Chị Liên cùng các nam đồng nghiệp ở Trung Phi

"Khi tổ quốc cần..."

“Mẹ ơi! Con biết mẹ đã khóc và lo cho con hơn cả căn bệnh ung thư đang từng ngày ăn mòn cơ thể mẹ. Nhưng mẹ ạ, nhiệm vụ của người lính con không thể làm khác được...

Nhật con! Năm học đầu tiên con bước chân vào cấp III, vậy mà mẹ chẳng thể ở gần để đưa con đi may áo quần, mua sách vở. Mẹ thương con, thương bà nhưng chẳng biết làm gì hơn là hoàn thành tốt nhiệm vụ để ngày đoàn tụ của gia đình ta sẽ thật gần…”. 

Đó là những dòng nhật ký chất chứa nỗi lòng của trung tá Nguyễn Thị Liên - nữ chiến sĩ đầu tiên của Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam ở Trung Phi.

Trước khi trở thành chiến sĩ mũ nồi xanh, chị đang là giảng viên - Tổ trưởng bộ môn tiếng Anh của trường Sĩ quan Đặc công, Binh chủng Đặc công anh hùng. Chuyển sang đơn vị mới là một bước ngoặt lớn trong cuộc đời binh nghiệp của nữ quân nhân.

Tháng 9/2018, trong một lần đi dự hội thảo, chị cùng các nữ giáo viên khác được mời tới thăm trụ sở của Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam. Trong buổi nói chuyện, đồng chí cục trưởng bày tỏ sự cần thiết và mong muốn có phụ nữ tham gia cùng phái đoàn của Liên Hiệp Quốc ở khu vực Trung Phi. Cả khán phòng đang im lặng thì một cánh tay giơ lên: “Xin cho biết tiêu chí”. Mọi ánh mắt nhìn về phía người vừa đặt câu hỏi, và người đó không ai khác là chị. 

Ngày 18/11, nơi chị đang công tác nhận được quyết định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chuyển chị sang Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam và chuẩn bị lên đường sang Trung Phi. Đồng nghiệp biết chuyện nhưng sợ chị sốc nên chưa cho chị hay vì họ nghĩ “để cô ấy vui vẻ hết ngày 20/11 đã rồi báo”.

Cầm tờ quyết định hai ngày sau đó, cảm giác ban đầu của người phụ nữ 46 tuổi ấy là bất ngờ và bối rối. Khó khăn lớn nhất của chị là đối mặt với gia đình, với chồng con và bố mẹ hai bên. Càng khó khăn hơn khi mẹ ruột chị đang chống chọi với căn bệnh ung thư, con trai út đang chuẩn bị thi chuyển cấp.

Nữ chiến binh mũ nồi xanh yêu thích chiếc áo đỏ có sao vàng

Phao cứu sinh của chị lúc này không ai khác là con gái Mỹ Loan. Người mẹ ấy đã dốc hết gan ruột cùng con để nhận được sự đồng tình cùng lời khuyên quý giá: “Mẹ nên chia sẻ thẳng thắn với bố, con sẽ có cách ủng hộ mẹ”. Thế là con gái và mẹ “phối hợp tác chiến”.

Chị Liên lên chiến lược “vừa cương vừa nhu”, chị tâm sự với anh bằng thái độ nghiêm túc nhưng giọng rất nhẹ nhàng, chị biết có người chồng nào muốn vợ đi xa, lại là nơi giáp ranh giữa sự sống và cái chết, đói nghèo và bệnh tật. Còn con gái lớn của chị thì dùng chiến thuật “tâm lý”: “Bố ơi, mẹ đang rất cần sự ủng hộ tinh thần từ bố”.

Chị Liên không biết trong đầu chồng đang nghĩ gì, nhưng từ hôm đó trở đi, nhất là thời điểm chị sắp lên đường, anh Hòa - chồng chị - tích cực đi chợ nấu ăn toàn những món chị thích.

