt được những mảnh gươm giáo có khắc 4 chữ Hoàng triều Vĩnh Lạc, là niên hiệu của vua Thành tổ nhà Minh.

Năm 1432, bà Huệ qua đời, triều đình phong ông bà làm phúc thần, lệnh cho dân vùng đó lập đền thờ ông bà trên nền nhà cũ. Ông Đinh Tuấn được bao phong là Kiến Quốc đại vương, bà Huệ được bao phong là Kiến Quốc phu nhân.

Năm 1470 niên hiệu Hồng Đức, vua Lê Thánh Tông trên đường về Lam Sơn yết Thái miếu ghé qua thăm di tích thành Cổ Lộng, ông đã ngự chế một bài minh ở đền để ghi công ơn Kiến Quốc phu nhân:

Vĩ tai liệt phụ

Khí hùng vạn binh

Minh tặc thiết cứ

Cổ Lộng chi thành

Hoàng tổ khởi nghĩa

Đốc chí diệt Minh

Thiết kỵ mãnh chiến

Nang quát công thành

Sử thần bỉnh bút

Trưng vương tề danh

Miếu mạo hưởng tế

Thiên cổ phong thanh.

(Giỏi thay nàng liệt phụ

Khí hùng hơn muôn binh

Giặc Minh sang xâm chiếm

Đóng giữ Cổ Lộng thành

Hoàng tổ ta khởi nghĩa

Quyết chí diệt quân Minh

Ngựa sắt hăng hái đánh

Thắt túi giúp công thành

Sử quan cầm bút chép

Cùng bà Trưng lưu danh

Đền thờ hương khói ngát

Nghìn thuở mãi lưu danh).

Theo phunuvietnam