Trong gần 30 năm qua, tiến sĩ, dược sĩ Nguyễn Thị Ngọc Trâm đã theo đuổi việc nghiên cứu cây trinh nữ hoàng cung để tìm ra công dụng trong việc điều trị hiệu quả nhiều loại bệnh cho con người.  Đam mê khoa học, mong muốn những nghiên cứu của mình sẽ góp phần vào việc chăm sóc sức khỏe cho người dân. Sản phẩm crila ra đời là một minh chứng cho điều này. Bà đã được nhận nhiều giải thưởng, bằng khen cao quý dành cho các nhà khoa học nữ có những đóng góp xuất sắc cho nghiên cứu khoa học. Phóng viên đài TNVN đã phỏng vấn tiến sĩ, dược sĩ Nguyễn Thị Ngọc Trâm về những nội dung này.

PV: Thưa tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Trâm, trải qua một giai đoạn rất dài, từ nhiều năm bà đi theo cây thuốc này, đến nay, đạt được nhiều thành công, chứng minh bằng rất nhiều giải thưởng, công trình nghiên cứu khoa học đã được công bố, bà có thể cho biết, hành trình đến ngày hôm nay có vất vả không?

TS Nguyễn Thị Ngọc Trâm: Hành trình mà ra đời một sản phẩm thuốc mới như crila hoặc crilin điều trị ung thư thì hành trình của tôi kéo dài 30 năm. Bắt đầu nghiên cứu từ thực vật học, rồi đến thành phần hóa học cho tới nghiên cứu chiết xuất, tác dụng sinh học, rồi nghiên cứu bào chế..và cuối cùng ra được sản phẩm crila để thử nghiệm lâm sàng là cả quãng đường dài, đòi hỏi quyết tâm rất lớn, không ngại khó, ngại khổ. Tôi rất muốn có một sản phẩm từ dược liệu Việt Nam, để chữa bệnh cho người Việt Nam. Cũng như các thầy thuốc ngày xưa đã nói: nam dược trị nam nhân. Cây thuốc của người Việt Nam chữa cho người  Việt Nam. Tôi cũng kỳ vọng là có cả những loại thuốc đặc trị trị ung bướu, u lành tính, u ác tính cũng như các bệnh khác mà tôi đang mong ước, đó là bệnh trĩ và suy giãn tĩnh mạch. Sắp tới đây có những sản phẩm thuốc và có những bằng sáng chế của tôi. Tôi cũng vinh dự nhận được những giải thưởng của Nhà nước, của các nước cũng như những sáng chế. Đây là phần thưởng dành cho tôi nhưng phần thưởng lớn nhất là từ khí sản phẩm ra đời, cứu được rất nhiều người bệnh. Phần thưởng cao quý nhất theo tôi là chữa cho người bệnh, người bệnh khỏe và cảm nhận được các sản phẩm của mình đã cứu họ, đem lại sức khỏe và hạnh phúc cho họ


Riêng cá nhân tôi thì đấy là niềm hạnh phúc nhất của một người làm khoa học. Đích cuối cùng là tạo ra được sản phẩm cho nhân dân, cho sức khỏe cộng đồng có những niềm tự hào Việt vì sản phẩm crila xuất sang Mỹ và các nước tiên tiến và họ công nhận cái tốt của mình, bây giờ lại được chiết xuất, bào chế thành những viên thuốc hiện đại như là viên nang đấy là dạng bào chế mà giúp cho người sử dụng dễ dàng và dễ bảo quản cũng như hấp thu thuốc. Tôi nghĩ rằng, trong những năm qua, không phải là tôi không có khó khăn, nhưng với sự giúp đỡ của các nước như Bungary, Áo đã cộng tác với tôi cũng như của các cộng sự trong các viện nghiên cứu ở trong nước và nước ngoài và bạn bè đã hết lòng hỗ trợ để đưa các sản phẩm này ra trở thành thuốc. Thực tế, trong những năm qua, người bệnh hết sức tin tưởng vì sản phẩm có hiệu quả điều trị cao, an toàn với người bệnh. 


PV: Trong nghiên cứu khoa học thì việc hỗ trợ của các đồng nghiệp, làm việc theo nhóm rất quan trọng. Đồng thời bà cũng có ý tưởng hỗ trợ cho các thế hệ sau? 

TS Nguyễn Thị Ngọc Trâm: Tôi cũng rất muốn thế hệ sau tiếp nhận những nghiên cứu khoa học của mình, để giúp các em tìm ra những viên thuốc mới, trong nguồn dược liệu vô cùng quý báu của Việt Nam và với nguồn dược liệu phong phú của đất nước mình để ra đời được nhiều viên thuốc quý như crila, hoặc như thuốc crilin để cho thế giới thấy được trí tuệ người Việt. Thế giới sẽ thấy được nguồn dược liệu của Việt Nam phong phú, đa dạng và quý hiếm trên thế giới. Thế hệ trẻ nên có niềm đam mê, đó mới là điều quan trọng. Nếu không đam mê, không say sưa với nghiên cứu khoa học thì lúc gặp khó sẽ nản. Lòng đam mê sẽ khiến không nghĩ tới lợi nhuận trước mắt, không nghĩ tới quyền lợi cá nhân vì khi đam mê khoa học người ta chỉ nghĩ rằng là, cố gắng làm được cái đích của mình là mong muốn làm được cái gì thì con người ta sẽ vượt được qua hết. Suy nghĩ của tôi và tôi cũng rất muốn các em làm trong ngành dược, làm trong ngành y tế, cố gắng quyết tâm để Việt nam có một cuộc sống tốt hơn, sức khỏe tốt hơn

PV:  Thưa bà, phụ nữ mà làm nghiên cứu khoa học, tất nhiên sẽ vất vả hơn rất nhiều so với nam giới đúng không?

TS Nguyễn Thị Ngọc Trâm: Phụ nữ làm khoa học thì vất vả hơn vì phụ nữ có 2 nhiệm vụ: làm sự nghiệp của mình rồi lại phải chăm lo gia đình. Không thể nào để sự nghiệp lớn hơn gia đình được. Vừa phải làm việc, vừa phải nghiên cứu khoa học vừa phải chăm lo con cái, bảo vệ sức khỏe cho cả gia đình. Nếu mà muốn làm được như nam giới thì người phụ nữ phải cố gắng gấp đôi.

PV: Xin cảm ơn tiến sĩ

Theo VOV5