Nhưng đó mới chỉ là khâu thuyết phục chồng, còn cha mẹ, chị vẫn chưa thông báo. Chỉ hai tháng trước khi chị lên đường, họ mới hay tin. Hành lý quý giá nhất của chị mang theo là 5kg hạt giống bạn tặng, còn lại chỉ có mấy bộ quần áo và ít tư trang. Nhưng khi chiếc máy bay cỡ nhỏ (chỉ chở được khoảng 100 người) cùng âm thanh ầm ầm phát ra từ động cơ đưa nữ chiến sĩ cùng phái đoàn đáp xuống lục địa đen thì hành lý của họ bị thất lạc.

Nữ trung tá chỉ kịp cầm ba-lô, trong đó có một bộ đồ ngủ, bộ đồ đi làm, vài thứ lặt vặt cá nhân cùng tờ 5.000 đồng.

Ấn tượng ban đầu về Trung Phi không như chị tưởng tượng, dù biết trước đây là vùng đất bị hoang hóa và cuộc sống của người dân còn rất khó khăn và lạc hậu.

Máy bay vừa hạ cánh thì có người nghèo quây tới xin tiền. Xe của phái bộ tới đón chị, chạy trên những con đường đất lầy lội vì vừa trải qua một trận mưa. Trên những vũng nước đục ố là cảnh một phiên chợ chiều. Nhìn những con người lấm lem bùn đất, bán buôn chẳng có gì, chị Liên chợt thốt lên: “Sao lại khổ thế này?”.

Gieo mầm xanh Việt trên đất Trung Phi

Cuộc sống ở một nơi không điện, không nước sạch, không thực phẩm sạch… thỉnh thoảng lại có tiếng đạn đì đùng - của nữ chiến sĩ Việt Nam đã bắt đầu. Mấy ngày đầu, chị không ngủ được vì đêm bị muỗi và côn trùng cắn, đã thế nhiệt độ lại nóng 40 độ C mà không có quạt. 

Nếu là quân nhân nam, họ có thể cởi trần cho mát, nhưng nữ thì chịu, các chị buộc phải vật lộn với cái nắng, nóng cùng bụi cát. Nhất là trong thời điểm dịch COVID-19 hoành hành, cùng với tình hình chính trị đang phức tạp khi bầu cử sắp diễn ra, nhiều nữ chiến sĩ khác không dám bước chân ra ngoài, họ chỉ lấp ló ở cổng để chờ ai đi ngang nhờ mua cho ít rau, ít muối ngoài chợ.

Nhưng dần dần, chị và các đồng đội khác đã thích nghi tốt. “Vượt sướng mới khó, còn mình quen khổ rồi thì cũng không sao. Mình có khổ cũng mới chỉ bằng một phần trăm, phần ngàn của họ mà thôi” - chị Liên tâm sự.

“Họ” ở đây là người dân bản địa. Từ người lớn đến trẻ con, gương mặt đều nhuốm màu u buồn. Họ cười sao được với cái bụng đói meo, bữa ăn chính chỉ có sắn hấp, sắn luộc, sắn nấu canh. Nhưng sắn đâu được sạch sẽ gì vì bụi đường, đất cát bám đầy trong đó.

Chị Liên thương nhất là những đứa trẻ. Chúng không được đi học, lăn lê trên những đống đất cát. Điều lạ lùng là từ đứa còn đỏ hỏn trên tay mẹ cho đến những đứa lớn, chẳng đứa nào phát ra một tiếng khóc nhõng nhẽo hay đòi ăn. Chị bảo: “Chắc chúng biết thân biết phận mình nghèo từ trong bụng mẹ”.

Chị luôn tâm niệm "người địa phương còn khổ gấp trăm lần mình"

Bên cạnh nhiệm vụ chính mà Liên Hiệp quốc giao phó, nữ trung tá còn nỗ lực hiện thực hóa ý tưởng “Xây dựng hình tượng người phụ nữ Việt Nam ở Trung Phi” thông qua đảm nhận công tác Đảng, công tác chính trị nhằm tuyên truyền về đất nước và con người Việt Nam với bạn bè thế giới.

 

Nhưng tuyên truyền về con người Việt Nam bằng cách nào, bằng cái gì? Nói suông thì ai tin? Thôi thì mình phải làm gương trước đã rồi lại tính, chị Liên quyết định thế.

Đầu tiên, nữ chiến sĩ cải tạo khoảng vườn nhỏ nơi mình ở, rồi trồng lên đó nào mồng tơi, nào bầu. Điều khiến chị bất ngờ nhất là khi bỏ đám mồng tơi đã già ra trước cổng, thì người dân xúm tới rất đông để hái những lá ố, lá già còn sót lại. Chị Liên nhận ra, họ rất cần rau, rất quý những bữa canh như thế này. Sự nghiệp trồng trọt trên đất bạn thực sự bắt đầu, mặc dù ở Việt Nam ít khi chị đụng tới. Vừa làm vừa hỏi bạn bè trên Facebook, những luống rau sạch đã được nhân rộng ở nhiều khu vườn trong khu dân cư.

Kỷ niệm khiến chị Liên buồn cười nhất là đến thuyết phục dân trồng rau bằng cách chiêu đãi họ món rau muống xào tỏi. Phải mất nguyên một buổi, chị mới luộc xong rổ rau vì bếp không có củi, kiếm được củi thì gặp mưa ướt hết, cứ thế chạy ra chạy vào để nhận được cái gật đầu “ngon, ngon”.

Chị Liên và người địa phương trong nương ngô xanh mướt chị gieo trồng

Nhưng chiến lược thoát nghèo cho người dân nơi đây không thể là rau, mà phải là cây lương thực. Thế là đậu, ngô đã phủ kín những cánh đồng lâu nay vốn bỏ hoang. Chị Liên tự bỏ tiền túi ra thuê người dân cắt cỏ, cuốc đất. Đến khi thu hoạch chị lại chia ra: từ đây đến đây là của bạn này, bạn này chăm tốt hơn thì được nhiều hơn…

Từ ngày có người phụ nữ Việt Nam với chiếc mũ nồi xanh xuất hiện, người địa phương đã tự cuốc những mảnh đất riêng cho mình. Hạt giống chị Liên mang đi cùng hạt giống của bạn bè quốc tế chia sẻ đang từng ngày gieo những mầm xanh hy vọng trên mảnh đất đầy đau thương này.

Từ ngày có người phụ nữ Việt với chiếc mũ nồi xanh xuất hiện, những mầm xanh hy vọng đã nảy mầm trên mảnh đất đau thương

Một sự thay đổi nhẹ nơi đất khách đã diễn ra, trong khi đó ở quê nhà lại có biến cố lớn. Mẹ chồng chị nhập viện vì phát hiện mắc bệnh ung thư.

Hai người mẹ đang đối diện với căn bệnh nan y và đau đớn. Mẹ nào chị cũng thương. Theo kế hoạch thì giữa tháng Mười này, chị Liên sẽ lên đường về nước sau hơn một năm làm việc, gắn bó với mảnh đất và con người Trung Phi. Nhưng với tình hình dịch bệnh hiện nay, chị và đồng đội vẫn chưa có vé. Cũng chộn rộn lắm vì đã lâu chị không được gặp chồng con, không được tự tay nấu cho hai mẹ miếng cháo hay trực mẹ mỗi đêm trong bệnh viện.

Muốn lắm nhưng đã mang sứ mệnh của người chiến sĩ mũ nồi xanh, chị biết mình đang làm gì cho Tổ quốc. Trong màu áo đỏ sao vàng chị vẫn thường khoác lên mình có bóng hình của mẹ, của cha, của gia đình, cùng những người thân yêu đang dõi theo và luôn đồng hành cùng chị.

Là hậu phương của nữ quân nhân, chị tin mọi người sẽ hiểu: “Khi Tổ quốc cần… ta biết sống xa nhau”.

Theo phunuonline